Đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nhất là trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Với tinh thần kiến tạo, Đảng, Nhà nước luôn đồng hành với DN, triển khai mạnh mẽ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi cho các DN phát triển.
Nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
Từ một quốc gia đi sau về viễn thông, tỷ lệ sử dụng di động thuộc hàng thấp nhất trên thế giới, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu viễn thông và là một trong số ít làm chủ toàn trình công nghệ 5G. Vượt qua nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) trở thành thương hiệu viễn thông mạnh thứ hai thế giới.
Hành trình của Viettel là minh chứng sống động cho tinh thần vượt khó và khát vọng vươn lên, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ viễn thông thế giới. Viettel đang đặt mục tiêu cao, trở thành tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu hùng mạnh, không chỉ cung cấp dịch vụ viễn thông, giải pháp công nghệ thông tin và dịch vụ số, chuyển phát, logistics và thương mại mà sẽ nghiên cứu, sản xuất công nghiệp công nghệ cao...
Câu chuyện thành công của Viettel cũng đã tạo cảm hứng cho rất nhiều người, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam nói chung, DN Quân đội nói riêng. Đại tá Phạm Văn Thắng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN Quân đội cho biết, DN Quân đội hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, có thế mạnh riêng, đã có những thương hiệu mạnh, phát triển đạt tầm cỡ khu vực và thế giới ở các lĩnh vực: Viễn thông, công nghệ thông tin, logistics, xây dựng, thi công, hạ tầng, khai khoáng, may mặc, da giày, đóng và sửa chữa tàu... góp phần thúc đẩy quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận đầu tư, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Riêng năm 2023, các DN Quân đội đã đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 49.100 tỷ đồng; bảo đảm việc làm và đời sống cho hơn 136.800 lao động...
Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ.
Quá trình vươn ra biển lớn và gặt được nhiều thành công của DN Việt Nam còn được nối dài trong câu chuyện đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Vingroup; Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam; Tập đoàn Hòa Phát; Tập đoàn FPT... Sức vươn lên mạnh mẽ của các DN Việt Nam đã đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, nước ta có hơn 930 nghìn DN đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Lực lượng DN, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu.
Trong 9 tháng năm 2024, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, DN đánh giá cao. Lũy kế thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng vượt 577 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 21,5 tỷ USD... Đáng chú ý là sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh trở lại là động lực quan trọng, dẫn dắt cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Những kết quả đáng khích lệ nêu trên có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng DN, nhất là DN khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, DN vẫn còn hạn chế, tồn tại. Tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Phần lớn DN có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; còn có tư duy kinh doanh “thời vụ”, thiếu tầm nhìn chiến lược. Số DN quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 còn yếu. Một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật.
Nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn để thúc đẩy doanh nghiệp
Việt Nam đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại.
Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới. Việt Nam không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững. Không chỉ là phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong... Bối cảnh này đòi hỏi các doanh nhân, DN Việt Nam phải chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến...
Với mong muốn xây dựng một cộng đồng DN lớn mạnh, đoàn kết, đóng góp to lớn vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ đặc thù cho các DN lớn để tập trung phát triển một số lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn, đủ sức dẫn dắt và lan tỏa trong nền kinh tế; đồng thời, tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho DN vừa; nghiên cứu và sớm thành lập quỹ quốc gia về thu hút và phát triển nhân tài, nhất là trong lĩnh vực khoa học-công nghệ...
Thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, thách thức cộng đồng DN đang đối mặt, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, giải pháp để hỗ trợ, tiếp sức đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đang đề xuất đối với cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ DN và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tái cấu trúc DN theo hướng bền vững, sáng tạo...
Đặc biệt, nước ta đang khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển DN dân tộc, DN quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
VŨ DUNG