Quý III/2024, trước tín hiệu phục hồi mạnh mẽ từ thị trường, nhiều doanh nghiệp thủy sản ghi nhận kết quả kinh doanh cải thiện, thậm chí có công ty đã thoát lỗ.
Đến hết tháng 10, xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt trên 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên sau 27 tháng (kể từ tháng 6/2022), xuất khẩu thủy sản theo tháng trở lại mốc 1 tỷ USD, đánh dấu bước phục hồi quan trọng cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 8,33 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Trong bối cảnh thị trường chuyển biến tích cực này, tôm và cá tra được đánh giá là hai mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong năm nay.
Quý III/2024, trước tín hiệu phục hồi mạnh mẽ từ thị trường, nhiều doanh nghiệp thủy sản ghi nhận kết quả kinh doanh cải thiện, thậm chí có công ty đã thoát lỗ.
Đến cuối tháng 10/2024, xuất khẩu tôm đã đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 13%, trong khi cá tra đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 10%. Chỉ tính riêng trong tháng 10, xuất khẩu hai sản phẩm này đã có sự bứt phá mạnh mẽ, với mức tăng lần lượt là 26% và 24%, vượt xa so với cá ngừ và mực bạch tuộc.
Trước những tín hiệu phục hồi rõ rệt của thị trường, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã ghi nhận sự cải thiện trong sản xuất kinh doanh, với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng khả quan. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn đối mặt với một số thách thức trong quý III/2024, nổi bật là chi phí vận chuyển gia tăng đáng kể.
Nhóm cá tra doanh thu tăng vọt
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 với bức tranh tài chính có nhiều cải thiện.
Theo đó, trong kỳ công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.278 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Dù giá vốn hàng bán tăng nhưng chậm hơn mức tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp ghi nhận tăng gấp đôi lên 578 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, ngoại trừ chi phí quản lý được tiết giảm nhẹ, các khoản còn lại đều phát sinh mạnh. Trong đó, chi phí tài chính đạt 80,9 tỷ đồng, chi phí bán hàng đạt 89 tỷ đồng; tăng lần lượt 79% và 56% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy nhưng sau khi trừ các chi phí, Vĩnh Hoàn báo lãi 341 tỷ đồng tăng 70% so với quý III/2023; đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong 4 quý trở lại đây của công ty.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần công ty đạt 9.329 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Trong đó, đóng góp doanh thu bán thành phẩm và hàng hóa chiếm phần lớn cơ cấu với 7.740 tỷ đồng, tăng 24%. Sau thuế, công ty báo lãi 970 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Cùng chung xu hướng, Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico; HoSE: ANV) ghi nhận doanh thu 1.340 tỷ đồng trong quý III/2024, tăng 22% so với cùng kỳ. Trong đó, 68% doanh thu đến từ thị trường nước ngoài.
Ở chiều ngược lại, chi phí bán hàng cũng tăng 2,2 lần, lên 82 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng gấp 3 lần, đạt 59 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 25% lên hơn 20 tỷ đồng, trong khi công ty còn ghi nhận khoản lỗ khác gần 8 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Navico báo lãi sau thuế gần 28 tỷ đồng, tăng tới hơn 27 lần so với mức 1 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm trước.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, công ty cho biết, lợi nhuận tăng chủ yếu nhờ doanh thu cao hơn do sản lượng tăng, trong khi chi phí bán hàng cũng chịu áp lực từ các cuộc xung đột quốc tế khiến giá cước tàu tăng cao.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Navico ghi nhận doanh thu thuần 3.550 tỷ đồng, tăng 7%. Lợi nhuận sau thuế đạt 42 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ.
Năm 2024, Nam Việt đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 360 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá tra này đã hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu và 18% chỉ tiêu về lợi nhuận.
Doanh nghiệp ngành tôm lãi đậm
Nổi bật trong ngành tôm, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) có kết quả kinh doanh đảo chiều so với số lỗ cùng kỳ năm trước. Theo đó, quý III/2024 công ty đạt 2.700 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 35% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong kỳ công ty ghi nhận doanh thu tài chính tăng gấp gần 32 lần cùng kỳ, lên 319 tỷ đồng. Nguyên nhân do Minh Phú nhận được khoản cổ tức từ công ty con.
Mức cổ tức lớn nhất công ty nhận được đến từ Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang với 270 tỷ đồng, tiếp đến là Công ty TNHH MTV Chuỗi cung ứng Thủy sản Minh Phú với 27 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Minh Phú báo lãi sau thuế 198 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với số lỗ ghi nhận vào cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, đây là đỉnh lợi nhuận của công ty trong 7 quý trở lại đây.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, Minh Phú ghi nhận doanh thu đạt 6.207 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 135 tỷ đồng gấp 19 lần cùng kỳ.
Còn tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), doanh thu thuần của công ty trong quý đạt 2.845 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý ghi nhận mức doanh thu kỷ lục của Thực phẩm Sao Ta.
Dù giá vốn hàng bán tăng nhưng chậm hơn biên độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp của công ty tăng 66%, lên 307 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Sao Ta được biết đến là doanh nghiệp chú trọng chính sách "thắt lưng buộc bụng", nên dù trong hoàn cảnh toàn ngành thủy sản khó khăn, công ty vẫn có lãi tăng trưởng nhờ tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, quý III/2024 năm nay lại ngược lại.
Cụ thể, các khoản chi phí đều phát sinh so với cùng kỳ. Đáng nói là chi phí bán hàng của công ty tăng tới 2,7 lần, chạm mức 168 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, công ty cũng trích lập thêm khoản chi phí thuế chống trợ cấp trị giá 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không ghi nhận.
Chính vì gánh nặng trên mà dù doanh thu kỷ lục, Sao Ta vẫn chỉ báo lãi tăng nhẹ 6%, lên 94,8 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Sao Ta đạt 5.548 tỷ đồng, tăng 44%. Sau thuế, công ty báo lãi 235 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.