Doanh nghiệp thủy sản thi nhau công bố doanh thu tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước và đạt mức cao nhất trong 3 quý. Song lợi nhuận bị ảnh hưởng bởi giá cước vận tải tăng cao.
Theo số liệu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản bắt đầu phục hồi từ tháng 3 và mạnh dần lên từ tháng 6. Số liệu cho thấy riêng quý III, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng mạnh mẽ 15%, đạt 2,8 tỷ USD nhờ vào sự hồi phục tích cực từ nhu cầu và giá cả tại các thị trường trọng điểm như Mỹ và Trung Quốc, cùng với lợi thế cạnh tranh của sản phẩm giá trị gia tăng tại các thị trường khác như Nhật Bản và Australia.
Trong bối cảnh ngành thuận lợi, hàng loạt doanh nghiệp thủy sản công bố kết quả doanh thu quý III tăng trưởng khả quan và đạt mức cao nhất từ đầu năm. Tuy nhiên, chi phí cước tàu vận chuyển quốc tế tăng cao làm chi phí bán hàng tăng khiến lợi nhuận doanh nghiệp thủy sản bị ảnh hưởng đáng kể.
“Nữ hoàng” cá tra Vĩnh Hoàn (mã: VHC) công bố doanh thu quý III đạt 3.278 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 10,6% lên 17,7%. Lợi nhuận sau thuế tăng 70% lên 341 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong 3 quý đầu năm.
Công ty cổ phần Nam Việt (mã: ANV) cũng ghi nhận doanh thu tăng 22% đạt 1.341 tỷ đồng quý III và là mức cao nhất trong 3 quý. Doanh nghiệp lý giải sản lượng tăng giúp doanh thu và lợi nhuận gộp tăng cao. Song, chi phí bán hàng cũng tăng mạnh do chịu ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh, xung đột thế giới làm giá cước tàu tăng cao.
Dù vậy, lợi nhuận sau thuế Thủy sản Nam Việt vẫn đạt 28 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 1 tỷ đồng cùng kỳ năm trước và cũng là mức cao nhất trong 3 quý đầu năm.
“Ông lớn” ngành tôm – Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) đạt doanh thu thuần 2.845 tỷ đồng, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, dù chi phí bán hàng tăng cao (gấp 2,5 lần cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế của Sao Ta vẫn tăng 6% lên 95 tỷ đồng.
Sao Ta lý giải doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận tăng yếu do giá nguyên liệu tăng đột biến cuối quý III làm việc trả nợ các đơn hàng không đạt hiệu quả như mong đợi. Đồng thời, chi phí bán hàng tăng 151% do cước vận chuyển đang trong giai đoạn tăng cao, trích trước chi phí thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) trên doanh thu bán hàng sang Mỹ để tránh rủi ro thị trường Mỹ đang giai đoạn xem xét hồ sơ.
“Vua tôm” Minh Phú (mã: MPC) công bố BCTC hợp nhất với doanh thu tăng 45% lên 4.344 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp suy giảm và chi phí bán hàng tăng cao đã khiến công ty lỗ 90 tỷ đồng, tăng lỗ mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Triển vọng cuối năm tiếp tục sáng
Xuất khẩu thủy sản quý cuối năm được kỳ vọng khả quan khi bước vào vụ mùa, số liệu tháng 10 đã cho thấy xu hướng này. Xuất khẩu thủy sản tháng 10 tiếp tục bứt phá khi ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Lần đầu tiên sau 27 tháng (kể từ tháng 6/2022), xuất khẩu thủy sản theo tháng trở lại đạt mức 1 tỷ USD. Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu thủy sản đạt 8,27 tỷ USD, tăng 11,4%.
Nguồn: VASEP
Nhìn chung, các thị trường chủ lực đều gia tăng mạnh mẽ nhu cầu nhập khẩu thủy sản giúp xuất khẩu của Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 10. Đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông bùng nổ với mức tăng 37%, các thị trường khác cũng tăng đáng kể như Mỹ tăng 31%, Nhật Bản tăng 22%, EU tăng 27% và Hàn Quốc tăng 13%.
Tính đến cuối tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, Hồng Kông và Mỹ đã chạm ngưỡng 1,5 tỷ USD. VASEP cho rằng xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ từ Trung Quốc và Hồng Kông có khả năng vượt Mỹ trong những tháng cuối năm trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất thủy sản Việt Nam vào cuối năm 2024.
Trong bối cảnh đó, tôm và cá tra là hai mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn trong năm nay. Tính đến cuối tháng 10, xuất khẩu tôm đã đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 13%; cá tra gần 1,7 tỷ USD, tăng 10%. Chỉ riêng trong tháng 10, xuất khẩu tôm và cá tra đã có sự bứt phá mạnh mẽ với mức tăng lần lượt là 26% và 24%.
Ngành tôm Việt Nam đón tin vui là vào ngày 22/10, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ (CVD) cho tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam, trong đó, mức thuế suất cho tôm Việt Nam là 2,84%, thấp hơn đáng kể so với 4,36% của Ấn Độ và 7,55% của Ecuador. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ.
VASEP nhận định ngành tôm và cá tra đang trong mùa cao điểm nhập khẩu, nhưng vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trong nước. Các doanh nghiệp thủy sản cần linh hoạt hơn trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ và các nguồn cung thay thế để tận dụng tối đa cơ hội trên thị trường.