Doanh nghiệp thép 37 năm hình thành và phát triển – Thép SMC có nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc vì lỗ 3 năm liên tiếp. Công ty còn khoản nợ xấu gần 1.300 tỷ đồng, gấp 1,7 lần vốn điều lệ.
Thép
Lỗ năm thứ 3 liên tiếp, đối diện nguy cơ hủy niêm yết
Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã: SMC) công bố BCTC hợp nhất quý IV/2024 với kết quả không khả quan. Doanh thu công ty tiếp tục giảm sâu về 2.177 tỷ đồng, bằng 1/3 cùng kỳ năm trước. Giá vốn cao hơn, Thép SMC bị lỗ gộp 9 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính giảm từ 50,7 tỷ về 7,9 tỷ đồng, chi phí tài chính cũng giảm từ 159 tỷ về 65,7 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm từ 57 tỷ về 21 tỷ đồng, chi phí quản lý giảm phân nửa xuống 146 tỷ đồng. Dù vậy, công ty tiếp tục báo lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ 291,5 tỷ đồng.
Việc lỗ đậm quý cuối năm đã khiến công ty ghi nhận lỗ 270 tỷ đồng cả năm. Dù giảm lỗ đáng kể so với mức 885 tỷ năm 2023 nhưng đây đã là năm thứ 3 liên tiếp Thép SMC thua lỗ. Nếu kết quả kiểm toán không có sự thay đổi, cổ phiếu SMC sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn chứng khoán HoSE.
Doanh nghiệp cho biết trong năm 2024 đã nghiêm túc thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện tình hình và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thanh lý tài sản và các khoản đầu tư tài chính, bám sát diễn biến tình hình vĩ mô và ngành thép để có chiến lược kinh doanh phù hợp, tích cực và quyết liệt xử lý các khoản công nợ.
Tuy nhiên, thị trường thép trong và ngoài nước còn quá nhiều khó khăn, giá thép và nhu cầu tiêu thụ liên tục giảm mạnh, trong nước ngành bất động sản chưa thực sự ổn định nên ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nợ xấu gần 1.300 tỷ đồng
Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC là doanh nghiệp thép lớn tại khu vực phía Nam với 37 năm hình hành và phát triển. Công ty hoạt động ở cả 3 mảng gồm phân phối, gia công và sản xuất kinh doanh thép. Doanh thu công ty giai đoạn trước không hề kém cạnh các doanh nghiệp thép có thị phần lớn như Thép Nam Kim (mã: NKG) và Tôn Đông Á (mã: GDA), có năm cán mốc tỷ USD.
Giai đoạn 2019 – 2021, nhận thấy xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc, Thép SMC đã tăng tốc đầu tư các nhà máy gia công để đón đầu, tham vọng gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Song, dịch bệnh covid bùng nổ, bối cảnh ngành thép đi xuống giai đoạn 2022 – 2023 và các khoản công nợ chậm luân chuyển đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh của Thép SMC.
Tại cuối năm 2024, nợ xấu của công ty vẫn ở mức cao 1.289 tỷ đồng, tương đương gần 29% tổng tài sản và gấp 1,7 lần vốn góp của chủ sở hữu; đã trích lập 663 tỷ đồng. Các đối tượng có công nợ lớn với doanh nghiệp có thể kể đến như Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận (441 tỷ), Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley (169,2 tỷ), Công ty TNHH The Forest City (131,5 tỷ) – những doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Novaland (mã: NVL).
Trong năm qua, doanh nghiệp đã tích cực thanh lý các khoản đầu tư tài chính và tài sản để có dòng tiền hoạt động như khoản đầu tư vào cổ phiếu Thép Pomina (mã: POM), Thép Nam Kim (mã: NKG), tòa nhà văn phòng tại Bình Thạnh – TP. HCM, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Công ty TNHH MTV SMC Đà Nẵng, bán khoản nợ…
Bên cạnh đó, công ty cũng chấp nhận chuyển các khoản nợ thành cổ phiếu hay bất động sản để cấn trừ. Như, Thép SMC chấp nhận chuyển công nợ với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) thành cổ phiếu. Song, do cổ phiếu HBC giảm sâu năm 2024 nên công ty đang phải dự phòng 49,5 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.
Các hoạt động trên đã giúp nợ phải trả của doanh nghiệp giảm được 1.381 tỷ đồng xuống 4.000 tỷ đồng, riêng nợ vay giảm được 627 tỷ đồng. Tại cuối năm, công ty có 503 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tuy nhiên, tiền vào khoản tương đương tiền giảm đáng kể từ 570 tỷ về 145 tỷ đồng.
Thép SMC cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp về kinh doanh, thu hồi nợ đọng và xem xét tái cấu trúc doanh nghiệp trong thời gian tới để đem lại hiệu quả hoạt động kinh doanh. Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ 620.000 tấn thép các loại và lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng.