Theo công bố của Tổng Công ty khí Việt Nam (PV GAS), năm 2024, "ông lớn" họ dầu khí lãi khủng hơn nửa tỷ USD nhờ kinh doanh các dòng khí hóa lỏng như khí tự nhiên, khí dầu mỏ và khí ngưng tụ LNG, LPG và Condensate. Tuy nhiên, năm 2025 PV GAS cảnh báo có thể đối diện với khó khăn "chưa từng có".
Tuy nhiên, Tổng Công ty này cũng cảnh báo năm 2025 nhu cầu tiêu thụ khí phục vụ sản xuất điện và công nghiệp rất thiếu ổn định. Dự đoán ngành khí Việt Nam sẽ phải đối diện với những khó khăn thách thức chưa từng có. Cụ thể như nguồn cung khí nội địa tiếp tục giảm mạnh trong bối cảnh các nguồn khí mới chưa sẵn sàng; các cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp khí chưa được hoàn thiện.
Dự kiến doanh thu 4,2 tỷ USD, lợi nhuận trước thuế hơn 520 triệu USD
Về doanh thu và lợi nhuận, báo cáo của PV GAS cho biết, dự kiến trong năm 2024 PV GAS hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu, trong đó kinh doanh LPG đạt sản lượng kỷ lục gần 7 tỷ m3; khí sản xuất và cung cấp trên 6,4 tỷ m3, bằng 102% kế hoạch.
Hiện, PV GAS là doanh nghiệp cung ứng lượng lớn các dòng khí tự nhiên, thiên nhiên hóa lỏng ở Việt Nam, dù có doanh thu và lợi nhuận lớn, song thách thức doanh nghiệp này trong năm 2025 sẽ rất lớn do nguồn cung giảm, cơ chế chính sách chậm hoàn thiện và đặc biệt các dự án điện khí đang chờ cơ chế LNG để xây dựng và triển khai (Ảnh: PVN).
Khí ngưng tụ - Condensate sản phẩm có giá trị cao được sản xuất và tiêu thụ trên 76 nghìn tấn, sản xuất LPG đạt 392 nghìn tấn, kinh doanh LPG đạt gần 3,1 triệu tấn, bằng 166% kế hoạch, tăng 25% so với năm 2023, chiếm 70% thị phần LPG toàn quốc; trong đó kinh doanh LPG quốc tế đạt sản lượng gần 1,5 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay và tăng 68% so với năm 2023.
Về doanh thu, PV GAS dự kiến năm 2024 đạt gần 130.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023, chiếm gần 13% doanh thu toàn PVN. Doanh thu hợp nhất năm 2024 có thể đạt mốc gần 105 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,2 tỷ USD), tăng 14% so với năm trước.
Lợi nhuận trước thuế năm 2024 của PV GAS ước đạt trên 13.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 520 triệu USD), bằng 182% kế hoạch, chiếm gần 25% lợi nhuận của PVN, nộp ngân sách trên 6 nghìn tỷ đồng, bằng 161% kế hoạch.
Thực tế, doanh thu và lợi nhuận của ngành khí Việt Nam có thể cao hơn nếu các cơ chế chính sách cho ngành này được sớm tháo gỡ và luật hóa. Cụ thể, một trong số chính sách đó là cơ chế bao tiêu về khối lượng, cơ chế chuyển ngang giá LNG sang giá điện và các quy định liên quan đến chi phí cước phí cho nhập khẩu khí LNG và bán lại cho các đối tác khác.
Hiện, theo Quyết định 500/QĐ-TTg của Thủ tướng về danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện, Việt Nam có khoảng 13 dự án điện khí hóa lỏng LNG. Sản lượng dự kiến đến năm 2030 sẽ có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước.
Tại dự thảo Nghị định cơ chế phát triển các dự án điện dùng khí thiên nhiên, khí hóa lỏng (LNG) được đưa ra tháng 4/2024, Bộ Công Thương đưa ra đề xuất liên quan đến bao tiêu sản phẩm, dọn cơ chế phát triển cho ngành khí của Việt Nam.
Bộ Công Thương đề xuất cho EVN cam kết bao tiêu điện khí LNG tối thiểu 70%, tối đa 7 năm để đảm bảo dự án khả thi, tránh tác động tới giá bán lẻ.
Tuy nhiên, hiện Nghị định này vẫn chưa thông qua, đang chờ thời hạn hiệu lực của Luật Điện lực chính thức có hiệu lực vào tháng 01/02/2025.
Chính vì chưa có quy định về bao tiêu sản lượng điện đối với điện khí LNG và cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện của các nhà máy điện khí LNG nên các doanh nghiệp khí như PV GAS, PV Power đều khó khăn và vướng mắc trong cơ chế đàm phán với các đối tác về lượng khí nhập khẩu cũng như khai thác trong nước. Bên cạnh đó, nhiều dự án đang chưa được triển khai, gây lãng phí nguồn lực xã hội và có thể tác động trực tiếp đến Quy hoạch điện VIII vừa ban hành.
Hiện mới chỉ có nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 (Đồng Nai) ở giai đoạn hoàn thiện, còn nhiều siêu dự án tỉ USD khác vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị khởi công.
An Linh