Lượng hàng tồn kho bất động sản có dấu hiệu tăng tạo không ít gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh yếu hoặc dùng đòn bẩy tài chính cao.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, hết quý III/2024, lượng hàng tồn kho bất động sản tăng mạnh so với quý trước, dù giá bán tiếp tục neo cao ở phần lớn địa phương. Cụ thể, tính đến hết quý vừa qua, tổng lượng tồn kho đạt 25.937 sản phẩm, trong đó có 4.688 căn chung cư, 12.250 căn nhà ở riêng lẻ, 8.999 nền đất. Đây là các sản phẩm đủ điều kiện bán hàng nhưng chưa được giao dịch. So với quý trước, lượng tồn kho bất động sản đã tăng gần 52%.
Những tên tuổi hàng đầu lần lượt xuất hiện trong danh sách có hàng tồn kho lớn, như Novaland, Khang Điền, Nam Long Group, Phát Đạt...
Điển hình, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (mã: DXG), tính đến 30/9, tổng tài sản của Đất Xanh đạt gần 28.851 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, 48% tổng tài sản là hàng tồn kho, chiếm khoảng 13.830 tỷ đồng. Bất động sản dở dang chiếm hơn 11.300 tỷ đồng, chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 716 tỷ đồng.
Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR) cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024. Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của PDR đạt hơn 22.600 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng tồn kho chiếm đến gần 12.900 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản của Phát Đạt.
Mặc dù không thể đánh giá “sức khỏe” của một doanh nghiệp bất động sản chỉ bằng số lượng hàng tồn kho, tuy nhiên, trong trường hợp xấu, đơn cử như vướng mắc pháp lý kéo dài có thể lên tới hàng chục năm, tồn kho lại có nguy cơ trở thành “cục nợ” của doanh nghiệp. Đây là lý do không ít "đại gia" trong ngành đang thay đổi chính sách tiếp cận khách hàng với loạt chính sách chiết khấu, ưu đãi khủng.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá, hàng tồn kho lớn sẽ là “núi nợ” đè nặng lên những doanh nghiệp kinh doanh yếu hoặc dùng đòn bẩy tài chính cao.
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, tồn kho hiện tại chỉ số ít là “tồn kho thành phẩm/hàng hóa”, mà phần lớn là “chi phí sản xuất kinh doanh dang dở”, tức là các dự án đang xây dựng, chưa hoàn thành. Vì vậy, con số tồn kho của doanh nghiệp lớn không đáng lo.
Trong bối cảnh hàng tồn kho có dấu hiệu tăng, các chuyên gia khuyến nghị cần nhanh chóng có phương án giảm áp lực. Chủ đầu tư cần có chiến lược để giải phóng, khả dĩ nhất là điều chỉnh giá. Ngân hàng có thể hỗ trợ về lãi suất và chính sách tiếp cận vốn vay mua nhà thông thoáng hơn. Trong khi cơ quan quản lý cần đẩy nhanh gỡ vướng về pháp lý, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đưa dự án vào mở bán, giảm lượng hàng tồn.
Minh An (t/h)