QTP đạt hiệu quả kinh doanh quý 3 mạnh nhất trong số các nhà máy nhiệt điện than tại miền Bắc, trong khi PPC và HND đều báo cáo lỗ.
PPC và HND: Kết quả kinh doanh quý 3/2024 kém khả quan
CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024 với doanh thu đạt 1,5 nghìn tỷ đồng (tăng 10% so cùng kỳ) nhưng ghi nhận 5 tỷ đồng lỗ ròng (so mức lãi 84 tỷ đồng trong quý 3/2023).
Theo Chứng khoán Vietcap (VCSC), mức giảm trong lợi nhuận ròng của PPC chủ yếu là do lỗ từ mảng sản xuất điện, khi (1) chi phí nguyên vật liệu trung bình tăng 11% so cùng kỳ do giá than hỗn hợp tăng và (2) giá trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) kém khả quan, cùng với việc giảm thành phần cố định trong hợp đồng mua bán điện (PPA) của Phả Lại 1.
Ngoài ra, thu nhập cổ tức giảm 74% so cùng kỳ, gây ảnh hưởng đến lãi ròng quý 3/2024 của PPC.
Trong 9 tháng đầu năm 2024 (9T 2024), doanh thu của PPC đạt 5,9 nghìn tỷ đồng (tăng 47% so cùng kỳ) và lãi ròng báo cáo đạt 246 tỷ đồng (giảm 14% so cùng kỳ).
VCSC ước tính lợi nhuận sau thuế từ mảng sản xuất điện đạt 88 tỷ đồng, phục hồi so với khoản lỗ 27 tỷ đồng trong 9T 2023, chủ yếu là do (1) sản lượng thương phẩm tăng 47% so cùng kỳ, được hỗ trợ bởi việc tái vận hành tổ máy S6, lấn át (2) chi phí nguyên vật liệu trung bình tăng 2% so cùng kỳ và (3) thành phần cố định của Phả Lại 1 giảm. Tuy nhiên, mức giảm 49% so cùng kỳ trong thu nhập cổ tức đã ảnh hưởng đến lãi ròng báo cáo.
Diễn biến này là do (1) các thành phần cố định từ Phả Lại 1 giảm so với dự kiến, (2) chi phí nguyên vật liệu cao hơn dự kiến do giá than tăng và (3) sản lượng sản xuất từ nhà máy Phả Lại 1 cao hơn dự kiến, dẫn đến tổn thất lớn hơn do tỷ lệ nhiệt cao hơn, đòi hỏi nhiều than hơn để tạo ra cùng một lượng điện, làm tăng chi phí nguyên vật liệu trung bình.
Trong 9T 2024, sản lượng thương phẩm của nhà máy Phả Lại 1 đạt 633 triệu kWh và sản lượng thương phẩm của nhà máy Phả Lại 2 đạt 2.550 triệu kWh.
CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND) lại lỗ ròng hơn 9 tỷ đồng trong quý 3/2024. Sản lượng điện quý 3 giảm đáng kể là nguyên nhân khiến chủ nhà máy nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận doanh thu kém, chỉ khoảng 2,3 ngàn tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ.
Thua lỗ quý 3 không ảnh hưởng quá nhiều khi HND đã vượt kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm, đặc biệt nhờ kết quả khả quan trong quý 2 và một phần do đặt mục tiêu thấp hơn so với thực hiện năm trước. Lũy kế 9 tháng, HND lãi ròng 422 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu 12%. Doanh thu 9 thángđạt 8,6 ngàn tỷ đồng, thực hiện 70% kế hoạch năm.
QTP: Lãi ròng quý 3/2024 gấp 6,5 lần cùng kỳ
CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) công bố KQKD quý 3/2024 với doanh thu 2,4 nghìn tỷ đồng (giảm 5% so cùng kỳ), trong khi lãi ròng đạt 76 tỷ đồng (gấp 6,5 lần cùng kỳ).
Theo VCSC, lãi ròng tăng mạnh là do (1) chi phí khấu hao giảm 37% so cùng kỳ và (2) chi phí bảo trì và chi phí khác giảm 31% so cùng kỳ, vượt trội so với (3) sản lượng giảm 16% so cùng kỳvà (4) chi phí nguyên vật liệu bình quân tăng 16% so cùng kỳdo giá than tăng.
Theo các chuyên gia trong ngành, mặc dù sản lượng điện thương phẩm giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng của bão Yagi vào tháng 9/2024, nhưng lợi nhuận đã được cải thiện do QTP cải thiện hiệu suất máy phát, dẫn đến suất hao nhiệt giảm, giúp giảm lượng than tiêu thụ để tạo ra cùng một lượng điện. Ngoài ra, chi phí tài chính giảm 89% so cùng kỳ, tiếp tục hỗ trợ lợi nhuận.
Trong 9T 2024, doanh thu QTP đạt 9 nghìn tỷ đồng (giảm 2% so cùng kỳ) và lãi ròng đạt 464 tỷ đồng (tăng 15% so cùng kỳ). Điều này chủ yếu là do (1) chi phí khấu hao giảm 35% so cùng kỳ và (2) chi phí tài chính giảm 71% so cùng kỳ, vượt trội so với (3) sản lượng giảm 4% so cùng kỳ và (4) chi phí nguyên vật liệu bình quân tăng 3%.
QTP đạt hiệu quả kinh doanh quý 3 mạnh nhất trong số các nhà máy nhiệt điện than tại miền Bắc, trong khi PPC và HND đều báo cáo lỗ. VCSC cho rằng thành công của QTP là nhờ các tuabin và máy phát điện hoạt động hiệu quả hơn, giúp giảm chi phí sản xuất để tạo ra lợi nhuận trên thị trường điện cạnh tranh (CGM).