Chứng khoán Mỹ có phần cân bằng trở lại sau phiên giảm điểm mạnh trước tín hiệu “diều hâu” của Fed.
Theo đó, chốt phiên giao dịch 19/12, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng nhẹ 15,37 điểm, tương ứng với 0,04%, lên 42.342,24 điểm, khép lại chuỗi giảm điểm dài nhất kể từ năm 1974. Chỉ số S&P 500 giảm 0,09% xuống 5.867,08 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,1% xuống 19.372,77 điểm.
Cả ba chỉ số đều hồi phục mạnh mẽ trong đầu phiên nhưng dần thu hẹp mức tăng. Có thời điểm chỉ số Dow Jones có thêm 460 điểm trong khi S&P 500 bật nhảy hơn 1%.
Thị trường chứng khoán phần nào chịu tác động tiêu cực từ đà tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ với lợi suất kỳ hạn 10 năm có phiên đi lên thứ hai liên tiếp, vượt mốc 4,5%. Trước đó một phiên, chỉ số này cũng đã có một bước nhảy lên tới hơn 13 điểm cơ bản trước thông điệp cứng rắn của Fed.
Dù có lần giảm lãi suất lần thứ ba liên tiếp trong năm nay, Fed lại đưa ra dự báo chỉ làm điều này hai lần trong năm sau, thấp hơn một nửa so với nhận định cách đây ba tháng. Đây không khác gì một “gáo nước lạnh” dội vào kỳ vọng của nhà đầu tư, kích hoạt hành vi bán tháo cổ phiếu trên thị trường. Dow Jones vì thế giảm hơn 1.100 điểm trong khi S&P 500 giảm gần 3%.
Mức độ biến động trên thị trường đã giảm bớt sau phiên giao dịch “kinh hoàng” đó với chỉ số Cboe Volatility Index suy yếu gần 13% xuống còn 24 điểm. “Thước đo nỗi sợ” của phố Wall trong phiên trước có lúc chạm mốc 28,27 điểm, thể hiện sự lo lắng tột độ của nhà đầu tư trước triển vọng lãi suất tương lai.
Trước khi phiên họp cuối cùng của năm 2024 diễn ra, phố Wall đặt cược rằng Fed sẽ tiếp tục thực hiện cắt giảm lãi suất quyết liệt trong năm 2025. Nhưng với tín hiệu được phát đi, nhà đầu tư có thể sẽ phải định hình lại kỳ vọng.
“Tôi nghĩ rằng hiện tượng điều chỉnh sẽ tồn tại trong một thời gian nữa”, Paul Meeks, Giám đốc đầu tư tại Harvest Portfolio Management, nhận định.