Sự xoay chuyển dòng tiền của các loại tài sản trong thời gian qua khiến nhiều nhà đầu tư đứng ngồi không yên. Có người buồn bã vì cổ phiếu đi xuống, nhưng không ít người hứng khởi với giá vàng và bitcoin.
Dòng tiền xoay chuyển…
Bà Hồng Nhung, nhà đầu tư chứng khoán với 5 năm kinh nghiệm, quyết định rót thêm tiền vào thị trường chỉ 1 tuần trước khi đợt bầu cử Tổng thống Mỹ bắt đầu vào đầu tháng 11. Trong một vài phiên đầu tiên sau khi có kết quả bầu cử, thị trường thuận lợi theo đúng khuyến nghị mà môi giới của bà giới thiệu, một số mã cổ phiếu tăng đến 5-10%.
Nhưng đà tăng đó không kéo dài lâu. Ngay sau đó thị trường bắt đầu đi xuống, bắt đầu bằng những phiên giảm nhẹ và sau đó là giảm mạnh cho đến hôm nay. Có mã cổ phiếu môi giới bảo cắt lỗ, có mã cổ phiếu thì giữ lại, nhưng bà Nhung kiên quyết giữ để chờ nhịp hồi phục của thị trường.
Trạng thái tâm lý đi từ sự kỳ vọng giá tăng mạnh cho đến hụt hẫng và lo sợ không chỉ diễn ra trên thị trường chứng khoán, mà còn ở các nhà đầu tư vàng. Bích Vân, 30 tuổi, là nhân viên văn phòng ở quận 3, bắt đầu để ý đến vàng khi giá bắt đầu đợt tăng mạnh gần đây. Như nhiều người khác, Vân cũng mua vàng khi giá thế giới ở vùng đỉnh cao nhất trong tháng 10. Giá vàng vật chất tại Việt Nam có lúc lên đến trên 90 triệu đồng mỗi lượng, Vân cũng không ngại mua thêm một ít với kỳ vọng giá còn tăng.
Nhưng sau khi ông Donald Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, vàng thế giới bỗng giảm sâu. Thị trường vàng nội địa cũng bất ngờ hỗn loạn trong một buổi chiều với thông tin trên truyền thông lan rộng rằng bán nhưng không ai mua. Vân thậm chí còn nghiên cứu các diễn đàn vàng trên mạng để bán ở ngoài “chợ đen” nhưng giá không phù hợp mong muốn.
Cho rằng vàng sẽ hồi phục, những người từng ráo riết canh mua vàng vật chất như Vân, nay ngồi nhìn “bảng điện” trực tuyến để theo dõi giá vàng thế giới, bình luận các sự kiện vĩ mô – địa chính trị không khác gì các nhà phân tích. “Giá vàng từng làm tôi sốc, nhưng vẫn đỡ sốc tâm lý hơn là chứng khoán giảm sâu như đồng nghiệp tôi”, Vân so sánh.
Nhưng dòng tiền đầu tư sôi động không nằm im mà chảy vào thị trường tiền mã hóa, kéo theo sự hứng khởi của nhiều người Việt, trong bối cảnh một thống kê trước đó cho rằng Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu tiền số cao nhất thế giới.
Với sự ủng hộ của người kế nhiệm Nhà Trắng, đồng bitcoin tăng mạnh trở lại và liên tiếp vượt đỉnh. Văn Quốc, làm việc tại một đơn vị truyền thông ở quận 3, bắt đầu nghiên cứu và trở lại thị trường từ hồi tháng 10, khi mà đồng bitcoin rục rịch tăng giá.
Danh mục của Quốc chỉ có số rất ít là bitcoin, phần nhiều là altcoin, thuật ngữ chỉ các đồng tiền mã hóa khác ngoài bitcoin, vì kỳ vọng tỷ lệ lợi nhuận sẽ cao hơn rất nhiều. Với đồng bitcoin liên tục lập đỉnh mới, Quốc kỳ vọng sau đợt sóng bitcoin sẽ tới altcoin, phần lợi nhuận khi đó thậm chí tính bằng lần.
Sự xoay chuyển của dòng tiền là rất rõ ràng nếu nhìn vào diễn biến giá tài sản. Tính tại thời điểm ngày 19-11 so với thời điểm 30-10, giá vàng đã phục hồi trở lại, trong khi đồng bitcoin vẫn tiếp đà tăng mạnh đến hơn 27%, còn chỉ số VN-Index vẫn đang tiếp tục “dò đáy”. Dù chỉ số chung chỉ giảm hơn 4%, cá biệt một số loại cổ phiếu có thể đã giảm 10-15%.
Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, thị trường tiền mã hóa, chứng khoán và vàng trên thế giới đều tăng mạnh mẽ, trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến hết đợt giảm trong tuần trước, chỉ còn tăng khoảng 5-6%. Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Chứng khoán VPBank (VPBankS), cho rằng trong bối cảnh thanh khoản thị trường chỉ khoảng 15.000 tỉ đồng mỗi phiên, dòng tiền đã chạy sang các kênh khác như bất động sản hay vàng. “Nhà đầu tư có tâm lý thích mua ở thị trường đang tăng giá”, ông Đức bình luận.
Từ ngày 30-10, diễn biến giá nhiều loại tài sản giảm sâu, trừ đồng đô la Mỹ (chỉ số DXY) và đồng bitcoin cũng như thị trường chứng khoán Mỹ. Đa phần đang điều chỉnh trở lại sau nhịp giảm/tăng, trừ VN-Index vẫn đang "dò đáy" cũng như bitcoin vẫn liên tục phá đỉnh. Nguồn: KTSG Online tổng hợp.
Tương tự, Đình Vũ, sinh năm 1996, kỹ sư xây dựng tại TP HCM, cũng khó hiểu trước diễn biến thị trường năm nay.
Anh kể: “Vợ chồng tôi mới cưới cuối năm ngoái, được gia đình hai bên cho ít vàng trị giá khoảng vài trăm triệu đồng lúc đó để làm vốn. Do cả hai đều không có ‘máu’ kinh doanh, cũng chưa thấy thị trường bất động sản tiềm năng, nên quyết định bỏ vào kênh chứng khoán.
Tôi bắt đầu tham gia từ tháng 3, chủ yếu mua dàn trải theo danh sách khuyến nghị từ một nhân viên tư vấn của công ty chứng khoán (broker). Tình hình kém suôn sẻ ngày từ đầu khi dù lướt sóng hay nắm giữ, ít khi nào tôi thấy danh mục đạt lãi quá 10%, chủ yếu là lỗ.
Hỏi han đồng nghiệp, người quen đều ghi nhận tâm lý chung là năm nay giao dịch ‘chán, buồn ngủ, khó ăn’. Bạn broker cho biết thị trường đang thiếu thanh khoản, không có lực đẩy mạnh; trong khi danh mục của tôi mua lại phân bổ nhiều vốn vào các mã yếu hơn thị trường, ngược lại tỷ trọng thấp tại các mã tăng giá. Xu hướng thị trường này còn kéo dài đến bao giờ cũng không đoán định được, có thể phải chờ qua 2025.
Nhìn lại gần một năm, tài khoản đầu tư cổ phiếu đang lỗ gần 20%, trong khi giá vàng đã tăng đáng kể khoảng 40%. Hai vợ chồng không khỏi lục đục mỗi khi nhắc đến hai chữ chứng khoán. Mỗi tối, tôi lại trằn trọc nằm suy nghĩ về sai lầm khi vội đổ hết vốn liếng để ‘đánh chứng’ khi còn thiếu sót hiểu biết.”
…khi nào mới trở lại thị trường chứng khoán?
Trong phiên ngày 19-11, thị trường tiếp tục giảm sâu, đặc biệt là những phút cuối. Chỉ số VN-Index có phiên đi xuống thứ 4 liên tiếp, đóng cửa mất gần 12 điểm. Hầu hết đều giảm khá mạnh với tâm lý thận trọng khắp các nhóm ngành.
Dòng tiền tiếp tục thu hẹp khi thanh khoản giao dịch chỉ có 11.300 tỉ đồng. Tính theo tuần, thị trường cũng đã có tuần giảm thứ hai liên tiếp và giảm mạnh nhất trong hơn 4 tháng qua, giảm gần 34 điểm, tương ứng giảm 2,71%. Tâm lý ảm đạm tiếp tục nối dài, bất chấp đã có những kỳ vọng nhen nhóm khi một số nhóm cổ phiếu phục hồi trong phiên giao dịch hôm 18-11.
Không phải tới bây giờ mà thực tế đã có những lo ngại về khả năng dòng tiền trên thị trường chứng khoán trở nên “tắc nghẽn” trước đó. Thanh khoản bình quân toàn thị trường tuần qua đạt 18.640 tỉ đồng, tăng 24,6% so với tuần trước đó nhờ giao dịch sôi động hơn với những kỳ vọng mới. Tuy nhiên, thanh khoản nhìn chung từ đầu tháng 11 vẫn giảm 5,8% so với tháng 10 và giảm 13,2% so với cùng kỳ.
Có nhiều lý do để giải thích cho việc thị trường giảm mạnh trong thời gian qua, theo đánh giá của các chuyên gia. Hầu hết đều đến từ quốc tế.
Điều quan trọng nhất là chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ) tăng vọt, vượt vùng đỉnh gần nhất hồi tháng 6, đi cùng đó là lo ngại nhiều hơn về khả năng không giảm lãi suất của Fed trong tháng 12. Đô la mạnh hơn cũng tiếp tục kéo theo đà bán ròng của khối ngoại chưa chấm dứt, thậm chí còn tập trung ở những mã cổ phiếu bluechips, từ đó gây áp lực đến chỉ số chung. Tại Việt Nam, áp lực tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng đã tăng lên đáng kể.
Sự lo ngại về dòng tiền khiến một số nhà phân tích hồi tháng 10 vẫn để ngỏ khả năng thị trường sẽ có nhịp giảm sâu, có thể về đến vùng tâm lý 1.200 điểm, nay đã thực sự gần về lại mốc này.
Dù vậy, một số điểm tích cực đã xuất hiện, chẳng hạn như đà giảm đang chậm lại khi thị trường có phản ứng tích cực với khu vực hỗ trợ 1.200 điểm. Nhiều người tin rằng khi chiết khấu đủ sâu, dòng tiền sẽ quay trở lại. “Một khi tiền đã đi khỏi thị trường chứng khoán, muốn quay trở lại thì phải thực sự rẻ”, ông Đức nói. Một trong số những tín hiệu sẽ là chờ sự cải thiện của dòng tiền khối ngoại mua trở lại, dù chỉ chiếm tỷ trọng giao dịch ít hơn là nhóm các nhà đầu tư khác.
Với kịch bản thị trường hiện nay, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect nói, các nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị danh mục đầu tư khi rủi ro ngắn hạn đang duy trì ở mức cao. “Đối với những nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng danh mục cao hoặc đang dùng đòn bẩy ký quỹ, cần tận dụng các nhịp phục hồi kỹ thuật để hạ bớt tỷ trọng. Đối với những nhà đầu tư có tỷ trọng thấp hoặc giao dịch ngắn hạn, nên hạn chế việc “bắt đáy” khi thị trường chưa xác nhận điểm đảo chiều”, ông Hinh bình luận.
Sau những đợt “sốc tâm lý” đột ngột, sự kỳ vọng vẫn đang được nuôi dưỡng. Những người mua vàng tin rằng giá trị của việc giữ vàng chỉ có thể đến trong dài hạn, trong khi nhà đầu tư chứng khoán kỳ vọng sớm có nhịp hồi phục. “Tôi không vay vốn để mua cổ phiếu, nên cứ chờ thị trường hồi rồi tính tiếp, nhưng khối ngoại cứ bán ròng thế này thì cũng khó”, bà Nhung nói.
Còn với những người đánh cược vào thị trường tiền mã hóa, cuộc chơi vẫn đang tỏ ra “lấp lánh”, chờ đợi những cơn sóng đi cùng giá bitcoin. Nhưng thị trường thế giới vốn khốc liệt, sự thận trọng là không thừa khi câu chuyện “sốc tâm lý” đã nhiều lần diễn ra trên thị trường tiền mã hóa. “Không phải cứ sóng tăng là sẽ ăn”, Quốc nói.