Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Quang Minh cho rằng phương thức thanh toán điện tử đang dần thay thế cho tiền mặt và là xu hướng không thể đảo ngược.
- Năm 2024, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục gặt những “trái ngọt”. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 10 tháng đầu năm 2024, giao dịch TTKDTM tăng 57,5% về số lượng và 34,5% về giá trị; qua kênh Internet tăng 51,1% về số lượng và 33,9% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 55,5% về số lượng và 34,9% về giá trị; qua QR Code tăng 106,9% về số lượng và 109,6% về giá trị.
Ghi nhận của NAPAS cũng cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ của thanh toán điện tử trong năm nay. Theo đó, năm 2024, hệ thống NAPAS xử lý bình quân hơn 26 triệu giao dịch/ ngày, tăng tương ứng 29,5% về số lượng giao dịch và 14,4% về giá trị giao dịch so với năm 2023. Trong đó, dịch vụ chuyển tiền nhanh NAPAS 247 tăng tương ứng 33,5% về số lượng và 14,9% về giá trị.
Phương thức chuyển tiền bằng quét mã VietQR tiếp tục cho thấy sự phát triển vượt trội thông qua việc ghi nhận tăng 2,2 lần về số lượng giao dịch và 2,6 lần về giá trị giao dịch so với năm trước.
Trong khi đó, dịch vụ rút tiền trên ATM qua hệ thống NAPAS trong năm 2024 giảm 19,5% và chỉ chiếm 2,4% tổng số giao dịch của toàn hệ thống. Những con số trên cho thấy phương thức thanh toán điện tử đang dần thay thế cho tiền mặt và là xu hướng không thể đảo ngược.
- Năm 2024, NAPAS đã áp dụng công nghệ như thế nào để nâng cao hiệu quả và đảm bảo an toàn hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, nhất là việc ứng dụng AI. Kết quả đạt được ra sao?
- Trong vai trò đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, việc đổi mới, thay đổi và triển khai các nền tảng công nghệ để đáp ứng hiệu năng và đảm bảo an toàn trong thanh toán là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của NAPAS.
Năm 2024, NAPAS đã triển khai thành công nền tảng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) cùng áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc đưa vào các thuật toán học sâu (deep learning) giúp phân tích dữ liệu chuyên sâu; từ đó phối hợp với các đơn vị trong Bộ Công an, các Vụ, Cục của Ngân hàng Nhà nước triển khai các công cụ quản lý rủi ro và phát hiện giao dịch gian lận, giả mạo để cảnh báo tới các tổ chức thành viên trong việc phòng ngừa và ngăn chặn các giao dịch nghi ngờ theo thời gian thực.
Đồng thời, việc cải tiến, đổi mới dựa trên các nền tảng công nghệ đã giúp NAPAS nâng cao năng lực xử lý của hệ thống kỹ thuật. Hiện tại, hệ thống đang xử lý khoảng 35 triệu giao dịch/ngày và tại các thời gian cao điểm trong ngày xử lý lên tới 3.500 giao dịch/giây. Về thiết kế của hệ thống, NAPAS luôn có dự phòng về công suất, khi cao điểm cũng chỉ sử dụng 50% công suất thiết kế. Nhờ vậy, ngay cả khi lượng giao dịch tăng đột biến thì hệ thống vẫn đảm bảo giao dịch trơn tru để phục vụ tốt cho các ngân hàng thành viên.
- Về phía sản phẩm dịch vụ, NAPAS đã nghiên cứu, triển khai thêm các giải pháp thanh toán gì để hoàn thiện hạ tầng và hệ sinh thái thanh toán bán lẻ quốc gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán?
- Năm 2024, NAPAS đã phối hợp với các tổ chức thành viên hoàn thành triển khai nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thanh toán thẻ, di động như: thẻ đồng thương hiệu NAPAS- MasterCard; Dịch vụ thanh toán di động Tap & Pay - giải pháp số hoá thẻ NAPAS trên ứng dụng ngân hàng (Mobile Banking); dịch vụ thanh toán bằng mã VietQRPay, thanh toán dịch vụ công trực tuyến trên VNeID... Những giải pháp thanh toán mới này không chỉ nâng cao trải nghiệm người dùng mà còn góp phần hoàn thiện hạ tầng và hệ sinh thái bán lẻ quốc gia.
Chẳng hạn so với VietQR, VietQRPay cho phép hiển thị đầy đủ thông tin của đơn vị bán hàng, hàng hoá/dịch vụ, nhờ đó trong trường hợp hoàn/huỷ hoặc khiếu nại về đơn hàng, các đơn vị bán hàng dễ dàng tra soát, đảm bảo quyền lợi của các bên. Bên cạnh đó, VietQRPay giúp các đơn vị bán hàng hỗ trợ quản lý tài chính, thống kê doanh thu. Còn với khách hàng, VietQRPay giúp người dùng linh hoạt lựa chọn nguồn tiền thanh toán, từ thẻ ghi nợ/tín dụng, tài khoản đến ví điện tử. Việc triển khai VietQRPay cũng được kì vọng góp phần phòng chống giao dịch gian lận, giả mạo, hỗ trợ công tác quản lý thuế của cơ quan chức năng
Hay với dịch vụ thanh toán di động Tap & Pay - giải pháp số hoá thẻ NAPAS trên Mobile Banking, khách hàng có thể dùng điện thoại thanh toán mà không cần đem theo thẻ vật lý.
Còn thẻ đồng thương hiệu NAPAS - MasterCard mang đến giải pháp thanh toán tiện lợi xuyên biên giới. Với sản phẩm thẻ này, người dùng có thể giao dịch tại các điểm chấp nhận thanh toán và máy ATM thuộc mạng lưới của hai đơn vị trên toàn cầu. Thẻ còn hỗ trợ thanh toán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử quốc tế.
Ngoài các giải pháp nói trên, NAPAS cũng đang thí điểm dịch vụ thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt (Smile to Pay), là dịch vụ cho phép khách hàng thanh toán thông qua việc số hóa tài khoản/thẻ kết hợp với dữ liệu sinh trắc học, thay cho dùng thẻ vật lý.
- Trong quá trình triển khai các giải pháp nêu trên, NAPAS gặp phải những vướng mắc, rào cản nào?
- Đầu tiên là vướng mắc trong việc kết nối. Tích hợp hạ tầng, tiêu chuẩn kết nối của các bên chưa đồng bộ. Hạ tầng, hệ thống thanh toán của mỗi tổ chức (ngân hàng, trung gian thanh toán) có sự khác biệt về cả công nghệ, cấu phần hệ thống, quy trình vận hành và các yêu cầu về bảo mật. Do đó, đối với mỗi giải pháp thanh toán cung cấp ra thị trường, NAPAS cần thực hiện đánh giá toàn diện, xây dựng các tiêu chuẩn kết nối kỹ thuật phù hợp cho các bên liên quan, đồng thời đảm bảo tính an toàn và bảo mật tuyệt đối cho thông tin thanh toán.
Thứ hai là khó khăn trong việc xây dựng chính sách sản phẩm, dịch vụ khi mỗi tổ chức tài chính có khẩu vị rủi ro và cách thức quản trị rủi ro khác nhau.
Vì vậy, NAPAS cần xây dựng và thống nhất quan điểm về quy định quản lý rủi ro chung, vừa đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, vừa linh hoạt đáp ứng yêu cầu đặc thù của từng tổ chức thành viên.
- NAPAS có đề xuất chính sách gì để hỗ trợ cho việc chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam trong giai đoạn sắp tới?
- Các quy định pháp lý cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá và cập nhật sửa đổi, bổ sung, phù hợp với thực tế triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của hoạt động thanh toán số và chuyển đổi số trong ngành ngân hàng. Đặc biệt, chú trọng đến các nội dung liên quan đến ứng dụng công nghệ số, bao gồm: thu thập, khai thác, xử lý và chia sẻ dữ liệu khách hàng; giao dịch điện tử; xây dựng và triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; cũng như ban hành các tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong quá trình triển khai.
- Xin cảm ơn ông!
Hải Thu-Đình Huy