Năm 2025, thị trường phân bón Việt Nam được kỳ vọng duy trì sự ổn định về nguồn cung nhờ năng lực sản xuất trong nước ngày càng được cải thiện.
Năm 2024 cả nước xuất khẩu gần 1,73 triệu tấn phân bón các loại, tương đương trên 709,91 triệu USD, giá trung bình 411,1 USD/tấn, tăng 11,7% về khối lượng, tăng 9,4% về kim ngạch nhưng giảm nhẹ 2% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024 cả nước xuất khẩu gần 1,73 triệu tấn phân bón các loại, tăng 11,7% về khối lượng.
Riêng tháng 12/2024, xuất khẩu 154.801 tấn phân bón các loại, đạt 65,35 triệu USD, giá đạt 422,1 USD/tấn, tăng 18,4% về khối lượng, tăng 21,4% kim ngạch và tăng 2,5% về giá so với tháng 11/2024; so với tháng 12/2023 thì giảm 4,9% về lượng, giảm 8,3% kim ngạch và giảm 3,6% về giá.
Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này đã chiếm 34,3% trong tổng khối lượng và chiếm 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 592.121 tấn, tương đương 240,82 triệu USD, giá trung bình 406,7 USD/tấn, tăng 1,4% về lượng, giảm 2,3% kim ngạch và giá giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng tháng 12/2024, xuất khẩu sang thị trường này đạt 55.980 tấn, tương đương 21,24 triệu USD, giá trung bình 379,5 USD/tấn, giảm 2,8% về lượng, giảm 4% kim ngạch và giá giảm 1,3% so với tháng 11/2024.
Đứng sau thị trường chủ đạo Campuchia là thị trường Hàn Quốc đạt 220.174 tấn, tương đương 89,14 triệu USD, giá trung bình 404,9 USD/tấn, tăng mạnh 146,6% về lượng, tăng 154,6% kim ngạch và tăng 3,2% về giá, chiếm gần 13% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Xuất khẩu sang thị trường Philippines đạt 109.381 tấn, tương đương 46,35 triệu USD, giá trung bình 423,8 USD/tấn, tăng 93,3% về lượng, tăng 78,9% kim ngạch nhưng giá giảm 7,4%, chiếm 6,3% trong tổng khối lượng và chiếm 6,5% trong tổng kim ngạch.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, phân bón là yếu tố không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, với khoảng 10 triệu tấn phân bón được sử dụng hàng năm ở Việt Nam.
Bộ NN&PTNT đã đề ra chiến lược phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ cao, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Năm 2025, thị trường phân bón Việt Nam được kỳ vọng duy trì sự ổn định về nguồn cung nhờ năng lực sản xuất trong nước ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, dự báo cho năm 2025 cho thấy giá phân bón sẽ tăng nhẹ toàn cầu, khoảng 3-5%, có khả năng tác động lên mức giá trong nước, đặc biệt tại các khu vực phụ thuộc nhiều vào phân bón nhập khẩu.
Dự báo, xu hướng sử dụng phân bón hóa học và phân bón hữu cơ trong giai đoạn 2024-2029 sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 6,5 - 6,7% phản ánh xu hướng chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.
Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA) dự báo, nhu cầu tiêu thụ phân ure tăng 6% trong giai đoạn 2024 - 2028. Bên cạnh đó, xuất khẩu phân bón dự báo sẽ phục hồi, đặc biệt tại các thị trường truyền thống như Campuchia, Hàn Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng đang mở rộng thị trường sang châu Âu, nơi có các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cao hơn.
Trong nước, các chuyên gia cũng dự báo năm 2025 sẽ là một năm khá thuận lợi đối với ngành phân bón khi giá nông sản có xu hướng tăng lên. Bên cạnh đó, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi (VAT) áp thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 01/7/2025.
Nghiên cứu viên Trần Thị Huế, Viện Kinh tế - Tài chính, Học Viện Tài chính nhận định, năm 2025, thị trường phân bón Việt Nam được kỳ vọng duy trì sự ổn định về nguồn cung nhờ năng lực sản xuất trong nước ngày càng được cải thiện.
"Các nhà máy lớn như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau và DAP Đình Vũ đã triển khai các dự án mở rộng công suất, nâng cấp công nghệ, và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm tối ưu hóa sản lượng và chất lượng sản phẩm", bà Trần Thị Huế dẫn chứng.
Đồng thời cho biết, sự ổn định trong chuỗi cung ứng và năng lực xuất khẩu mạnh mẽ sẽ tiếp tục đảm bảo nguồn cung đáp ứng tốt nhu cầu nội địa. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) như RCEP và EVFTA tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu phân bón từ các nước có lợi thế cạnh tranh về giá như Nga, Trung Quốc và Indonesia. Điều này không chỉ giúp bổ sung nguồn cung mà còn hạn chế tình trạng tăng giá đột biến do khan hiếm cục bộ.
Bên cạnh đó, nhu cầu gia tăng nhờ mở rộng diện tích canh tác và áp công nghệ nông nghiệp dự báo sẽ thúc đẩy nhu cầu phân bón.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, ngành cũng đối mặt với những thách thức như xu hướng nông nghiệp hữu cơ tại các nước phát triển có thể làm giảm nhu cầu phân bón hóa học toàn cầu. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan như El Ninõ và La Ninã có thể ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp, từ đó tác động đến nhu cầu phân bón, đặc biệt trong ngắn hạn.
“Theo các chuyên gia, thị trường phân bón Việt Nam năm 2025 có khả năng đạt trạng thái cân đối cung - cầu tốt hơn so với năm 2024. Tổng cung dự kiến đạt khoảng 11,5 - 12 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ ước tính ở mức 10 - 10,5 triệu tấn. Xu hướng này phản ánh sự cải thiện trong quản lý nguồn cung và hiệu quả sử dụng phân bón tại Việt Nam”, bà Huế nhận định.
Đặc biệt, để phát triển trong dài hạn, ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, để có phân bón chất lượng tốt, minh bạch trong quản lý, cơ quan chức năng liên quan nên xem xét cải tiến các khâu cấp phép sản xuất và lưu thông phân bón theo nguyên tắc tiền kiểm chặt chẽ với điều kiện sản xuất và hậu kiểm với sản phẩm. Với phân bón, chỉ cần đặt ra tiêu chuẩn tối thiểu về chất dinh dưỡng, hữu cơ, vi sinh vật có ích… và ngưỡng tối đa với kim loại nặng và vi sinh vật gây hại, độ ẩm… Với cách tiếp cận này, cần chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn trong công tác thanh tra, kiểm tra.