Ở chiều ngược lại, công ty này đón một cổ đông lớn khác là ông Hoàng Đức Hiển, lượng cổ phiếu mua vào đúng bằng lượng bán ra của vị Trưởng Ban kiểm soát.
Mới đây, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng Ban Kiểm soát CTCP Gạch men Cosevco (mã: DCR) thông báo đã bán sạch toàn bộ 549.926 cổ phiếu DCR, giảm tỷ lệ sở hữu từ 8,46% xuống 0% và không còn là cổ đông của DCR. Giao dịch được thực hiện vào 22/11.
Ở chiều ngược lại, DCR đón một cổ đông lớn khác là ông Hoàng Đức Hiển. Vị này mua vào lượng cổ phiếu đúng bằng lượng cổ phần bán ra của bà Ngọc cùng ngày 22/11, qua đó nắm giữ 8,46% vốn tại Gạch men Cosevco.
Tại phiên giao dịch 22/11, cổ phiếu DCR ghi nhận giao dịch thỏa thuận với khối lượng như trên, giá trị thỏa thuận khoảng 3,3 tỷ đồng, tương ứng giá giao dịch trung bình 6.000 đồng/cp, cao hơn 11% so với giá đóng cửa cùng phiên là 5.400 đồng/cp.
Theo tìm hiểu, CTCP gạch men Cosevco trước đây là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, được cổ phần hóa vào cuối tháng 12/2006 theo quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước từ Bộ Xây dựng. Doanh nghiệp hoạt động chính trong mảng sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét - cụ thể là gạch men, hiện đang sở hữu thương hiệu gạch Dacera.
Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính gần nhất được công bố của DCR là BCTC kiểm toán 2023. Theo đó, DCR ghi nhận kết quả giảm mạnh, với doanh thu đạt 194 tỷ đồng, giảm 27% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt vỏn vẹn 120 triệu đồng, giảm sâu so với khoản lãi gần 6,1 tỷ đồng trong năm 2022.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhận ý kiến ngoại trừ từ đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán AAC. Nguyên nhân do DCR hoàn nhập dự phòng hơn 9,1 tỷ đồng đối với một số khoản nợ phải thu tồn đọng nhiều năm và không đối chiếu, xác nhận được. Từ đây, kiểm toán viên không thể đưa ra ý kiến về tính đúng đắn của việc hoàn nhập dự phòng nợ phải thu vào kết quả hoạt động kinh doanh năm 2023, cũng như số dư khoản mục “Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi” tại ngày 31/12/2023.
Theo văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán, DCR cho biết các khoản nợ phải thu khó đòi công ty đã được trích lập dự phòng từ 2022 trở về trước. Năm 2023, khi tiến hành rà soát hồ sơ, chứng từ, Công ty đã liên hệ đối chiếu, gửi thư thông báo nợ. Dự kiến, doanh nghiệp sẽ thu hồi hết số công nợ này trong năm 2024 nên đã hoàn nhập dự phòng số công nợ trên tại ngày 31/12/2023.