Tốc độ phát triển kênh siêu thị hiện đại đi kèm khả năng lan tỏa lợi ích thịt mát đến ý thức tiêu dùng toàn dân là chìa khóa mở cửa tiềm năng của thị trường này trong dài hạn, tương ứng với cơ hội đầu tư cho các cổ phiếu trong ngành.
Thịt mát là thịt được làm lạnh để ổn định nhiệt độ trong khoảng 0 đến 4 độ C, trong vòng 24 giờ sau khi giết mổ. Ảnh: Masan MEATLife
Trong báo cáo về triển vọng thị trường thịt mát Việt Nam cập nhật mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, giá trị thị trường thịt Việt Nam ghi nhận tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2018-2023 đạt 4,4%/năm, chủ yếu được dẫn dắt bởi thịt bò, dê, gà. Điều này là nhờ nhận thức cao hơn về sức khỏe và xu hướng tập thể thao, hạn chế thức ăn nhiều mỡ, cholesterol.
Cho giai đoạn 2024-2028, đơn vị phân tích cho rằng thị trường thịt bò và dê vẫn tiếp nối vai trò dẫn dắt của mình khi tiêu thụ đầu người chưa cao đi kèm sự phục hồi du lịch với nhiều du khách từ các nước có văn hóa ẩm thực gắn liền với hai loại thịt này hơn. Trong khi đó, thịt heo hay gia cầm đã vào ngưỡng bão hòa về tiêu thụ đầu người khi so sánh với các quốc gia trong khu vực tương đồng văn hóa ẩm thực như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Lào, Campuchia…
VDSC dẫn nghiên cứu của Euromonitor cho rằng, tăng trưởng thị trường thịt sẽ giảm tốc với CAGR ở mức thấp, 4,1% cho giai đoạn 2024 - 2028, do tăng trưởng tiêu thụ các loại thịt mới như bò, dê không đủ bù đắp cho sự bão hòa trong tiêu thụ thịt heo, gia cầm - các sản phẩm tiêu thụ chính ở Việt Nam.
Mặc dù khả năng tăng trưởng quy mô thị trường thấp như đề cập trên, VDSC vẫn nhận thấy làn sóng gia nhập/tăng đầu tư ở thị trường thịt từ các ông lớn như Vissan (VSN), MeatDeli (Masan MEATLife, MML), Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Hòa Phát, CP, Vilico. Điều này đến từ tiềm năng dịch chuyển tiêu dùng từ thịt nóng sang thịt mát, được đóng gói bởi các đơn vị uy tín trong dài hạn.
Cụ thể hơn, thịt nóng chủ yếu buôn bán ở chợ, không rõ nguồn gốc trong khi thịt mát được đóng gói, sản xuất bởi các đơn vị uy tín bán trong chuỗi siêu thị. Sự tăng trưởng của các kênh siêu thị hiện đại so với chợ sẽ thúc đẩy tăng trưởng ngành thịt mát. Bên cạnh đó, nhận thức người tiêu dùng ngày càng cao liên quan đến thịt mát tốt cho sức khỏe, rõ ràng nguồn gốc hơn thịt nóng.
Theo Euromonitor, tỷ trọng tiêu thụ thịt mát Việt Nam đang ở mức thấp - đạt xấp xỉ 9% tính đến 2023, so với các quốc gia phát triển ví như Trung Quốc, đạt khoảng 40% tính đến năm 2017.
Tỷ trọng tiêu thụ thịt mát trên tổng thị trường Việt Nam (%). Nguồn: VDSC
Mặc dù vậy, VDSC nhận thấy thị trường còn vấp phải những điểm nghẽn khiến tiềm năng lớn chưa được cụ thể hóa.
Đầu tiên là thói quen tiêu dùng thịt nóng gắn liền với chợ lâu năm. Nhiều người dùng (đặc biệt gen X) vẫn giữ thói quen mua thịt nóng, tức thịt không được bảo quản bằng thiết bị làm mát, bán khắp các sạp chợ.
Hai là giá bán. Các nhà phát triển thịt mát tại Việt Nam phải duy trì một cấu trúc chi phí cồng kềnh trong vận hành nhà máy sản xuất, nhập chi phí thức ăn chăn nuôi, con giống tới hệ thống kho bảo quản, bao bì và chiết khấu ở các điểm bán lẻ hiện đại. Do đó, giá bán đầu ra thường ở mức cao hơn so với chợ nhằm đảm bảo lợi nhuận.
Ngoài ra, tình hình cạnh tranh gay gắt trên thị trường thịt mát (CP, Hòa Phát, Vissan, MeatDeli, BaPi, HAG…) trong khi quy mô miếng bánh chưa đủ lớn cũng khiến các doanh nghiệp lao vào vòng xoáy doanh thu không cao và mức lời mỏng trong vài năm gần đây.
Đơn vị phân tích cho rằng, tốc độ phát triển kênh siêu thị hiện đại đi kèm khả năng lan tỏa lợi tích thịt mát đến ý thức tiêu dùng toàn dân là chìa khóa mở cửa tiềm năng của thị trường này trong dài hạn, tương ứng với cơ hội đầu tư cho các cổ phiếu trong ngành.
Nhà đầu tư cũng cần chú ý đến sự phát triển thị phần các hệ thống siêu thị liên quan đến các nhà sản xuất này như Co.op Mart (Vissan), Bách hoá Xanh, Go!, Lan Chi (CP, G), Winmart (MML) cho các quyết định đầu tư; do tính cạnh tranh gay gắt khiến một nhãn thịt thường chỉ phân phối ở một vài chuỗi siêu thị nhất định mà họ tự phát triển.
VDSC lưu ý thêm, các doanh nghiệp kinh doanh thuần thịt mát như MML hay VSN thường có biên lợi nhuận gộp cao hơn các doanh nghiệp kinh doanh heo sỉ như BAF, DBC do cấu trúc chi phí kinh doanh thịt mát đóng gói tại siêu thị cao hơn phân phối đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Ví dụ chi phí nhân viên, hỗ trợ bán hàng...