Là doanh nghiệp gốc Nhà nước chuyên sản xuất, kinh doanh hàng dệt may, song
Công ty Cổ phần Vải sợi May mặc miền Bắc (Textaco, MCK: TET) tiền thân là Tổng Công ty vải sợi may mặc thuộc Bộ Thương Mại, chuyên sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu hàng dệt may, vải sợi, thuốc nhuộm, hàng đồ da, giả da,... tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài.
Theo Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2024, TET ghi nhận doanh thu thuần là 11,920 tỷ đồng, tăng 4,58% so với cùng kỳ. Mặc dù chi phí giá vốn hàng bán tăng 46,92% (7,384 tỷ đồng) nhưng lãi gộp lại giảm 28,81% (4,535 tỷ đồng).
Vải sợi May mặc Miền Bắc vẫn không phát sinh chi phí bán hàng và tài chính, còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 21,89% (3,547 tỷ đồng). Kết quả lợi nhuận sau thuế đạt 3,451 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn giảm 47,51% so với cùng kỳ.
Tính đến quý II/2024, tổng tài sản của TET đạt hơn 118,082 tỷ đồng, giảm 2,29% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn ghi nhận 85,043 tỷ đồng, giảm 1,06%, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 27,17% với hơn 23,107 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 68,42% với hơn 58,188 tỷ đồng, hàng tồn kho chiếm 2,3% với 1,961 tỷ đồng, đồng thời dự phòng giảm giá hàng tồn kho là hơn 1,804 tỷ đồng. Tài sản dài hạn ghi nhận 33,038 tỷ đồng, giảm 4,99%, trong đó tài sản cố định là 31,260 tỷ đồng, tài sản dài hạn khác là 1,778 tỷ đồng.
Các khoản thu ngắn hạn của TET bao gồm 2 khoản cho vay ngắn hạn với tổng số tiền 55 tỷ đồng, trong đó số vốn cho Công ty TNHH Xây dựng dân dụng và Thương mại Thái Minh là 30 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Thương mại Bảo Long vay 25 tỷ đồng, tất cả đều có kỳ hạn từ ngày 3/1/2024 - 31/12/2024 với lãi suất 7%/năm.
Về nguồn vốn, tổng nguồn vốn là hơn 118,082 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chủ yếu là nợ ngắn hạn 4,525 tỷ đồng, giảm 11,99%, không phát sinh nợ dài hạn. Vốn chủ sở hữu là 113,557 tỷ đồng, giảm 1,76%.
Vị trí khu đất 79 Lạc Trung của TET. Ảnh: Delta Group
Đến ngày 30/6/2024, vốn điều lệ của Vải sợi May mặc Miền Bắc là hơn 57,029 tỷ đồng, tương đương 5,702 triệu cổ phần.
Trong đó, có 4 cổ đông lớn trong nhóm nhà đầu tư Delta Group bao gồm Công ty Cổ phần Xây dựng và Ứng dụng Công nghệ Delta - V, Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Delta, Phạm Hoàng Long và Trần Minh Quỳnh Dung nắm giữ 92,93% - tỷ lệ gần như chi phối tuyệt đối TET.
Được biết, Đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào cuối tháng 11/2016 của TET đã chấp thuận cho nhóm nhà đầu tư Delta Group, bao gồm: CTCP Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp Delta, CTCP Xây dựng và Ứng dụng Công nghệ Delta- V và bà Nguyễn Thị Kim Dung được sở hữu đến tối đa 79% số cổ phiếu đang lưu hành của công ty (4,51 triệu cổ phiếu) mà không cần chào mua công khai.
Sau khi có sự tham gia đầu tư từ nhóm Delta, ngày 7/11/2016, Hội đồng quản trị Vải sợi May mặc miền Bắc đã ban hành nghị quyết về việc thực hiện dự án “Tổ hợp văn phòng, thương mại dịch vụ, căn hộ để bán hoặc cho thuê” hay còn gọi là Dự án Red River View được xây dựng trên chính khu “đất vàng” 79 Lạc Trung.
Giai đoạn trước 5/9/2017, dự án Red River View do Công ty Cổ phần Vải sợi May mặc Miền Bắc làm chủ đầu tư. Quy mô dự án được xây dựng tổng diện tích là 12.407 m2, gồm 3 tầng hầm, 24 tầng nổi, mật độ 39%, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 145.000 m2. Nguồn vốn đầu tư dự kiến đều là vốn chủ sở hữu với tổng số tiền 1.300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án dự kiến là từ năm 2017 - 2020.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết ngày 7/11/2016 của Hội đồng quản trị và Hợp đồng kinh doanh ngày 5/9/2017, Vải sợ May mặc miền Bắc quản lý sử dụng khu đất 79 Lạc Trung và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Nhật Anh quản lý sử dụng khu đất 605 Minh Khai cùng hợp tác đầu tư xây dựng trên khu đất này.
Theo đó, dự án được đổi tên thành “Trung tâm Thương mại - Dịch vụ, văn phòng làm việc và chung cư cao tầng” với tổng diện tích xây dựng là 16.306 m2. Tổng vốn đầu tư dự kiến được nâng lên hơn 1.889 tỷ đồng.
Do đặc thù của dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội đã có văn bản đề xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hà Nội kiểm tra sự phù hợp với quy hoạch và hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đất theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và pháp luật hiện hành.
Tính đến ngày 30/6/2024, dự án “đất vàng” 79 Lạc Trung của Vải sợi May mặc Miền Bắc đã nộp hồ sơ và đang chờ phê duyệt của UBND TP Hà Nội.