"Việt Nam cần chiến lược dài hạn, sản phẩm chất lượng và mô hình bền vững thay vì chiêu trò ngắn hạn để đạt mục tiêu 10 kỳ lân" - nhận định của bà Lynn Hoàng, Giám đốc quốc gia Binance.
Mục tiêu đạt 10 startup kỳ lân (unicorns) vào năm 2030 đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, các chuyên gia cho rằng cách tiếp cận dựa vào chiêu trò khuyến mãi hoặc ưu đãi ngắn hạn không thể tạo nên thành công bền vững.
Hành trình để Việt Nam chạm đến 10 kỳ lân công nghệ
Để hiện thực hóa mục tiêu 10 kỳ lân công nghệ, các chuyên gia nhấn mạnh rằng giá trị cốt lõi của sản phẩm cần được đặt lên hàng đầu. Việc chạy theo các chiêu trò tiếp thị ngắn hạn không chỉ làm mất lòng tin người dùng mà còn gây khó khăn cho sự phát triển dài hạn của doanh nghiệp.
Theo bà Lynn Hoàng, Giám đốc quốc gia Binance, doanh nghiệp cần tập trung vào việc giải quyết các vấn đề thực tế của thị trường. Chỉ những sản phẩm mang lại giá trị thực sự mới có thể xây dựng lòng tin bền vững từ người dùng. Điều này đòi hỏi các công ty phải minh bạch trong hoạt động và đầu tư vào giáo dục người dùng để tránh các rủi ro như lừa đảo tài chính.
Ngoài ra, việc hỗ trợ từ gốc rễ, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cũng được xem là yếu tố quan trọng để tạo ra động lực phát triển cho hệ sinh thái FinTech. Bà Lê Lan Chi, CEO của Zalopay, cho rằng, SME là lực lượng nòng cốt, chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế Việt Nam.
Lê Lan Chi (bên trái), CEO của Zalopay chia sẻ tại sự kiện Vietnam Technology Impact Summit 2024. Ảnh: BTC
Việc cung cấp các giải pháp tài chính dễ tiếp cận và chi phí thấp sẽ giúp nhóm doanh nghiệp này tăng trưởng, từ đó đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự ra đời của các startup kỳ lân.“Thanh toán nhanh hơn, chi phí thấp hơn và khả năng tiếp cận vốn dễ dàng là những yếu tố thiết yếu để hỗ trợ SME – nhóm khách hàng quan trọng nhất trong hành trình xây dựng các sản phẩm FinTech tại Việt Nam,” bà Chi chia sẻ.
Cánh cửa đưa Việt Nam chạm đến giấc mơ kỳ lân công nghệ
Thị trường FinTech toàn cầu đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ với quy mô đạt khoảng 310 tỷ USD vào cuối năm 2023 và dự kiến tăng trưởng 25-30% mỗi năm trong thập kỷ tới. Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, các chuyên gia tại Vietnam Tech Impact Summit 2024 đều đồng thuận rằng, FinTech là lĩnh vực có tiềm năng lớn nhất để Việt Nam sản sinh ra các startup kỳ lân.
Với sự phát triển nhanh chóng của thanh toán không tiền mặt, công nghệ blockchain và thói quen tiêu dùng số hóa ngày càng phổ biến, FinTech đang trở thành trụ cột của nền kinh tế số và là cánh cửa mở ra tương lai cho các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam.
Theo ông Giang Nguyễn, Nhà sáng lập DNSE, Việt Nam có tốc độ thích nghi nhanh với công nghệ mới như QR code và eKYC. Những công cụ này không chỉ giúp người dùng dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính mà còn tạo ra nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp FinTech phát triển.
Ông chia sẻ: “Hành lang pháp lý là yếu tố quyết định. FinTech đang đi nhanh hơn luật pháp, và điều này cản trở các công ty trong việc mở rộng dịch vụ. Để ngành này thực sự bứt phá, cần có khung pháp lý linh hoạt và rõ ràng hơn để bảo vệ người dùng và thúc đẩy đổi mới.”
Mở rộng ý kiến của ông Giang về Fintech, bà Hằng Lê, Giám đốc chiến lược của SSI, nhấn mạnh rằng, FinTech không chỉ là một lĩnh vực kinh doanh, mà còn đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bà nhận định: "Từ góc độ thị trường tài chính, FinTech mang lại lợi ích lớn trong việc mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là nhóm cần được hỗ trợ để không chỉ trở thành động lực cho nền kinh tế, mà còn là những đối tác chính của các startup kỳ lân trong hệ sinh thái FinTech.”
Bà Hằng Lê - Giám đốc chiến lược của SSI chia sẻ tại sự kiện Vietnam Technology Impact Summit 2024. Ảnh: BTC
Ngoài ra, bà Hằng cũng chỉ ra rằng, FinTech có thể đóng vai trò cầu nối để thúc đẩy dòng vốn từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam. Sự kết hợp giữa công nghệ tài chính hiện đại và một hệ thống pháp lý thuận lợi sẽ giúp tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tương lai kỳ lân Việt Nam được xây dựng từ đâu?
Các công nghệ đột phá như AI và blockchain đang trở thành những công cụ chủ lực giúp các startup công nghệ tại Việt Nam vươn xa. Đây không chỉ là phương tiện hỗ trợ vận hành mà còn là nền tảng để xây dựng các sản phẩm tài chính sáng tạo, từ đó tạo nên lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
AI, với khả năng phân tích dữ liệu và cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, được xem là trợ thủ đắc lực cho các doanh nghiệp FinTech.
Ông Giang Nguyễn chia sẻ rằng, DNSE đang triển khai các công cụ AI để tối ưu hóa quy trình giao dịch và hỗ trợ nhà đầu tư đưa ra quyết định tài chính hiệu quả hơn. AI không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời xây dựng lòng tin bền vững từ khách hàng.
Ông Giang Nguyễn (ngoài cùng bên trái) - Nhà sáng lập DNSE chia sẻ tại sự kiện Vietnam Technology Impact Summit 2024. Ảnh: BTC
Trong khi đó, blockchain được đánh giá cao với khả năng minh bạch hóa và xử lý giao dịch xuyên biên giới một cách nhanh chóng, chi phí thấp. Bà Lê Lan Chi từ Zalopay cho biết, blockchain có thể thay đổi hoàn toàn cục diện thanh toán quốc tế, giúp các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường toàn cầu hơn.“Hiện tại, thanh toán xuyên biên giới vẫn tốn kém và mất nhiều thời gian. Blockchain có thể giảm đáng kể chi phí này, giúp các doanh nghiệp nhận thanh toán chỉ trong vài giây thay vì vài ngày,” bà Chi nhấn mạnh.
Ngoài ra, blockchain cũng mở ra cơ hội phát triển các sản phẩm tài chính phi tập trung (DeFi) như ngân hàng tiền điện tử hoặc các giao thức cho vay, mang lại sự đa dạng và linh hoạt cho hệ sinh thái FinTech tại Việt Nam.
Để đạt mục tiêu 10 startup kỳ lân vào năm 2030, Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận, tập trung vào giá trị thực tiễn và tận dụng triệt để các công nghệ tiên tiến như AI và blockchain.
Việc xây dựng lòng tin từ người dùng, đầu tư vào các ngành trọng điểm như FinTech, và cải thiện hành lang pháp lý sẽ là chìa khóa để mở ra một kỷ nguyên mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Tương lai của các kỳ lân công nghệ không chỉ phụ thuộc vào sự sáng tạo của doanh nghiệp mà còn vào khả năng phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, nhà đầu tư và toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp. Đây không chỉ là tham vọng mà còn là trách nhiệm để Việt Nam tiến xa trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Công Hiếu