Chiều 20/11, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho biết, Hiệp hội này vừa góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), trong đó đề xuất nhiều cơ chế đáng chú ý.
Một hội thảo về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vừa diễn ra tại TPHCM. (Ảnh: Hồng Phúc).
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Hoàng Châu cho biết, hiện nay trong cả nước có 366 nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ ngày 1/7/2015 đến 30/11/2022 chỉ có 42 nhà chung cư chiếm 11% đã hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại và 69 nhà chung cư chiếm 19% đang thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại.
Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, số lượng nhà chung cư đã và đang thực hiện cải tạo, xây dựng lại còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn (30%) so với tổng số nhà chung cần phải thực hiện cải tạo, xây dựng lại và cũng chỉ tập trung chủ yếu ở địa phương có cơ chế cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tốt. Ngược lại, các vướng mắc về thể chế còn chưa được giải quyết để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.
Cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra một công trình nhà ở cũ trên địa bàn TPHCM. (Ảnh: Hồng Phúc).
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM đánh giá, thời gian qua sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương còn chưa quyết liệt. Trong đó, kết quả thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại Hà Nội, TPHCM còn chưa đạt kết quả đề ra.
Riêng TPHCM đặt mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 sẽ cải tạo, xây mới 474 chung cư cũ, nhưng từ năm 2015 đến 2022 thành phố mới hoàn thành cải tạo, xây mới được 3 chung cư; đang cải tạo, xây dựng mới 29 chung cư. "Không những TPHCM, tiến độ cải tạo chung cư cũ ở Thành phố Hà Nội cũng rất chậm...”, ông Châu nêu ý kiến.
Ngoài chung cư, Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, hiện TPHCM có 60.470 khu nhà trọ cho thuê phòng trọ dài hạn (không nhằm mục đích cho thuê du lịch, bao gồm khu nhà trọ tập trung do cá nhân, hộ gia đình đầu tư kinh doanh, hoặc phân chia một số phòng trong căn hộ nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ để cho thuê dài hạn với tổng số 560.000 phòng trọ đáp ứng chỗ thuê trọ cho 1,4 triệu người.
Theo thống kê kinh nghiệm, TPHCM thường chiếm 25-30% tổng số lượng cả nước, nội suy trong cả nước có thể có khoảng 200.000 - 240.000 chủ nhà trọ với khoảng 1,8-2,2 triệu phòng trọ cho khoảng 4,5 - 5,6 triệu công nhân lao động, người thu nhập thấp đô thị và người nhập cư thuê ở dài hạn.
Do đó, khi góp ý các Dự thảo Luật Thuế GTGT và Dự thảo Luật Thuế TNDN, Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã đề nghị bổ sung quy định mức thuế suất thuế GTGT và thuế TNCN hợp lý nhất đối với chủ nhà trọ cho thuê phòng trọ dài hạn.
Đề xuất này nhằm tạo điều kiện cho các chủ nhà trọ có thêm nguồn lực đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất PCCC và tăng thêm tiện ích phục vụ người thuê trọ và góp phần kéo giảm giá cho thuê phòng trọ.
Trong văn bản góp ý, Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng đưa ra đánh giá, các chủ nhà trọ cho thuê lưu trú dài hạn cũng hội đủ điều kiện để được công nhận là một hình thức phát triển nhà ở xã hội, là nhà ở riêng lẻ do cá nhân, hộ gia đình cho thuê lưu trú dài hạn theo quy định tại khoản 6 Điều 80 Luật Nhà ở 2023.