Tính đến hiện tại, các nước trong khu vực ASEAN-6 gồm Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines đã công bố kết quả tăng trưởng GDP quý 3. Vậy thứ hạng tăng trưởng của những nền kinh tế này thay đổi ra sao?
Indonesia
Theo dữ liệu vừa được Cục Thống kê Indonesia công bố, GDP của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong quý 3 ghi nhận tăng 4,95% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng một năm qua trong bối cảnh mức tiêu dùng hộ gia đình ở quốc gia này tăng trưởng chậm lại.
Chuyên gia kinh tế Radhika Rao của Ngân hàng DBS cho biết: "Con số tăng trưởng trong quý 3 đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi khi tăng trưởng đầu tư và xuất khẩu đã bù đắp cho tình trạng tiêu dùng hộ gia đình trì trệ".
Philippines
Theo dữ liệu mới nhất vừa được công bố, kinh tế Philippines trong quý 3 ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất trong hơn một năm qua do thời tiết khắc nghiệt làm gián đoạn chi tiêu của chính phủ và làm giảm sản lượng nông nghiệp, càng củng cố thêm lý do nới lỏng chính sách hơn nữa.
Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Philippines tăng 5,2% trong quý 3, thấp hơn dự báo 5,7% và dưới mục tiêu cả năm là 6-7%. Mặc dù vậy, Philippines kỳ vọng tăng trưởng sẽ lấy lại đà trong quý cuối cùng khi lạm phát giảm và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.
"Chúng tôi hy vọng những biện pháp can thiệp này sẽ thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu tư nhân, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng", Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Arsenio Balisacan phát biểu tại một cuộc họp báo.
Việt Nam
Báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, GDP quý 3/2024 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2021 trong giai đoạn 2020-2024 , đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng của nền kinh tế với tốc độ tăng 11,41%, đây là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong 6 năm gần đây ; khu vực dịch vụ tăng 7,51%, đóng góp 47,04%.
Malaysia
Dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) và Cục Thống kê cho biết, GDP của Malaysia ghi nhận tăng 5,3% trong quý 3 nhờ tăng trưởng trong thu hút đầu tư, xuất khẩu cũng như chi tiêu hộ gia đình.
Thống đốc BNM Abdul Rasheed Ghaffour cho biết: "Chi tiêu hộ gia đình sẽ vẫn là động lực chính cho tăng trưởng, nhờ vào sự mở rộng việc làm và thu nhập, cũng như sự hỗ trợ liên tục của chính sách", đồng thời nói thêm rằng các hoạt động đầu tư và xuất khẩu cao hơn sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm.
Thái Lan
Theo Dữ liệu của Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC), , Nền kinh tế Thái Lan trong quý 3/2024 đã ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây nhờ đầu tư, du lịch và xuất khẩu tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, GDP của nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á tăng 3% so với cùng kỳ. NESDC cho biết, nền kinh tế Thái Lan sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm 2024 và dự báo GDP cả năm có thể đạt 4%.
Singapore
Số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore cho thấy, trong quý 3/2024, nền kinh tế Singapore tăng trưởng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 2,9% của quý 2/2024.
Bộ này cho biết, GDP của Singapore đạt mức tăng trưởng cao là nhờ ngành sản xuất đang dần phục hồi. Theo đó, ngành sản xuất Singapore đã tăng trưởng 7,5% trong quý 3/2024, sau khi giảm 1,1% trong quý 2/2024. Sự tăng trưởng được dẫn dắt bởi sự mở rộng sản lượng trên tất cả các cụm sản xuất, ngoại trừ sản xuất y sinh.
Thứ hạng tăng trưởng GDP quý 3 của nhóm các nền kinh tế ASEAN-6 thay đổi ra sao?
Nhìn chung, thứ hạng về tăng trưởng của nhóm các nền kinh tế ASEAN-6 có một số thay đổi trong quý 3. Theo đó, với tăng trưởng GDP trong quý 3 đạt 7,4%, Việt Nam trở thành nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
Trong quý 3, Malaysia là quốc gia có sự thay đổi thứ hạng GDP đáng chú ý nhất. Theo đó, với GDP tăng mạnh lên 5,3%, Malaysia đã vượt Philippines để đứng thứ hai.
Tiếp đến là Philippines với GDP quý 3/2024 tăng 5,2% so với cùng kỳ. Theo sau là Indonesia với tăng trưởng GDP quý 2 đạt 4,95% so với cùng kỳ. Xếp vị trí thứ 5 và thứ 6 lần lượt là Thái Lan và Singapore, với tăng trưởng GDP lần lượt đạt 3% và 2,9%.
Theo dự báo mới nhất từ AMRO, Việt Nam có thể tăng trưởng 6,2% trong năm nay và 6,6% cho năm 2025. Đây là con số tăng trưởng cao nhất các nền kinh tế ASEAN. Dự báo AMRO tương đồng với dự báo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khi cho rằng tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam được dự báo cao nhất khu vực, đạt 6%. Báo cáo của ADB cũng cho rằng Philippines tăng trưởng 6% trong năm nay.