Cục Thuế Thái Lan đang có kế hoạch áp đặt thuế bổ sung 15% đối với các công ty xuyên quốc gia hoạt động tại nước này bắt đầu từ năm 2025.
Kiểm tiền baht của Thái Lan tại ngân hàng Krung Thai ở Bangkok. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là yêu cầu cần thiết để đáp ứng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (GMT). Tuy nhiên, chính sách thuế mới sẽ đặt ra một thách thức lớn cho Chính phủ Thái Lan, trong bối cảnh nước này tiếp tục nỗ lực tìm cách duy trì khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu Thái Lan không áp dụng quy định trên, các công ty đa quốc gia hoạt động tại nước này này vẫn phải trả GMT tại quốc gia "quê hương" của họ hoặc tại các nước khác nơi họ đăng ký tư cách pháp nhân. Điều này có thể khiến Thái Lan mất đi nguồn thu thuế tiềm năng, vì thuế bổ sung sẽ được thu ở nơi khác thay vì mang lại lợi ích cho nền kinh tế Thái Lan.
GMT là sáng kiến của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Theo sáng kiến này, các công ty đa quốc gia có doanh thu trên 800 triệu USD sẽ phải nộp mức thuế ít nhất là 15%, bất kể công ty này hoạt động ở quốc gia nào. Đối với các công ty đang nộp thuế dưới 15%, có thể nhờ được hưởng ưu đãi thuế do các quốc gia áp dụng để thu hút đầu tư, sẽ phải nộp thêm khoản chênh lệch.
Biện pháp thuế mới sẽ khiến các quốc gia như Thái Lan, vốn đã và đang sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ chính để thu hút FDI, gặp nhiều thách thức hơn. Với GMT, các ưu đãi thuế truyền thống, chẳng hạn như giảm hoặc miễn trừ thuế doanh nghiệp, sẽ mất đi sức hấp dẫn vì chúng sẽ không còn mang lại kết quả là giảm thuế cho các công ty đa quốc gia.
Vì vậy, Chính quyền của tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra sẽ buộc phải hành động nhanh chóng để tìm ra các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của GMT và hỗ trợ thuế trực tiếp không còn là một lựa chọn khả thi như một công cụ để thu hút đầu tư.
Giải pháp, theo các chuyên gia, phải đến từ cả chính phủ và khu vực tư nhân. Hai bên phải cùng nhau xây dựng các chiến lược và phối hợp chặt chẽ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của GMT đối với FDI. Chính phủ nên đưa ra các ưu đãi có mục tiêu, sửa đổi chính sách đầu tư và tham gia đối thoại minh bạch với các doanh nghiệp để duy trì khả năng cạnh tranh.
Trong khi đó, khu vực tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, cũng cần đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng với môi trường thuế mới. Các công ty nên tiến hành đánh giá kỹ lưỡng các chiến lược thuế của mình và tìm cách tối ưu hóa hoạt động trong khuôn khổ GMT. Điều này có thể liên quan đến việc tái cấu trúc mô hình kinh doanh, đa dạng hóa các khoản đầu tư hoặc tìm kiếm các thị trường mới mang lại lợi nhuận tốt hơn.
Bên cạnh đó, cần phải đưa ra thêm nhiều ưu đãi mới thay vì các biện pháp thuế quan để đảm bảo Thái Lan vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Phát triển nguồn nhân lực, cùng với việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bức tranh đầu tư trong tương lai của Thái Lan.