Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
TCB: Chiến lược khác biệt đưa Techcombank trở thành Á quân lợi nhuận ngành ngân hàng như thế nào?
Chuyên mục:

Tài chính

An ninh tiền tệ | 09:22
Google news

Theo báo cáo tài chính, kết thúc quý 2/2024, tổng tài sản của Techcombank đã đạt hơn 908 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm. Với các triển vọng tài chính tích cực, Techcombank đang trên hành trình trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam cán mốc 1 triệu tỷ đồng tổng tài sản trong thời gian tới.  

Quy mô tín dụng và huy động vốn của Techcombank đều tăng trưởng vượt trội. Trong đó tăng trưởng tín dụng đạt 8,8% so với cuối năm 2023 và tăng 25% so với cùng kỳ, cao hơn so với mặt bằng chung toàn ngành. Huy động vốn, bao gồm cả giấy tờ có giá, tăng gần 32% so với cùng kỳ và tăng khoảng 9% so với cuối năm ngoái.

Việc mở rộng quy mô tiếp tục song song với đảm bảo an toàn hoạt động. Techcombank hiện nay thuộc nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất với tỷ lệ nợ xấu cuối quý 2 ở mức 1,28%, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu đạt 101%. Tỷ lệ an toàn vốn CAR đạt 14,5%, thuộc nhóm cao nhất ngành và cao hơn nhiều so với yêu cầu của Basel II (tối thiểu 8%).

Về kết quả kinh doanh, Techcombank là ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất, đạt hơn 15.600 tỷ đồng trước thuế trong nửa đầu năm 2024. Mức lãi này tăng tới 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Techcombank cũng hoàn thành được hơn 58% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong Top 5 ngân hàng có lãi cao nhất tại Việt Nam hiện nay, Techcombank cũng là ngân hàng tư nhân duy nhất góp mặt.

Kết quả lợi nhuận của Techcombank vẫn tích cực mặc dù ngân hàng tiếp tục đầu tư cho công nghệ và gia tăng trích lập dự phòng để củng cố bộ đệm trước các rủi ro. Cả chi phí hoạt động và chi phí dự phòng trích lập của Techcombank đều tăng trong nửa đầu năm 2024, tăng lần lượt 9,1% và 20,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Sở dĩ Techcombank có thể mạnh dạn tiếp tục đầu tư mạnh cho công nghệ và hạ tầng là bởi ngân hàng vẫn đang duy trì được tổng thu nhập hoạt động ở mức cao, tăng trưởng ổn định. Điều này cho phép Techcombank đảm bảo được kết quả lợi nhuận đủ làm hài lòng cổ đông, nhà đầu tư, mặt khác tiếp tục xây dựng nền tảng khác biệt để làm đà tăng trưởng cho những năm tới.

Nhìn sâu vào cơ cấu thu nhập hoạt động, Techcombank cho thấy sự khác biệt của mình với nguồn thu đa dạng. Cụ thể, Tổng thu nhập từ hoạt động (TOI) đạt kỷ lục gần 25.700 tỷ đồng, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng đến từ cả nguồn thu từ lãi và ngoài lãi.

Thu nhập lãi thuần (NII) tăng trưởng mạnh hơn 40% so với cùng kỳ, nhờ tốc độ tăng trưởng tài sản (8,8%) nhanh hơn thị trường và chi phí vốn thấp hơn (chỉ 3,2% tại thời điểm cuối quý 2, so với mức 5,4% cùng kỳ năm trước). Thu nhập từ phí (NFI) tăng trưởng 32% nhờ phí ngân hàng đầu tư IB cao kỷ lục gần 1.800 tỷ đồng và những cải thiện ban đầu của hoạt động banca.

Thu nhập từ phí đạt hơn 5.800 tỷ đồng, tương đương đóng góp khoảng hơn 25% trong tổng thu nhập của Techcombank nửa đầu năm nay. Trong đó thu từ thư tín dụng (LC), tiền mặt và thanh toán đạt 2.193 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Thu phí từ dịch vụ thẻ đạt 1.022 tỷ đồng, tăng 2,7%. Mức tăng trưởng một con số này đến từ mức nền cao của năm trước, khi các dịch vụ này đã tăng nhanh từ nửa cuối 2022.

Phí dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) đạt 1.792 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ. Trong đó riêng quý 2 Techcombank ghi nhận phí dịch vụ IB đạt kỷ lục 1 nghìn tỷ đồng, cao hơn mức thu nhập của giai đoạn 2021-6 tháng đầu năm 2022, trước khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều thách thức. Kết quả này phản ánh niềm tin trở lại của nhà đầu tư với sản phẩm trái phiếu cũng như sự phục hồi của thị trường cổ phiếu và năng lực cạnh tranh mạnh mẽ của TCBS. Thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HOSE và HNX của công ty lần lượt tăng lên mức 7,5% và 7,9% trong quý 2/2024.

Ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, TCBS là một phần quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa, tăng nguồn thu phí của Techcombank. Những hoạt động về Wealth Management, dịch vụ ngân hàng đầu tư là những sản phẩm dịch vụ làm giàu cho khách hàng, đồng thời đóng góp nguồn thu phí rất lớn cho ngân hàng. Đây cũng là một trong những trọng tâm lớn của Techcombank những năm tới.

Trong những năm gần đây, đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn thu phí dịch vụ là một trong những chiến lược quan trọng được các ngân hàng ưu tiên để đảm bảo tăng trưởng. Từ năm 2022 đến nay, Techcombank liên tục duy trì vị thế ngân hàng có lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cao nhất hệ thống. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Techcombank đạt hơn 4.600 tỷ đồng, bỏ xa các ngân hàng tiếp theo trong bảng xếp hạng như VietinBank và BIDV (hơn 3.600 tỷ đồng), VPBank (hơn 3.400 tỷ đồng), Vietcombank (hơn 2.900 tỷ đồng),…

"Hồ sơ nguồn vốn và thanh khoản của Techcombank có sự cải thiện nhất định so với thời điểm xếp hạng tín nhiệm ban đầu, nhờ vào việc ngân hàng không ngừng thực hiện các kế hoạch gia tăng thêm nguồn vốn ổn định, cùng với việc thanh khoản của Techcombank vẫn được đảm bảo qua kịch bản kiểm tra sức chịu đựng của FiinRatings" - công bố xếp hạng đánh giá.

Với các kết quả kinh doanh tích cực, giữa tháng 8.2024, FiinRatings đã công bố nâng hạng tín nhiệm của Techcombank, phản ánh hồ sơ tín dụng của ngân hàng sẽ duy trì ổn định trong 24 tháng tới, nhờ vào vị thế kinh doanh vững chắc, cùng thế mạnh về hồ sơ vốn, thanh khoản và khả năng sinh lời. Mức tín nhiệm dài hạn đối với Techcombank được nâng từ A lên ‘AA-’, cao hơn ba bậc so với mức xếp hạng cơ bản cho ngành ngân hàng Việt Nam, chỉ ở mức "a-".

Khả năng đáp ứng các nhu cầu sử dụng vốn có thể phát sinh từ nguồn vốn ổn định sẵn có của Techcombank (bao gồm nguồn vốn từ tiền gửi khách hàng, vốn chủ sở hữu, vay dài hạn liên ngân hàng và nợ vay dài hạn khác) cho thấy sự cải thiện. Cụ thể, ngân hàng luôn chủ động phát triển các sản phẩm và tính năng giúp gia tăng việc gắn kết của khách hàng, thúc đẩy nhu cầu tiền gửi tại Techcombank, đồng thời tăng cường năng lực huy động vốn nước ngoài và trên thị trường vốn. Điều này giúp ghi nhận sự tăng trưởng trong các cấu phần của nguồn vốn ổn định và giảm phụ thuộc vào nguồn vốn bán buôn ngắn hạn kém ổn định hơn.

Theo Tổng Giám đốc Jens Lottner, chiến lược vượt trội của Techcombank đã được các tổ chức quốc tế uy tín hàng đầu ghi nhận, đánh dấu Techcombank trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên được cả ba tổ chức danh giá Euromoney, FinanceAsia và Global Finance vinh danh là "Ngân hàng tốt nhất Việt Nam", và đặc biệt trong cùng một năm 2024. Với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, Techcombank tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh Đại hội đồng cổ đông giao cho năm 2024.

Bài: Kim Ngân
Thiết kế: Hương Xuân

Link gốc

Thị trường đóng cửa
TCB
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục
Cỡ chữ
NhỏLớn