TCO Holdings thống nhất hủy bỏ phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần cho cổ đông của Công ty Xuất nhập khẩu An Vi, dù TCO Holdings từng đánh giá cao hiệu quả liên kết sản xuất kinh doanh với doanh nghiệp xuất nhập khẩu này.
Công ty cổ phần TCO Holdings (TCO Holdings, mã Ck: TCO) vừa tổ chức ĐHCĐ bất thường năm 2024. Trong đó, ĐHCĐ TCO Holdings thống nhất hủy bỏ phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần cho cổ đông của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Vi (Xuất nhập khẩu An Vi).
Trước đó, ngày 23/2/2024, TCO Holdings thông qua phương án phát hành 58,5 triệu cổ phiếu để hoán đổi 13 triệu cổ phiếu (tương ứng 100% vốn) của 3 cổ đông cá nhân tại Xuất nhập khẩu An Vi gồm ông Đỗ Văn Lựa, bà Phạm Vũ Thu Sương và bà Nguyễn Thị Hạnh. Tỷ lệ hoán đổi là 1:4,5 (mỗi cổ phiếu Xuất nhập khẩu An Vi sẽ được hoán đổi 4,5 cổ phiếu TCO) và hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Phương án phát hành cổ phiếu trên được đã được ĐHCĐ bất thường năm 2023 của TCO Holdings thông qua trước đó, thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024, sau khi có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với mục đích nhằm mở rộng thêm lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm cùng các ngành phụ trợ của TCO Holdings trong thời gian tới.
Dù từng đánh giá nhà máy của Xuất nhập khẩu An Vi là một trong những nhà máy lớn nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như việc TCO Holdings và Xuất nhập khẩu An Vi liên kết sẽ giúp giảm thiểu tối đa chi phí logistics và tăng cạnh tranh về thời gian phục vụ, giá cả nhưng đến tháng 7/2024, TCO Holdings bất ngờ dừng việc mua lại cổ phần Xuất nhập khẩu An Vi.
Cụ thể, HĐQT TCO Holdings thông qua quyết định tạm ngừng thực hiện hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần Xuất nhập khẩu An Vi với lý do cần xin ý kiến của ĐHCĐ về việc điều chỉnh, thay đổi phương án triển khai để phù hợp với tình hình thực tế của công ty./.
Xuất nhập khẩu An Vi được thành lập năm 2020, ngành nghề kinh doanh chính là xay xát và sản xuất bột thô. Xuất nhập khẩu An Vi sở hữu nhà máy xay xát lúa gạo với tổng diện tích đất khoảng 11.7 ha tại thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, thuận tiện cả về đường bộ lẫn đường thủy, cách biên giới Campuchia hơn 15km.
Gia Linh