Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Tuổi 40 của cao su Tây Nguyên: [Bài 2] 'An cư lạc nghiệp' với cây cao su
Chuyên mục:

Doanh nghiệp

Báo Nông nghiệp Việt Nam | 06:14
Google news

Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, cao su ở Tây Nguyên còn giúp đồng bào dân tộc thiểu số 'an cư, lạc nghiệp'.

Thu mủ cao su tại một nông trường của Cao su Ea H'leo. Ảnh: Thanh Sơn.

“An cư lạc nghiệp” từ khi làm công nhân cao su

Sau nhiều năm làm hết nghề này, việc nọ, chủ yếu là làm thuê, làm mướn mà đời sống không ổn định, thu nhập vừa thấp vừa bấp bênh, chị H’Trân Ê Ban, người dân tộc Ê Đê, ngụ ở buôn Đung, xã Ea Khal, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk, quyết định xin vào làm công nhân ở Cao su Ea H’leo.

Đến nay, H’Trân đã có 4 năm làm công nhân cao su. So với trước đây, cuộc sống của gia đình chị đã ổn định hơn hẳn khi ngày nào cũng có việc làm, thu nhập ổn định. Hiện tại, mỗi tháng, H’Trân có thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng từ cây cao su. So với mặt bằng chung trên địa bàn, thu nhập của H’Trân cao hơn khá nhiều, và tất nhiên, cũng cao hơn nhiều so với khi chưa làm công nhân cao su.

Không chỉ có thu nhập tốt và ổn định, từ khi làm công nhân cao su, H’Trân Ê Ban còn có nhiều thời gian để chăm sóc con cái gia đình.

Chia sẻ với chúng tôi, H’Trân cho biết, làm công nhân cao su vào mùa thu hoạch, cô phải đi làm từ 2h00 sáng, đến khoảng 5h30 - 6h00 sáng là đã xong phần cạo mủ. Nghỉ ngơi khoảng 1,5 - 2 tiếng, cô trút mủ là xong một ngày làm việc trên vườn cao su. Thời gian còn lại trong ngày, H’Trân có thể làm những công việc khác để có thêm thu nhập và chăm chút cho gia đình nhỏ.

H’Trân Ê Ban là một trong số rất nhiều công nhân, người lao động là dân tộc thiểu số đang yên tâm làm việc tại Cao su Ea H’leo. Ông Lê Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Cao su Ea H’leo cho biết, công ty hiện có tỷ lệ nhân sự là đồng bào dân tộc thiểu số rất cao, khoảng 50%, trong đó có những nông trường có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số lên tới gần 100%.

Sở dĩ lực lượng người lao động của Cao su Ea H’leo có tới một nửa là đồng bào dân số thiểu số, do trong những năm qua công ty luôn ưu tiên tuyển dụng đồng bào dân tộc thiểu số vào làm việc theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, công ty luôn chú trọng tăng năng suất vườn cây, năng suất lao động của công nhân, nên thu nhập của công nhân, lao động ở Cao su Ea H’leo liên tục được cải thiện trong những năm qua, đã giúp cho công ty thu hút được sự quan tâm của người lao động địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo ông Tuấn, năm 2023, thu nhập bình quân của người lao động công ty là 8,4 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của huyện. Vì ở Ea H’leo hiện nay, lao động tự do được trả công 200 - 250 nghìn đồng/ngày, mà công việc thì hôm có hôm không.

Công nhân làm việc tại nhà máy chế biến mủ cao su của Cao su Chư Sê. Ảnh: Thanh Sơn.

Cao su Chư Sê (Gia Lai), hiện cũng là đơn vị có tỷ lệ người lao động đồng bào dân tộc thiểu số ở mức cao. Ông Lê Đức Hân, Tổng Giám đốc Cao su Chư Sê, chia sẻ, hiện nay, công ty có 977 lao động, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là 612 người, chiếm gần 63%.

Đặc thù của Cao su Chư Sê là diện tích vườn cây kinh doanh của công ty trải dài trên 34 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, công nhân, lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, trên 46%.

Ở Cao su Kon Tum, đa số người lao động hiện cũng là đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Ngô Văn Mân, Phó Tổng giám đốc Cao su Kon Tum, cho biết, các vườn cây cao su của công ty trải rộng trên khắp các huyện trong tỉnh, đan xen khắp các bản làng, đã tạo nhiều công ăn việc làm ổn định cho người dân tại chỗ. Số lao động tham gia làm cao su là người dân tộc thiểu số hiện chiếm 72% tổng số lao động trong toàn công ty.

Giữ chân người lao động

Với tỷ lệ lao động là đồng bào dân tộc thiểu số cao như vậy, công tác chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân, lao động ở các công ty cao su Tây Nguyên luôn được thực hiện một cách đầy đủ để công nhân yên tâm gắn bó lâu dài.

Nói tới điều này, ông Lê Đức Hân khẳng định, các chế độ liên quan đến người lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trang bị bảo hộ lao động và các chế độ khác như: ăn giữa ca, bồi dưỡng cho người lao động làm công việc nặng nhọc độc hại,… luôn được Cao su Chư Sê thực hiện đầy đủ, ngay cả trong những thời điểm sản xuất, kinh doanh của công ty gặp khó khăn nhất.

Bên cạnh, đó Cao su Chê Sê thực hiện khám sức khoẻ định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật. Quỹ Mái ấm Công đoàn của công ty thường xuyên hỗ trợ để công nhân kiên cố hóa nhà ở, đảm bảo an cư lạc nghiệp. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ cán bộ, công nhân ở Cao su Chư Sê ngày nay đã có sự chuyển biến hết sức tích cực. Đời sống của người làm công nhân cao su nằm trong nhóm có mức sống tương đối cao trên địa bàn.

Ngoài giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, Cao su Chư Sê còn đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông nội vùng, hệ thống y tế, nhà trẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vùng cao su, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thu mủ cao su tại Cao su Kon Tum. Ảnh: Thanh Sơn.

Ở Cao su Kon Tum, ông Mân cho biết, ngoài việc thực hiện tốt các chế độ chính sách, lãnh đạo công ty còn đặc biệt quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động khi triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, giải pháp kỹ thuật để thực hiện hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn giao. Từ đó, đảm bảo quỹ lương của người lao động được tăng lên.

Cao su Kon Tum còn trích nguồn quỹ phúc lợi để hỗ trợ cho người lao động nhân kỷ niệm các ngày lễ, Tết, kỷ niệm ngày thành lập công ty, với số tiền thực hiện trong năm 2023 là 2,68 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cao su Kon Tum hỗ trợ đơn giá tiền lương cho người lao động trong những tháng tiền lương đạt thấp, hỗ trợ công nhân khó khăn về nhà ở. Công ty còn tổ chức cho cán bộ, công nhân viên tham quan du lịch nghỉ mát. Ngoài ra, công ty còn quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động như thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tạo động lực, niềm vui cho người lao động hăng hái thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, Cao su Kon Tum luôn quan tâm đến chế độ tiền thưởng cho người lao động; ngoài việc khen thưởng các danh hiệu thi đua, bình xét phân loại cuối năm, công ty còn xây dựng phương án thưởng cho các tập thể và cá nhân theo mức độ hoàn thành kế hoạch sản lượng hàng tháng và cả năm với tổng tiền thưởng trong năm 2023 là hơn 15 tỷ đồng”.

“Thời gian qua, nhiều tệ nạn xã hội đang xuất hiện trong thanh niên ở Ea H’leo, nhưng do có thu nhập tốt và ổn định, toàn bộ các lao động trẻ của công ty chúng tôi đều không dính vào ma túy cũng như các tệ nạn xã hội khác”, ông Trương Công Lực, Chủ tịch Công đoàn Cao su Ea H’leo, tiết lộ. 

Thanh Sơn

Link gốc

Thị trường đóng cửa
GVR
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục