Tín hiệu từ dòng vốn FDI tích cực năm 2024 là nền tảng cho năm 2025, tiếp tục dẫn dắt triển vọng ngành Bất động sản Khu công nghiệp (KCN) trong những năm tiếp theo.
Nhu cầu về Khu công nghiệp vẫn cao, duy trì xu hướng tăng lợi nhuận ngành Bất động sản Khu công nghiệp.
Dòng vốn FDI vẫn sẽ tiếp tục dẫn dắt triển vọng Ngành
Trong năm 2024, dòng vốn FDI đăng kí cũng như FDI thực hiện đã tiếp tục thể hiện xu hướng tích cực, thiết lập mức đỉnh mới trong 5 năm gần nhất. Trong đó, các tỉnh/thành phố phía Bắc đã và đang nổi lên như là những điểm đến hấp dẫn với dòng vốn FDI khi 59% vốn FDI đăng ký tập trung tại các trung tâm công nghiệp miền Bắc.
Trong cơ cấu vốn FDI đăng kí đầu tư mới lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo, nhóm ngành về sản xuất điện tử, linh kiện điện tử, máy móc đang là nhóm ngành tập trung thu hút đầu tư, chiếm tỷ trọng hơn 50%. Với việc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng thể hiện vị trí trọng tâm trong thu hút vốn FDI, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cho hoạt động sản xuất, mà ở đó, ngành Bất động sản KCN sẽ được hưởng lợi mạnh mẽ. Theo Savills, trong 844 dự án FDI đăng kí mới lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, 85% tổng vốn đầu tư được sử dụng chính cho mục đích thuê đất KCN.
Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định, xu hướng mới sẽ định hình nên tiềm năng thu hút FDI trong dài hạn. Trong đó, công nghiệp bán dẫn sẽ là một trong những xu hướng phát triển, giúp Việt Nam thu hút vốn FDI trong những năm tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, với các mục tiêu quan trọng về phát triển nhân lực, sản xuất và tự chủ.
Sự gia tăng của các tập đoàn bán dẫn lớn vào Việt Nam trong 2 năm qua cho thấy tiềm năng lớn giúp Việt Nam vươn lên trong chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu. Mặc dù Việt Nam chỉ xếp thứ 9 trong các quốc gia xuất khẩu vi mạch bán dẫn, mạch tích hợp và chỉ dừng lại ở mức tham gia quá trình lắp ráp, kiểm thử và đóng gói, đem lại giá trị thấp, VPBankS vẫn tin rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ với dự phóng thị trường bán dẫn Việt Nam có thể đạt 18,2 tỷ USD năm 2024 và tăng trưởng đạt 31,4 tỷ USD vào năm 2029.
Nút thắt về nguồn cung dần được nới lỏng để đón dòng vốn FDI. Quyết định số 227/QĐ-TTg về điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất tại 63 tỉnh/thành phố tới năm 2025 đã tạo thêm dư địa sử dụng đất tại nhiều tỉnh/thành phố, từ đó thúc đẩy quá trình phê duyệt các dự án mới. Quy hoạch sử dụng đất của các tỉnh/thành phố lớn/các trung tâm công nghiệp giai đoạn 2021-2030 cũng nhanh chóng được hoàn thiện, tạo nên sự đồng nhất với quy hoạch chung của quốc gia, tiêu biểu có thể kể tới các trung tâm công nghiệp cấp 1 tại miền Bắc và miền Nam.
“Chúng tôi kỳ vọng, sau khoảng thời gian dài khan hiếm nguồn cung cùng những tín hiệu tích cực về quy hoạch, pháp lý cho các dự án mới dần được nới lỏng, 2 trung tâm KCN miền Nam và miền Bắc sẽ đón nguồn cung mới mạnh mẽ trong giai đoạn 2025-26”, chuyên gia VPBankS nhận định.
Điểm tên những cổ phiếu “sáng giá”
Với triển vọng tích cực của ngành Bất động sản KCN trong giai đoạn 2025-2026, VPBankS cho rằng, các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất cho thuê hiện hữu lớn, nằm tại các vị trí đắc địa để đón dòng vốn FDI cùng với định giá đã ở vùng hấp dẫn sẽ là lựa chọn phù hợp đầu tư trung và dài hạn: KBC, BCM và IDC.
Cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc được kỳ vọng sẽ tăng giá lên 35.900 đồng/CP. Sang năm 2025, KBC dự kiến sẽ có 2 dự án mới có thể được bán/cho thuê, KCN Tràng Duệ 3 và Khu đô thị Phúc Ninh. Các dự án này sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý trong năm 2025 và giúp tạo ra 1,77 nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 154% so với cùng kỳ năm 2024, cho doanh nghiệp.
Việc LG Group và Heesung được phê duyệt đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD sẽ là động lực khơi thông pháp lý cho dự án KCN Tràng Duệ 3 năm 2025. Trong khi đó, khu đô thị Tràng Cát là tâm điểm thu hút sự chú ý. Do vậy, KBC có tiềm năng lớn trong việc hoàn thành pháp lý sau khi thu xếp, huy động nguồn vốn để đóng tiền sử dụng đất tăng thêm. Từ đó, khu đô thị Tràng Cát có thể bắt đầu mở bán và trở thành động lực tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 nhờ ghi nhận khoản đặt cọc bán/môi giới 40.5ha.
Cổ phiếu BCM của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp được kỳ vọng sẽ hồi phục sau mức nền thấp của năm 2024 nhờ nền tảng dự án mới – KCN Cây Trường. Đây là dự án sẽ sớm được phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2025 tới, do thị trường KCN miền Nam đối mặt khan hiếm nguồn cung trong khi nhu cầu thuê vẫn tăng cao. Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030 được thông qua với KCN Cây Trường là một trong những dự án trọng tâm phát triển. Thu nhập từ các công ty liên kết như VSIP, BIWD tiếp tục được cải thiện sẽ đóng góp nguồn thu lớn. Giá mục tiêu của BCM trong năm 2025 là 82.100 đồng/CP.
Cổ phiếu IDC của Tổng Công ty IDICO được kỳ vọng sẽ tăng lên 65.200 đồng/CP. Hoạt động bất động sản KCN tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận từ backlog còn tồn lại vẫn còn 75-80ha cho năm 2025 và hoạt động mở bán của 2 dự án KCN mới – Tân Phước 1 (Tiền Giang) và Mỹ Xuân B1 mở rộng (Bà Rịa – Vũng Tàu), đã hoàn thiện pháp lý năm 2024, sẽ đảm bảo tăng trưởng doanh số bàn giao đất KCN năm 2025.