Giữa rừng tiện ích ngày càng nở rộ, những sản phẩm, dịch vụ đi từ sự thấu hiểu nhu cầu được xây dựng trên nền tảng ngân hàng số hiện đại của TPBank vẫn độc đáo, gây ấn tượng và hấp dẫn người dùng.
Đôi khi không cần phải những thay đổi “đao to búa lớn”, chính những tinh chỉnh dù nhỏ nhưng nhắm trúng nhu cầu và thói quen sử dụng của khách hàng lại làm nên yếu tố “ghi điểm” của TPBank.
Khác biệt và hiệu quả nhờ xuất phát từ thấu hiểu người dùng
Lựa chọn ngân hàng số làm mũi nhọn phát triển, tư duy sáng tạo lấy khách hàng làm trung tâm, TPBank định vị mình là một ngân hàng vận hành, hoạt động và quyết định dựa trên dữ liệu (Data Driven), bao gồm các quyết định từ chiến lược kinh doanh, phát triển sản phẩm, vận hành & kiểm soát rủi ro.
Để đạt được điều này, TPBank đã đầu tư rất nhiều vào hạ tầng công nghệ kỹ thuật cũng như đưa ra chiến lược về việc dân chủ hóa dữ liệu (Data Democrat), với mục đích đảm bảo tất cả đơn vị đều vận dụng khai thác, phân tích, đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Việc có những chiến lược cụ thể về dữ liệu cũng là tiền đề để TPBank ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến của trí tuệ nhân tạo (AI, Machine learning). “TPBank đặt định hướng mọi quyết định đều dựa trên việc thu thập và phân tích dữ liệu để mang tới trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng và lợi ích với ngân hàng” - Tổng giám đốc Nguyễn Hưng khẳng định tại sự kiện Smart Banking 2024 vừa diễn ra sáng 29/10/2024.
Tổng giám đốc TPBank - ông Nguyễn Hưng chia sẻ những bước tiến về dữ liệu của TPBank tại tọa đàm.
Ở TPBank, các sản phẩm, dịch vụ đều được nghiên cứu để thiết kế gần với nhu cầu của khách hàng nhất, mang tới trải nghiệm thuận tiện nhất. Đơn cử như với việc chuyển tiền, bên cạnh cách thông thường, khách hàng còn có thể chuyển tiền đầy sáng tạo với ChatPat trên App TPBank - chuyển tiền y như việc thực hiện một đoạn chat.
Ngoài việc có thể cộng tổng giao dịch với một người theo mốc thời gian chỉ trong tích tắc, dễ dàng tìm kiếm tài khoản TPBank của chủ nhân số điện thoại lưu trong danh bạ,… mới nhất, khách hàng có thể dán thông tin chuyển tiền để thực hiện giao dịch thay vì thao tác nhập thủ công như thông thường với tính năng “paste to pay”.
Khách hàng sẽ hoàn toàn được rảnh tay với chỉ 1 lệnh “Copy & Paste” thông tin chuyển tiền vào ChatPay, công nghệ GenAI trên App TPBank sẽ tự nhận diện được các đoạn hội thoại thông thường và chuyển thành những thông tin đầu vào cho 1 giao dịch chuyển tiền và tự động thực hiện.
Đây cũng là tính năng gây ấn tượng với đông đảo khách mời tại gian hàng của TPBank trong khuôn khổ sự kiện Smart Banking 2024. Trong thời đại mua sắm online ngày càng phổ biến và trở thành kênh giao dịch chính của ngày càng nhiều khách hàng, tính năng này mang góp phần nâng cao rõ rệt trải nghiệm khách hàng. Đây cũng là minh chứng về việc ứng dụng nhỏ của công nghệ mới như GenAI đang thực sự góp phần tạo ra những trải nghiệm đột phá cho khách hàng. Và chính việc cộng dồn và nâng cấp những trải nghiệm nhỏ nhưng làm khách hàng hài lòng như vậy đã gây ấn tượng và giúp TPBank “ghi điểm” trong mắt khách hàng.
Đi trước để chiếm lĩnh thị phần, thiết lập lợi thế cạnh tranh
Với định hướng trở thành “Super App” trong ngành ngân hàng tương tự như Wechat/Alipay, TPBank là một trong những ngân hàng tiên phong tại Việt Nam ứng dụng Open Banking từ cách đây 7 năm, mang đến những trải nghiệm tài chính hiện đại và tiện lợi cho khách hàng.
Open Banking giúp ngân hàng dễ dàng mở API, tạo điều kiện đẩy mạnh nghiên cứu tích hợp, kết nối mở rộng với đa ngành nghề, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số. Với việc đã kết nối với hàng trăm đối tác và cung cấp gần 2.000 dịch vụ thanh toán qua Open API, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch tài chính, thanh toán, mở thẻ, khoản vay của TPBank ngay trên các ứng dụng mà họ sử dụng hàng ngày như MoMo, ZaloPay, Shopee mà không cần phải chuyển đổi giữa các nền tảng. Điều này mang lại sự tiện lợi, nhanh chóng và bảo mật cao, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và tận dụng các dịch vụ ngân hàng trong cuộc sống hàng ngày.
Hiện nay, TPBank đang đi đầu về Digital Lending khi kết hợp với với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, Momo,… cung cấp dịch vụ Buy now - Pay later (Mua trước - Trả sau). Trước nhu cầu mua sắm một món hàng trên sàn TMĐT, khách hàng có thể có 2 lựa chọn: Dùng tiền trong ví hoặc gửi yêu cầu đến TPBank ngay lúc đó trên kênh số. Ngân hàng sẽ tự đánh giá, thẩm định, chấm điểm khách hàng đó, cho ra kết quả chỉ sau vài phút là khách hàng có thể mua được món hàng. Đây là mảnh đất tiềm năng khi thói quen tiêu dùng của người dân đang dần thay đổi, thay vì phải chờ đợi để sở hữu một món đồ, khách hàng hoàn toàn có thể “mua trước - trả sau” với một lịch sử tín dụng “sạch”.
Thanh Thủy (23 tuổi) một nhân viên văn phòng mới đi làm chia sẻ: “Nhiều khi “canh sale” được những món đồ rất ưng nhưng nếu chờ tới khi có lương thì không còn được mức giá tốt như thế nữa nên lựa chọn SpayLater trên sàn cam mình có thể mua món đồ đó với giá tốt mà không cần phải trả tiền ngay”. Đại diện TPBank chia sẻ, ngân hàng đang có khoảng 3 triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ này với triển vọng phát triển rất tốt chủ yếu là tập khách hàng trẻ - những người yêu thích tiêu dùng online, đặc biệt là TMĐT.
Không giới hạn khả năng phục vụ, TPBank không ngừng mở rộng các dịch vụ số mới song song với chăm chút từng trải nghiệm nhỏ trên App để gia tăng lợi ích cho khách hàng. Từ đó góp phần đẩy nhanh hiện thực hóa đô thị số với những trải nghiệm ngày càng ưu việt cho cuộc sống thuận tiện hơn.
Quỳnh Anh