Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Tăng trưởng nhanh, bền vững đòi hỏi cải cách sâu hơn
Chuyên mục:

Kinh tế

VnEconomy | 13:40
Google news

Thưa ông, những bất ổn, biến động của kinh tế thế giới đã tác động không nhỏ tới Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về “sức khỏe” của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Đúng vậy, những bất ổn chính trị, kinh tế kéo dài từ  năm 2023 đến nay đã tác động mạnh mẽ tới kinh tế Việt Nam. Ảnh hưởng trực tiếp tới thời gian giao hàng xuất khẩu, đẩy chi phí vận tải tăng cao. Kết quả, năm 2023 tăng trưởng GDP của nước ta chỉ ở mức 5%, thấp hơn mục tiêu 6,5% của Quốc hội; lạm phát 3,25%, đạt mục tiêu của Quốc hội; tăng trưởng tín dụng 13,5% (đến hết tháng 11/2023 là 9,15%); lĩnh vực bất động sản và thị trường tài chính gặp khủng hoảng; xuất khẩu giảm 4,6%.

Sáu tháng đầu năm 2024, tình hình đã được cải thiện. Cụ thể, tăng trưởng GDP đạt khá 6,42%, trong đó có sự đóng góp lớn của công nghiệp và du lịch. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chung tăng 4,08%, lạm phát cơ bản 2,75%; xuất khẩu tăng 14,5%. Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản và xây dựng vẫn chưa vượt qua khó khăn.

Với tình hình của doanh nghiệp, kết quả điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy bức tranh doanh nghiệp tư nhân hiện rất khó khăn. Cụ thể, trong số 10.000 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố được hỏi về kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh thời gian tới, chỉ có khoảng 27% khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng. Đây là con số thấp nhất kể từ khi VCCI tiến hành điều tra về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2005 trở lại đây, thậm chí còn thấp hơn con số 34-35% của năm 2012 – 2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước. Trong giai đoạn Covid-19, tỷ lệ này cũng lên đến 35-37%.

Đối lập với doanh nghiệp trong nước, năm 2023 tỷ lệ doanh nghiệp FDI có kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh cao. Sáu tháng đầu năm 2024 vốn FDI đăng ký là 15 tỷ USD, vốn thực hiện là 10 tỷ USD. Như vậy dường như trong bức tranh của kinh tế Việt Nam, bảng màu sáng-tối xen kẽ nhau.

Nếu nhìn con số tổng thể, chúng ta thấy kinh tế Việt Nam cũng khá sáng, tăng trưởng GDP tích cực, xuất khẩu cũng tốt. Song điều đáng ngại là năng lực thực sự của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Hiện nay, doanh nghiệp FDI có thể đóng gói cả một nhà máy và dịch chuyển sang một quốc gia khác nếu biên lợi nhuận của họ ở nước sở tại thấp và chi phí tăng cao. FDI có thể đến nhanh nhưng rời đi cũng nhanh. Điều đáng chú ý là năng lực nội tại của khu vực tư nhân trong nước là chỉ số vô cùng quan trọng. Nhưng đáng tiếc, con số thống kê công bố hay các phân tích về “sức khỏe” tư nhân trong nước hơi ít, không sâu sắc, đây là điều bất cập.

Vậy thời gian tới, theo ông, có điểm gì mới khiến chúng ta có thể kỳ vọng?

Dưới góc nhìn của VCCI, tác động của chính sách rất lớn. Đầu tiên là sự nỗ lực của Chính phủ. Năm 2024, lần đầu tiên Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh được Chính phủ ban hành trở lại nhằm tạo áp lực, đồng thời khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương.

Nghị quyết 02 là tư duy mới của Chính phủ, với mục tiêu luôn luôn cải cách, mức độ cải cách phải so sánh được với các nước khu vực ASEAN. Tư duy cạnh tranh với các nước đứng đầu trong khu vực về cải cách thủ tục hành chính là tư duy rất tích cực. Năm 2023 ban hành Nghị quyết 02 chung, song dường như việc để tâm đến cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính còn ít. Do đó, việc ban hành trở lại Nghị quyết 02 trong năm 2024 là một dấu hiệu tích cực.

Hơn nữa, cách đây ít ngày, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác về rà soát những khó khăn, vướng mắc, do Thủ tướng làm Tổ trưởng. Có thể thấy đây là sự quyết tâm rất lớn của Thủ tướng trong việc chú trọng vào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cố gắng, thuyết phục và trình Quốc hội để các đạo luật như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi… có hiệu lực sớm.

Trong 3-4 tháng vừa qua, Chính phủ đã làm việc với 200% sức lực để thảo luận, ban hành các Nghị định hướng dẫn các luật này. Bởi với sự ách tắc của thị trường bất động sản và nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án liên quan tới sử dụng đất…, việc các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm, sẽ tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Ngoài những điểm sáng trên, theo ông, các chính sách nào sẽ tác động tới tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn tới?

Trọng tâm của Chính phủ và các bộ, ngành vẫn xem năm 2024 là một năm khó khăn nên cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đó là duy trì chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 43 về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách này đã được thực hiện từ thời điểm Covid-19 và đến nay vẫn hiệu quả, được doanh nghiệp hết sức hoan nghênh.

Bên cạnh đó, giảm lệ phí trước bạ, giãn thời hạn nộp thuế đối với sản xuất ô tô vẫn tiếp tục được triển khai, chính sách đã được thực hiện nhiều năm, năm 2024 vẫn có tác dụng thúc đẩy sản xuất trong nước nhưng động lực sẽ không mạnh mẽ như năm 2022.

Ngoài ra, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 siết chặt các chỉ tiêu an toàn cũng như cấp tín dụng tập trung, các ngân hàng sẽ phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh, trong dài hạn sẽ giúp tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ hệ thống ngân hàng an toàn hơn, minh bạch và công khai hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn cung tín dụng.

Một lĩnh vực nữa sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng và thu hút đầu tư của Việt Nam, đó là điện năng lượng tái tạo. Tiếp xúc nhiều với các tập đoàn lớn, tôi thấy quyết định gia hạn đầu tư của họ tại Việt Nam, thậm chí quyết định đặt hàng cho các nhà sản xuất tại Việt Nam ảnh hưởng rất nhiều từ chính sách này. Vì họ phải có những chứng chỉ về giảm phát thải khí nhà kính thì mới vào được các thị trường quan trọng như EU và mới có khách hàng lớn, được vay vốn rẻ. Rất mừng là  sau thời gian dài “đắn đo”, chúng ta đã ban hành Nghị định mua bán điện trực tiếp (DPPA), hy vọng đây là lực đẩy tương đối tốt dù việc ban hành vẫn hơi trễ.

Doanh nghiệp có nhu cầu lớn về chứng chỉ năng lượng tái tạo để tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu hàng hóa vào các nước phát triển. Nếu cơ chế ban hành muộn hoặc phạm vi quá hẹp sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu và thu hút đầu tư.

Hiện nay, Nghị định điện mặt trời mái nhà vẫn đang thảo luận, hy vọng sẽ được ban hành trong thời gian tới. Lĩnh vực năng lượng sạch thực sự quan trọng cho đầu tư, tăng trưởng và  chuyển đổi xanh. Một trong những điểm yếu của Việt Nam là khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này được ban hành tương đối chậm.

Vấn đề nữa ảnh hưởng đến đầu tư của Việt Nam về mặt dài hạn, đó là thuế tối thiểu toàn cầu, có hiệu lực từ năm 2024. Bên cạnh đó, Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư vừa mới thẩm định ở Bộ Tư pháp đang được nhiều doanh nghiệp FDI quan tâm và chờ đợi để có các quyết định đầu tư kinh doanh tiếp theo.

Luật Giao dịch điện tử và Chính phủ số, trong đó dịch vụ công trực tuyến, các thủ tục đối với người dân được số hóa mạnh, nhưng các thủ tục đối với doanh nghiệp chậm đổi mới hơn, chưa thực sự đột phá.

Thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành chưa có đổi mới đáng kể trong năm 2024. Cổng Một cửa quốc gia vẫn thỉnh thoảng gặp sự cố. Nhiều bộ ngành vẫn chưa kết nối dịch vụ công trực tuyến.

Vấn đề giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại vẫn chưa có nhiều thay đổi tích cực, chưa thuận lợi, chưa an toàn. Số lượng và nội dung một số vụ việc hủy, không công nhận, phán quyết trọng tài gần đây rất cao… Điều này ảnh hưởng tới mức độ tin cậy, lành mạnh của môi trường kinh doanh, khiến nhà đầu tư chưa yên tâm.

Link gốc

THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục
Cỡ chữ
NhỏLớn