Mặc dù triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của HSG khá tích cực nhưng các chỉ số P/E và EV/EBITDA dự phóng cho năm 2025 đang ở mức khá cao.
Hoa Sen ghi nhận lỗ trong quý cuối niên độ tài chính 2024.
Trong báo cáo phân tích phát hành ngày 11/12, SSI cho biết, Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) ghi nhận khoản lỗ ròng 186 tỷ đồng trong quý 4 niên độ tài chính 2024 (niên độ tài chính của HSG từ 1/10 năm trước đến 30/9 năm sau), trái ngược với lợi nhuận dương 438 tỷ đồng trong cùng kỳ niên độ 2023 và 273 tỷ đồng trong quý 3 liền trước; cũng thấp hơn ước tính của SSI.
Sản lượng tiêu thụ của công ty duy trì đà tăng mạnh trong quý 4 vừa qua. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thép tăng 27,9% so với cùng kỳ lên 499.000 tấn, cao hơn mức tăng 25% của toàn ngành. Sản lượng xuất khẩu và nội địa đều duy trì đà tăng mạnh nhờ ghi nhận sản lượng thấp trong cùng kỳ năm trước, với mức tăng lần lượt là 32,4% và 24,2%, đạt 237.000 tấn và 262.000 tấn. Điều này tương đương công suất hoạt động đạt 83%, so với 64% trong quý 4 niên độ tài chính 2023. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này đang cho thấy sự chậm lại so với mức tăng 40% trong 9 tháng đầu năm tài chính 2024.
Lợi nhuận ròng của HSG trong quý 4 giảm chủ yếu do biên lợi nhuận gộp thu hẹp còn 8,4%, từ 13,2% trong cùng kỳ và 12,3% trong quý 3 liền trước, do giá bán bình quân giảm và trích lập dự phòng hàng tồn kho tăng.
Lũy kế niên độ tài chính 2024, HSG đạt 510 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 17 lần so với mức thấp trong niên độ trước và cao hơn kế hoạch đặt ra là 400-500 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận có thể phục hồi trong quý tới
SSI kỳ vọng nhu cầu nội địa sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2025 nhờ thu nhập người tiêu dùng và giải ngân đầu tư công cùng phục hồi.
Về nhu cầu xuất khẩu, theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi 1,2% vào năm 2025 sau khi giảm nhẹ 0,9% vào năm 2024. Nhu cầu từ các thị trường châu Âu, Mỹ và ASEAN dự kiến sẽ tăng lần lượt 3,5%, 2% và 3,5% lên tổng cộng 309 triệu tấn trong năm tới, nhờ việc nới lỏng các chính sách tiền tệ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đơn vị phân tích lưu ý rằng ước tính nhu cầu năm 2024 đã được điều chỉnh giảm 2,5% so với dự báo trước đó.
Ngoài ra, xuất khẩu thép có thể đối mặt với nhiều áp lực hơn từ chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới. Một trường hợp đáng chú ý là cuộc điều tra chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ đối với thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ Việt Nam, cùng với 9 quốc gia khác. Sản lượng nhập khẩu từ Việt Nam lần lượt là 548,9 nghìn tấn, 579,4 nghìn tấn và 242 nghìn tấn trong các năm 2021, 2022 và 2023. Thị trường Mỹ chiếm 14,4% sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024, thấp hơn tỷ trọng của thị trường châu Âu (22,4%) và ASEAN (25,2%).
SSI cho rằng biên lợi nhuận của HSG có thể phục hồi trong quý tới nhờ giá thép ổn định và đồng USD tăng giá. Giá thép đã phục hồi hơn 10% từ mức đáy vào tháng 9 nhờ thông báo của Trung Quốc về một số biện pháp kích thích hỗ trợ nền kinh tế và thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, cạnh tranh có thể gia tăng trong trung hạn do các các doanh nghiệp sản xuất tăng cường công suất hoạt động. Thép Việt Pháp gần đây đã khởi công nhà máy tôn mạ thứ hai vào tháng 11 với vốn đầu tư 45 triệu USD và công suất 350.000 tấn/năm. Thép Nam Kim (NKG) và Tôn Đông Á (GDA) cũng đang có kế hoạch mở rộng công suất thêm khoảng 800.000 tấn/năm. Tổng công suất của các dự án mới này có thể tăng thêm khoảng 14% tổng công suất nội địa hiện tại.
Lợi nhuận ròng năm 2025 dự kiến tăng 37%
SSI ước tính sản lượng tiêu thụ của HSG trong niên độ 2025 sẽ tăng 2% so với cùng kỳ lên 2 triệu tấn, được thúc đẩy bởi sản lượng nội địa tăng 9%. Mặt khác, kênh xuất khẩu có thể đi ngang sau khi tăng mạnh 51% trong niên độ 2024, do cạnh tranh từ Trung Quốc và rủi ro các thị trường xuất khẩu có thể áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ hơn đối với sản phẩm của Việt Nam.
Đơn vị phân tích cũng kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của công ty có thể cải thiện lên 11,6% trong năm 2025 so với 10,7% trong năm 2024, nhờ giá thép ổn định hơn và tỷ trọng đóng góp từ kênh nội địa tăng (kênh nội địa thường có biên lợi nhuận cao hơn). Theo đó, lợi nhuận ròng dự kiến sẽ tăng 37% so với cùng kỳ lên 699 tỷ đồng (điều chỉnh giảm 22% so với báo cáo trước đó do kết quả quý 4 niên độ 2024 thấp hơn dự kiến).
Mặc dù tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của Hoa Sen khá tích cực trong quý tới và niên độ 2025 nhưng theo SSI, điều này đã được phản ánh vào giá cổ phiếu, khi P/E và EV/EBITDA dự phóng năm 2025 vẫn ở mức cao, lần lượt là 16,6x và 7,1x.