Trong bối cảnh quốc tế khó dự đoán, khó thích nghi, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, nhiều tập đoàn lớn đang tìm đến và thay đổi cách nhìn về thị trường Việt Nam… Tuy nhiên, để nhà đầu tư nước ngoài giữ vững niềm tin, thực sự ở lại và đóng góp nhiều hơn cho khu vực kinh tế trong nước, cần những giải pháp để tăng cường chất lượng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bắt kịp xu hướng FDI trong bối cảnh mới.
Việt Nam đang chủ động tái cấu trúc cách tiếp cận dòng vốn FDI, tập trung vào chất lượng, hàm lượng công nghệ cao. Ảnh: Nhã Chi
Đó là nhận định của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nhà đầu tư tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025 với chủ đề Việt Nam - Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới diễn ra ngày 23/4/2025.
Vốn FDI tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng
Từ góc độ của nhà đầu tư, tổ chức quốc tế, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Việt Nam cho biết, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp (DN) FDI định hướng xuất khẩu. Ông Nguyễn Hải Minh, đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) thì chia sẻ, trong mắt nhà đầu tư châu Âu, Việt Nam có lợi thế lớn. Đầu tiên là lợi thế tự nhiên về vị trí địa lý, độ mở của nền kinh tế, ngoại giao, văn hóa và con người. Trong tất cả các khảo sát niềm tin kinh doanh của DN châu Âu nhiều năm nay, Việt Nam luôn nằm trong TOP điểm đến đầu tư hấp dẫn. Do đó, nhà đầu tư tìm đến Việt Nam cho mục đích kinh doanh của họ. Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất chế biến chế tạo, hiện nay là trung tâm trung chuyển logistics, kho bãi với các dịch vụ đi kèm.
Trong giai đoạn tới, dòng vốn FDI được xem là một trong những động lực quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng cao. Giai đoạn 2026 - 2030, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút mỗi năm khoảng 40 - 50 tỷ USD vốn FDI, trong đó vốn FDI giải ngân đạt từ 30 - 40 tỷ USD mỗi năm. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, trong bối cảnh thương mại toàn cầu trở nên khó đoán định, Việt Nam cần có giải pháp để bắt nhịp được với dòng vốn FDI trong kỷ nguyên mới. Theo đó, có thể chủ động tái cấu trúc cách tiếp cận dòng vốn FDI - tập trung vào chất lượng, hàm lượng công nghệ cao hơn để trở thành trung tâm sản xuất và trung chuyển mới tại khu vực...
Giải quyết điểm nghẽn về thể chế, tạo lập môi trường đầu tư minh bạch là giải pháp quan trọng để duy trì niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Tuấn Anh
Quyết liệt thay đổi để bắt kịp xu hướng, tăng sức cạnh tranh
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung nhận định, trước tình hình quốc tế khó khăn, khó lường, khó dự đoán, khó thích nghi, dù thu hút FDI đạt nhiều thành tựu, nhưng thách thức lớn đặt ra là làm sao chuyển đổi tỷ lệ thu hút FDI sang lĩnh vực công nghệ cao, thay vì tập trung vào công nghệ trung bình, thâm dụng nhân lực giá rẻ. Chính phủ Việt Nam đang có những thay đổi quyết liệt về thể chế, mang tính cách mạng để môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, giảm chi phí, thực hiện nhiều chính sách đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...
Ông Lym Dyi Chang, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định, cục diện đầu tư toàn cầu đang thay đổi, khả năng thích ứng cao và năng lực cạnh tranh dài hạn sẽ quyết định thành công. Trong bức tranh chung của ASEAN, Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư, mà còn là mắt xích chiến lược trong chuỗi giá trị khu vực. Cần chuyển mình từ vị thế tiếp nhận vốn sang vị thế đồng kiến tạo giá trị để nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn.
Ông Lym Dyi Chang khuyến nghị, để trở thành trung tâm FDI chiến lược, Việt Nam cần đầu tư vào nền tảng phát triển thay vì chỉ cạnh tranh bằng chính sách ưu đãi. Đó là cơ sở hạ tầng, môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, hợp tác công tư trong phát triển nhân lực và đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái tài chính và thị trường vốn hiệu quả; tầng lớp trung lưu tăng trưởng ổn định; cam kết rõ ràng về phát triển bền vững và khung pháp lý linh hoạt cho kinh tế số.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), những giải pháp tại Nghị quyết 50-NQ/TW vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, quan trọng là làm sao để kết nối khu vực kinh tế FDI và khu vực kinh tế trong nước, không chỉ là thu hút có chọn lọc, có chất lượng mà thông qua thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) để giúp cho kinh tế trong nước phát triển.
Ngoài 3 đột phá về thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh giải pháp quan trọng để duy trì niềm tin của nhà ĐTNN, để họ thực sự ở lại Việt Nam: giải quyết điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế, tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, có tính dự báo, có chính sách đột phá để thúc đẩy mô hình tăng trưởng mới, ưu tiên. Để nhà ĐTNN thực sự ở lại Việt Nam thì còn phụ thuộc ở chính các nhà ĐTNN. Nếu họ coi Việt Nam là ngôi nhà thuê sẽ không đầu tư mạnh, không chuyển giao công nghệ, nếu coi là ngôi nhà thứ hai sẽ chung chí hướng và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Việt Nam.
Để tăng kết nối giữa khu vực ĐTNN và DN trong nước, ông Nguyễn Bá Hùng cho biết, DN định hướng xuất khẩu có khó khăn hơn trong việc liên kết với DN trong nước vì trước khi vào Việt Nam họ đã có chuỗi sản xuất. DN Việt muốn hợp tác phải vào được chuỗi, đáp ứng các tiêu chuẩn vận hành. Đây là vấn đề được đặt ra. Ngoài sự tự thân vươn lên của DN, cần có chương trình hỗ trợ DN đáp ứng các yêu cầu để tham gia chuỗi sản xuất.