Sự gia tăng nhiều thương hiệu mới cùng hàng loạt cửa hàng được mở cửa khiến thị trường trà sữa ngày càng cạnh tranh gay gắt, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của nhiều thương hiệu trong ngành.
Thị trường trà sữa dần bão hoà
Suốt hơn 10 năm qua, trà sữa luôn là thức uống phổ biến trong giới trẻ. Với sự du nhập của nhiều thương hiệu quốc tế nổi tiếng như Gong Cha, KOI Thé,...và sự ra đời của hàng loạt thương hiệu nội địa đã đưa trà sữa lên thời kỳ hoàng kim.
Trong suốt thời gian dài, các doanh nghiệp lớn nhỏ đã tìm mọi cách mở rộng thị trường. Từ các thành phố lớn tới nông thôn, đi đến đâu người tiêu dùng cũng có thể dễ dàng bắt gặp những cửa hàng trà sữa.
Hiện nay, có hơn 100 thương hiệu lớn nhỏ và xấp xỉ 1500 điểm bán trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường trà sữa, cùng với việc mở rộng các điểm bán quá mức khiến người tiêu dùng “bội thực" và trở nên kén chọn hơn. Điều này đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt và đẩy thị trường đầy tiềm năng này vào trạng thái bão hòa.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của các thương hiệu trà sữa. Nguồn: Vietdata
Khi ngày càng có nhiều hơn thương hiệu trà sữa gia nhập, sự cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt hơn. Các thương hiệu nhỏ, mới ra đời phải vật lộn với các chi phí vận hàng và marketing để tồn tại, trong khi đó các “ông lớn" với nguồn lực mạnh liên tục đổi mới, đầu tư vào sản phẩm và không gian cửa hàng nhằm giữ chân khách hàng.
Để thu hút khách hàng, các thương hiệu buộc phải tung ra liên tục các chương trình khuyến mãi, tri ân giảm giá. Mặt trái của việc này là sự suy giảm về lợi nhuận. Khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn, trong khi đó, các doanh nghiệp phải loay hoay trong việc cạnh tranh với nhau nhằm thu về lợi nhuận cao nhất.
Dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng nhiều thương hiệu vẫn “hụt hơi” trong cuộc chiến tranh giành “miếng bánh” thị phần.
Theo Báo cáo thị trường chuỗi trà sữa của Vietdata cho thấy, nhiều thương hiệu trà sữa có kết quả kinh doanh đi lùi trong năm 2023.
Đáng tiếc nhất là thương hiệu Tocotoco khi có doanh thu thuần đạt gần 380 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2022, tương đương mất khoảng 77,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi sau thuế của chuỗi âm liên tiếp 3 năm, trong đó lỗ lớn nhất là năm 2023, hơn 112 tỷ đồng. Hai năm 2021-2022, mức lỗ lần lượt là hơn 77 tỷ và 54 tỷ đồng.
Còn Ding Tea năm 2023 có doanh thu thuần chỉ 30 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 80% song chưa đến mức lỗ.
Chuỗi KOI Thé cũng giảm doanh thu và lãi lần lượt 35,6 tỷ và 25 tỷ đồng khi doanh thu thuần chỉ đạt gần 320 tỷ đồng dù đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021 và 2022.
Điểm sáng trên thị trường trà sữa Việt thuộc về Mixue - chuỗi trà sữa và kem nhượng quyền đến từ Trung Quốc đang có sự tăng trưởng thần tốc về doanh thu và lợi nhuận.
Chỉ tính riêng năm 2023, doanh thu của chuỗi này đã đạt gần 1.260 tỷ đồng, tăng hơn 160% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế cũng tăng hơn 200%. So với các thương hiệu F&B, doanh thu của Mixue ngang ngửa Starbucks và chỉ đứng sau Phúc Long, Highland, vượt xa doanh thu của nhiều đối thủ khác.
Sau 5 năm có mặt tại Việt Nam, mạng lưới cửa hàng của Mixue đã vượt 1.500 cửa hàng.
Thương hiệu Việt giành lại vị thế trên sân nhà
Trong bối cảnh các thương hiệu trà sữa ngoại nhập có đang có dấu hiệu chững lại thì một làn sóng mới từ các thương hiệu nội địa đang vươn mình mạnh mẽ.
Những thương hiệu trà sữa Việt như Phúc Long, Phê La, La Boong,.. giữ vững phong độ với việc chú trọng vào chất lượng trà Việt đậm vị, cân bằng vị ngọt và số lượng topping, phù hợp với khẩu vị của người Việt.
Trong đó, không thể kể đến sự thành công của Phúc Long với thế mạnh là các sản phẩm có hương vị đậm vị trà, ít ngọt theo lối sống healthy mà giới trẻ đang hướng tới.
Các sản phẩm trà đậm vị, cân bằng vị ngọt đến từ các thương hiệu Việt được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Thu Hiền
Theo báo cáo kết quả kinh doanh gần nhất được Tập đoàn Masan công bố cho thấy doanh thu của Phuc Long Heritage đạt 391 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng 5,3% so với 372 tỷ đồng so với cùng kỳ nhờ mở thêm 15 cửa hàng mới. Kết quả này đóng góp 2% vào tổng doanh thu 20.134 tỷ đồng của tập đoàn.
Phúc Long hiện có 163 cửa hàng trên toàn quốc. Doanh thu hàng ngày của chuỗi cửa hàng ngoài WinCommerce tăng 2,4% so với mức đáy trong quý cuối năm 2023.
Phê La cũng là một cái tên mới nổi trong ngành F&B, dù “sinh sau đẻ muộn" nhưng Phê La nhanh chóng đứng vào top 5, thay thế vị trí trước đó của The Coffee House trong bảng xếp hạng của Vietnam Report về nhóm chuỗi cửa hàng cafe, dịch vụ đồ uống uy tín năm 2024.
Năm 2023, Phê La đạt doanh thu gần 300 tỷ đồng và khoảng 57 tỷ lợi nhuận sau thuế. Doanh thu của hãng thậm chí còn tốt hơn các chuỗi lâu đời như Gong Cha, Ding Tea, Bobapop, còn lãi chỉ đứng sau Mixue. Sau 4 năm có mặt trên thị trường, Phê La đã mở 31 cửa hàng (tính đến đầu tháng 9/2024).
Gần đây, tháng 6/2024 Phê La thông báo mở quán từ 4h -23h để phục vụ các bạn trẻ đi uống trà sữa sáng sớm, đón bình minh thu hút được sự chú ý rất lớn từ những tín đồ trà sữa.
Lý giải sự thành công trong thời gian ngắn của Phê La, nhiều chuyên gia F&B cho rằng, nhờ phân khúc trà đậm vị, nâng tầm dòng trà Ô Long đặc sản Đà Lạt, khiến thay đổi khẩu vị của người tiêu dùng Việt. Trong khi đó, kiểu trà sữa có vị quá ngọt, béo ngậy, quá nhiều topping đã không còn được ưa chuộng.
Ngoài ra, tân binh La Boong cũng là cái tên sáng giá khi mới thành lập hơn 1 năm nhưng tới nay đã có gần 100 cửa hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, La Boong ghi nhận doanh thu tăng 30% trong nửa đầu năm.
Sau nhiều năm “làm mưa làm gió", trà sữa thương hiệu ngoại đến từ Đài Loan, Trung Quốc, Singapore đã dần kiệt sức và đánh mất vị thế của mình trong cuộc chiến tranh giành thị phần. Thay vào đó là sự trỗi dậy đầy mạnh mẽ từ các thương hiệu Việt ngay trên sân nhà với các sản phẩm phù hợp với văn hóa và khẩu vị của người tiêu dùng Việt.