VietCredit đẩy mạnh chuyển đổi số, cho vay trực tuyến trên các nền tảng. Tín dụng năm qua tăng trưởng đến 36% nhưng tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể.
VietCredit giảm hơn 90% nhân sự. Nguồn: VietCredit
Giảm nhân sự, lỗ kỷ lục
Tại thời điểm cuối năm 2024, Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt - VietCredit (mã: TIN) thống kê chỉ còn lại 181 nhân sự, giảm 86% so với cuối năm 2023.
Theo dữ liệu nhadautu.vn, sau khi đạt đỉnh 1.982 nhân sự vào cuối năm 2021, công ty tài chính này liên tục giảm nhân sự. Riêng năm 2024, cắt giảm đến 1.146 người.
VietCredit hoạt động trong lĩnh vực tài chính với tầm nhìn trở thành công ty tài chính hàng đầu trong mảng digital lending (cho vay kỹ thuật số) tại Việt Nam.
Công ty cắt giảm nhân sự trong bối cảnh xác định chuyển đổi số là trọng tâm chiến lược trong năm 2024. Doanh nghiệp tập trung vào việc số hóa toàn bộ quy trình hoạt động, cải thiến hạ tầng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.
Với trọng tâm cho vay kỹ thuật số, trung tâm cho vay kỹ thuật số mới được thành lập năm 2024, triển khai, vận hành sản phẩm cho vay trên nền tảng kỹ thuật số theo cơ chế linh hoạt. Cụ thể, công ty ra mắt dịch vụ vay tiêu dùng trực tuyến Tin Vay trên nhiều đối tác lớn, nâng cấp ứng dụng VietCredit.
Trong năm 2025, doanh nghiệp dự kiến tiếp tục mở rộng Tin Vay cho nhiều đối tượng cá nhân, người lao động hơn nữa và ra mắt Tin Vay Biz dành cho khách hàng hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sản phẩm thẻ tín dụng số mới tích hợp nhiều tính năng ưu việt, hiện đại cũng được dự kiến triển khai trong năm 2025.
Dù có nhiều cải tiến, kết quả kinh doanh công ty tiếp tục đi xuống. Năm 2023, doanh nghiệp báo cáo thu nhập tiền lãi thuần giảm 30% xuống 919 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 74% xuống 16,6 tỷ đồng.
Qua năm 2024, thu nhập tiền lãi thuần giảm tiếp 17,3% xuống 757 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ chuyển từ lãi 48 tỷ thành lỗ 12 tỷ đồng, mua bán chứng khoán đầu tư tăng lỗ từ 8 tỷ lên 32 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác giảm 35% xuống 309 tỷ đồng. Thu không đủ bù đắp chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, công ty lỗ kỷ lục 152 tỷ đồng.
Điểm sáng là tăng trưởng tín dụng đạt 36%, dư nợ cho vay khách hàng cuối năm 2024 là 6.299,7 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 5,4%, giảm đáng kể so với mức 18,4% năm trước. VietCredit cho biết đã thành công trong việc hợp tác với các nền tảng lớn như Momo, Fiza (Zalo), Viettel Money để cấp tín dụng cho tệp khách hàng tiềm năng. Sản phẩm số đóng góp 22% vào tổng dư nợ cho vay của công ty.
Kế hoạch huy động thêm vốn
Trong năm 2024, VietCredit đã tiến hành chào bán 21 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Tuy nhiên, cổ đông hiện hữu chỉ mua gần 4,8 triệu đơn vị, phần còn lại phân phối tiếp cho 16 nhà đầu tư khác. Qua đợt chào bán, công ty tăng vốn từ 701 tỷ đồng lên 912 tỷ đồng.
Sau đợt tăng vốn, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam là cổ đông lớn nhất sở hữu 10 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu 11,01% VietCredit.
Vào đầu năm nay, VietCredit tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để thông qua kế hoạch chào bán 20 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên hơn 1.111 tỷ đồng. Cổ phiếu được chào bán riêng lẻ, giá bán không thấp hơn giá trị sổ sách hoặc không thấp hơn mệnh giá cổ phiếu. Công ty kỳ vọng thu tối thiểu 200 tỷ đồng để bổ sung vốn kinh doanh cho hoạt động cho vay.
Nhà đầu tư được chào bán sẽ là nhà đầu tư trong và ngoài nước, có uy tín, năng lực tài chính và là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thời điểm thực hiện trong năm 2025, sau khi được NHNN chấp thuận và UBCKNN thông báo nhận hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ.
Cổ phiếu TIN hiện giao dịch vùng 15.400 đồng/cp, tăng 54% so với vùng giá tháng 9/2024.