"Cần xem xét, đánh giá lại về sắc thuế giá trị gia tăng (VAT) khi nó ưu việt trên lý thuyết nhưng lại đang bất cập khi vận hành...", GS. TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa 15 - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội chia sẻ.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, một cuộc cải cách về thuế là điều tất yếu trong bối cảnh hiện nay - Ảnh: VGP/Quang Thương
Đánh giá về thực trạng hệ thống thuế của Việt Nam hiện nay nói chung cũng như sắc thuế giá trị gia tăng (VAT) nói riêng, GS. TS Hoàng Văn Cường đánh giá VAT từ lâu được xem là một trong những sắc thuế văn minh và tiến bộ nhất. Hiện có khoảng 160 quốc gia trên thế giới áp dụng thuế này, coi đó như xương sống của nguồn thu ngân sách.
Ưu điểm nổi trội của VAT nằm ở chỗ nó chỉ đánh trên phần giá trị tăng thêm ở mỗi khâu sản xuất, lưu thông. Cuối cùng, người tiêu dùng cuối mới là đối tượng chịu thuế, còn các doanh nghiệp ở khâu trung gian chỉ thực hiện vai trò "thu hộ" và được hoàn lại phần thuế đầu vào đã nộp. Nhờ cơ chế khấu trừ – hoàn thuế này, VAT tránh được việc đánh thuế trùng lặp lên cùng một cơ sở hàng hóa, qua đó tạo ra sự công bằng tương đối giữa các loại hình kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông Cường, chính điểm ưu việt đó lại dẫn đến những thách thức không nhỏ trong thực tiễn.
Cụ thể, để vận hành đúng nguyên lý của VAT, mỗi doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất – phân phối buộc phải chứng minh minh bạch số thuế VAT đã nộp ở đầu vào và số VAT đã thu ở đầu ra, từ đó xác định phần chênh lệch phải nộp lại cho Nhà nước.
Ông Cường cho rằng, quy trình nói trên tạo ra một khối lượng công việc giấy tờ và thủ tục không hề nhỏ, khiến hệ thống VAT trở nên phức tạp và khó vận hành. Sự phức tạp đó vô hình trung mở ra kẽ hở cho những hành vi gian lận, trục lợi gây lãng phí và thất thoát.
Thực tế những năm gần đây đã xảy ra không ít vụ gian lận hoàn thuế VAT chấn động, khi một số doanh nghiệp cấu kết tạo giao dịch khống để chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Do đó, cơ quan thuế buộc phải thắt chặt quy trình hoàn thuế, tăng cường hậu kiểm. Tuy nhiên, các biện pháp siết chặt tuy ngăn chặn được kẻ gian lận lại vô tình đẩy những doanh nghiệp làm ăn chân chính rơi vào thế khó.
Cụ thể, theo ông Cường, có không ít doanh nghiệp đã nộp thuế đầu vào thật nhưng lại chật vật đòi hoàn thuế, bị "giam" một khoản tiền lớn trong thời gian dài. Hệ quả là không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất vốn lưu động, tiền đáng lẽ dành cho sản xuất kinh doanh thì bị tồn đọng tại cơ quan thuế. Rõ ràng, đây là những mặt trái của chính sách VAT hiện hành – một bài học đắt giá về khoảng cách giữa ý tưởng chính sách tốt và thực thi kém hiệu quả.
Nhìn nhận những bất cập nói trên, GS. Hoàng Văn Cường thẳng thắn cho rằng lỗi không nằm ở bản chất sắc thuế, mà nằm ở cách thức vận hành hiện nay.
Theo đó, ông Cường cho rằng, VAT suy cho cùng vẫn là một sắc thuế tiên tiến; vấn đề là chúng ta đã làm nó biến dạng qua những khâu thực thi rườm rà. Vì lo sợ và để phòng chống gian lận, cơ quan quản lý đặt ra quá nhiều quy định ngặt nghèo và chính điều đó lại gây khó cho doanh nghiệp tuân thủ.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng chỉ ra tình trạng phi lý là có doanh nghiệp phải nộp thuế đầu vào, nhưng sản phẩm đầu ra lại không thuộc diện chịu VAT, dẫn đến không có cách nào đòi hoàn thuế.
Theo ông Cường, những nghịch lý này xuất phát từ hạn chế trong chính sách chứ không phải do thuế VAT “có lỗi”, do đó, để phát huy ưu điểm của VAT và khắc phục nhược điểm, Việt Nam cần thay đổi căn bản tư duy và cơ chế vận hành sắc thuế này.
Liên quan đến công tác cải cách chính sách thuế hiện nay, Giáo sư Hoàng Văn Cường cho biết nhất trí rất cao quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi dự hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Theo đó, ngành tài chính cần có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, dám nghĩ dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, dám vượt qua giới hạn của bản thân; kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho, thủ tục hành chính rườm rà, giảm phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, dứt khoát số hóa việc thu chi ngân sách, triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm chống thất thu thuế…
GS.TS Hoàng Văn Cường cũng đánh giá rất cao phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho rằng, đến nay đã rất chín muồi để thúc đẩy việc đổi mới căn bản công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật. Trong kỷ nguyên mới, pháp luật phải thật sự là nền tảng của phát triển, phục vụ phát triển và thúc đẩy phát triển; "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể".
Theo ông Cường, công tác xây dựng pháp luật phải áp dụng cách tiếp cận thực tế và thực tiễn; bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, giải đáp các vướng mắc của cuộc sống và tìm ra con đường phát triển từ thực tiễn; đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, bắt kịp xu thế thời đại.