Công ty tài chính VietCredit đã giảm hơn một nghìn nhân viên, tương đương gần 90% nhân sự trong năm 2024 trong bối cảnh thua lỗ kỷ lục.
Năm 2024 chứng kiến làn sóng cắt giảm nhân sự mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Trong lĩnh vực tài chính, Công ty tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit - mã chứng khoán: TIN) là một trong những cái tên gây chú ý nhất.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2024 vừa công bố của VietCredit, công ty này chỉ còn 181 nhân viên vào cuối năm 2024, giảm 1.146 người, tương ứng giảm tới hơn 86% nhân sự sau một năm.
VietCredit mạnh tay cắt giảm nhân sự trong bối cảnh tình hình kinh doanh không mấy khả quan.
Theo đó, doanh thu cả năm 2024 theo báo cáo tự lập của công ty đạt 1.069 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2023. Chi phí lãi và các khoản chi tương tự cũng giảm 35%, từ mức 420 tỷ đồng quý IV/2023 về 312 tỷ đồng trong quý IV/2024.
Song hoạt động dịch vụ của VietCredit năm 2024 lỗ hơn 12 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi gần 48 tỷ đồng. Thêm nữa, thua lỗ từ mảng mua - bán chứng khoán đầu tư tăng mạnh, từ mức lỗ 8 tỷ đồng năm 2023 tăng lên gần 32 tỷ đồng năm 2024.
Cùng với đó, chi phí hoạt động của VietCredit năm 2024 đạt 466 tỷ đồng, giảm 19% so với năm trước. VietCredit cũng đã chi hơn 708 tỷ đồng trích lập dự phòng trong năm 2024, giảm 14% so với năm 2023.
Kết quả, VietCredit báo lỗ sau thuế 152 tỷ đồng, mức lỗ cao nhất trong lịch sử hoạt động. Trong khi năm 2023, VietCredit vẫn lãi hơn 19 tỷ đồng.
Điểm tích cực là dù cả năm 2024 báo lỗ, song riêng quý IV/2024 VietCredit đã lãi trở lại nhờ chiến lược số hóa.
Đến cuối năm, tổng tài sản của VietCredit đạt 8.163 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 6.299 tỷ đồng, tăng 36%. Theo lãnh đạo VietCredit, trong quý 4/2024, công ty này đã đưa ra thị trường sản phẩm cho vay qua các nền tảng như MOMO, Viettel Money, My Viettel… đưa nguồn tín dụng tiếp cận được tệp khách hàng tiềm năng qua phương thức số hóa 100%, giúp mảng này đóng góp 22% tổng dư nợ của công ty tại thời điểm cuối năm 2024.
Về chất lượng tín dụng, đến cuối năm 2024, nợ đủ tiêu chuẩn của VietCredit đạt 5.715 tỷ đồng, tăng 68,44% so với đầu năm. Nợ cần chú ý giảm 36,10%, xuống còn 239 tỷ đồng. Trong khi nợ nhóm 3 và 4 lần lượt giảm 62,78% và 69,98%, xuống mức 99 tỷ đồng và 163 tỷ đồng.
Song nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại tăng mạnh 90,70%, lên 82 tỷ đồng. Tuy vậy, tổng số dư nợ xấu của VietCredit vẫn giảm 59,62% so với đầu năm, xuống còn 344 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu xuống mức 5,46%.
VietCredit là một trong số ít công ty tài chính niêm yết trên sàn, có tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC) thành lập ngày 29/5/2008. Ba cổ đông sáng lập của công ty là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) chiếm 61,5% vốn điều lệ.
Đến tháng 5/2018, công ty này chính thức tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng.
Ngày 18/6/2018, NHNN đã cấp đổi giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty tài chính cổ phần Xi Măng.
Vào năm 2021, các cổ đông sáng lập và định chế tài chính trên đã thoái toàn bộ vốn khỏi VietCredit, chỉ còn lại Vicem. Hiện Vicem đang là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này khi nắm giữ hơn 11% vốn.
Không chỉ các công ty tài chính, hàng loạt ngân hàng cũng cắt giảm lượng lớn nhân sự trong năm vừa qua.
BIDV là ngân hàng giảm nhân sự mạnh nhất khi giảm tới 1.107 nhân sự ở ngân hàng mẹ. Cuối năm 2024, BIDV còn 26.069 người.
Tiếp theo là VIB khi giảm 476 người sau một năm, còn 11.323 nhân sự tại thời điểm cuối năm 2024.
Sacombank cũng giảm 354 nhân sự sau một năm, còn 17.058 người thời điểm cuối năm ngoái.
ACB - ngân hàng do ông Trần Hùng Huy làm chủ tịch - cũng đã cắt giảm 377 người năm 2024 sau khi tuyển dụng mạnh vào năm 2023. Số nhân viên ACB vào cuối năm 2024 là 12.847 người.