Đầu tháng 8 vừa qua, Cơ quan chức năng đã mở phiên toà xét xử, đồng thời tuyên những bản án nghiêm khắc đối với bị can Trịnh Văn Quyết (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn FLC) và nhiều đồng phạm, do phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “Thao túng thị trường chứng khoán".
Tái diễn nạn “lùa gà" trên thị trường chứng khoán,
Theo nhiều nhà đầu tư lâu năm trên thị trường, Trịnh Văn Quyết được phong là “thánh lùa gà", “thần úp bô" khi mà trong một thời gian dài, ông ta đã thực hiện nhiều hành vi “bán chui" cổ phiếu - sau khi đã “đánh lên" gấp nhiều lần. Nhiều nhà đầu tư do thiếu hiểu biết, ít kinh nghiệm và ham làm giàu nhanh đã sập bẫy, tán gia bại sản. Song, vẫn có không ít những đối tượng tiếp tục tổ chức úp bô, lùa gà trên thị trường.
Lập hội nhóm trên Zalo, Telegram, hô hào mua bán
Mới đây Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Bình Minh (SN 1982, ở quận Thanh Xuân), Nguyễn Hoàng Thi (SN 1986, ở quận Hai Bà Trưng), Lê Xuân Cao (SN 1989, ở quận Đống Đa), Phùng Tiến Thành (SN 1985, ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), Trần Ngọc Sơn (SN 1993, ở Hoàng Mai) và Trần Bá Tuấn (SN 1975), Hà Đức Đạt (SN 1990) cùng ở quận Nam Từ Liêm về hành vi thao túng thị trường chứng khoán mã cổ phiếu CMS của Công ty cổ phần Tập đoàn CMH Việt Nam.
Cơ quan điều tra xác định hai trong số bảy đối tượng cầm đầu là Trần Bình Minh và Nguyễn Hoàng Thi. Từ tháng 5 đến tháng 10/2023, nhóm đối tượng Minh với vai trò nhà đầu tư tự do, cầm đầu đã cấu kết, lôi kéo nhiều thành viên trong nhóm liên tục đặt lệnh mua, bán cổ phiếu CMS gây ảnh hưởng đến cung cầu và giá chứng khoán.
Hai đối tượng Trần Bình Minh và Nguyễn Hoàng Thi.
Minh mua gom mã cổ phiếu CMS với giá thấp sau đó đẩy giá rồi bán ra kiếm lời. Nguyễn Hoàng Thi và 5 đối tượng liên quan đã lập, sử dụng các hội nhóm trên ứng dụng Zalo, Telegram bàn bạc, trao đổi về cổ phiếu sau đó hô hào, đưa ra ý kiến về giao dịch nhiều mã cổ phiếu. Trong số này có đề cập đến mã CMS nhằm định hướng quyết định mua bán của các nhà đầu tư.
Minh lập nhóm chat “Nội bộ anh em KTC” (trên ứng dụng Zalo và Telegram) để truyền đạt các nội dung cụ thể cho từng người đăng tải các thông tin lên hội nhóm.
Minh chỉ đạo các admin hoặc phó nhóm “kích” (đẩy) ra khỏi nhóm các thành viên nhắn tin đưa thông tin bất lợi, tiêu cực cản trở quá trình đẩy giá cổ phiếu CMS của mình.
Tháng 9/2023, Minh và các đối tượng liên quan đã bán ra lượng lớn cổ phiếu CMS để thu lợi bất chính, khiến nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại.
Để mua vào, nắm giữ cổ phiếu, cũng như để "gánh" giả mã CMS trong thời gian thao túng, nhóm người do Minh cầm đầu đã sử dụng nhiều tài khoản chứng khoán mua - bán mã CMS.
Ủy ban chứng khoán Nhà nước xác định các tài khoản này trong thời gian từ tháng 5/2023 đến tháng 10/2023 mua vào, bán ra lượng lớn cổ phiếu CMS chiếm tỷ trọng cao, khối lượng lớn trên toàn thị trường, chạm ngưỡng cảnh báo giao dịch đáng ngờ.
Kết quả xác minh, tra soát tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng bước đầu xác định: Trong giai đoạn từ 4/5/2023 đến 31/10/2023, các đối tượng đã câu kết, lôi kéo để thao túng mã CMS, bán thu lời hơn 10 tỷ đồng.
Trong đó riêng tài khoản chứng khoán của cá nhân đối tượng Trần Bình Minh thu lời từ hoạt động giao dịch cổ phiếu CMS là hơn 5,5 tỷ đồng (tạm tính, chưa trừ thuế, phí).
Công an TP Hà Nội đang mở rộng điều tra vụ án, làm rõ vai trò của các đối tượng khác có liên quan, đồng thời cũng khuyến cáo các nhà đầu tư cần chủ động nghiên cứu kỹ thông tin về cổ phiếu, tình hình hoạt động, tài chính của doanh nghiệp niêm yết để lựa chọn đầu tư phù hợp, tránh mắc bẫy của những đối tượng lừa đảo.
Bị can Nguyễn Khánh Toàn.
Giở "trò mèo" cuối phiên (ATC)
Còn nhớ tháng 6/2024 Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Khánh Toàn (SN 1979, trú tại KĐT Vinhomes Riverside, quận Long Biên, Hà Nội) về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán".
Quá trình điều tra, Cơ quan Công an xác định, từ tháng 3 đến tháng 12/2021, Toàn đã chỉ đạo các nhân viên Công ty chứng khoán Trí Việt sử dụng 20 tài khoản chứng khoán đứng tên của nhiều người khác nhau để liên tục mua, bán cổ phiếu mã chứng khoán KDM (Mã chứng khoán của Công ty CP Tổng Công ty Phát triển Khu đô thị Dân cư mới; nay đối tên là Công ty CP Tập đoàn GCL), tạo ra cung, cầu giả tạo; liên tục đặt lệnh mua cổ phiếu KDM với khối lượng chi phối vào thời điểm đóng cửa thị trường tạo ra mức giá đóng cửa mới (giá ATC) cho cổ phiếu KDM, thao túng giá của cổ phiếu KDM trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 12/2021. Thông qua hành vi phạm tội, tính đến thời điểm này, Toàn cùng đồng bọn đã thu lợi bất chính hơn 9,8 tỷ đồng.
Hành vi phạm tội của các đối tượng đã làm cho giá của cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp, gây ra sự bất công cho các nhà đầu tư trên thị trường; ảnh hưởng đến tính công bằng, minh bạch của thị trường chứng khoán; làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Được biết ông Nguyễn Khánh Toàn sinh năm 1979, từng công tác tại Sở Công thương Hà Nội (2004 – 2008) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (2009 – 2017). Ông Nguyễn Khánh Toàn còn từng là Chủ tịch của hai công ty trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Lần đầu tiên ông Nguyễn Khánh Toàn trở thành Chủ tịch của một doanh nghiệp trên sàn chứng khoán là vào năm 2017. Cụ thể, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 do Công ty CP Nông nghiệp xanh Hưng Việt (UPCoM: HVA) tổ chức cuối tháng 7/2017, ông Nguyễn Khánh Toàn được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc.
Ít ngày sau, Nông nghiệp xanh Hưng Việt đổi tên thành Công ty CP Đầu tư HVA. Cùng với đó, công ty này cũng quyết định thay đổi ngành nghề kinh doanh từ chăn nuôi, trồng trọt sang đầu tư và tư vấn tài chính.
Đến cuối năm 2017, bà Mai Lệ Huyền (vợ ông Nguyễn Khánh Toàn) nắm giữ 2,6% vốn HVA. Kể từ thời điểm đó, bên cạnh sự thay đổi về cấu trúc cổ đông, ban lãnh đạo cũng như chiến lược kinh doanh, cổ phiếu HVA nổi sóng.
Theo đó, giá cổ phiếu HVA từ loanh quanh 2.000 đồng/cp đến từ cuối năm 2017 tăng lên gấp 4 lần, đạt mức đỉnh 8.600 ngày 11/1/2018 với chuỗi 10 phiên trần. Nhịp tăng này được xúc tác bằng thông tin "hot" khi Công ty tuyên bố tiến sâu hơn vào thị trường tiền số.
Ngày 1/1/2018, HVA công bố khai trương cổng thông tin khởi nghiệp và gọi vốn cộng đồng FundGo. Kể từ đây, HVA sẽ hoàn toàn "lột xác", hướng tới hoạt động theo mô hình ngân hàng đầu tư, các lĩnh vực kinh doanh chính bao gồm: Đầu tư vào sản xuất nước giải khát, công nghệ thông tin, hạ tầng bán lẻ nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản, sản xuất thiết bị tự động.
Mục tiêu được ông Nguyễn Khánh Toàn và ban lãnh đạo HVA đưa ra đầy tham vọng là huy động 1.000 tỷ đồng cho dự án này thông qua ICO (phát hành tiền điện tử ra công chúng) năm 2018.
Nếu ICO hoàn tất, HVA sẽ thu lợi nhuận dựa trên hai nguồn, gồm vai trò chủ thể tham gia trên thị trường cho vay và vai trò trung gian kết nối giữa người cho vay - đi vay và thu phí cho quá trình này. Thậm chí, lãnh đạo HVA từng chia sẻ với cổ đông rằng, năm 2019 sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE và cổ phiếu là một bluechip hàng đầu thị trường.
Nhưng hoạt động của HVA không mấy khởi sắc trước khi đổi chủ về nhóm cổ đông liên quan ông Vương Lê Vĩnh Nhân giữa tháng 5/2020. Ngày 30/6/2020, ông Nguyễn Khánh Toàn bị miễn nhiệm thành viên hội đồng quản trị HVA.