PNJ bị cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng phạt hơn 1,3 tỷ đồng vì không chấp hành đúng các quy định về phòng chống rửa tiền.
Không chấp hành đúng quy định về phòng chống rửa tiền
Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) vừa thông báo về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Cụ thể, liên quan đến đợt thanh tra liên ngành của Chính phủ đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên toàn quốc từ ngày 23/5 - 10/9, PNJ đã nhận được Quyết định số 648/QĐ-XPHC ngày 02/10/2024 của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng với số tiền là 1.340.000.000 đồng (1,34 tỷ đồng).
Lý do xử phạt vì PNJ ban hành quy định nội bộ, cách thực hành phân loại khách hàng theo rủi ro, báo cáo giao dịch giá trị lớn và kiểm toán nội bộ chưa đủ chặt chẽ và đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền; và có một số sai sót, chưa đầy đủ dữ liệu trong quá trình báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý.
PNJ khẳng định sẽ chấp hành nghiêm chỉnh, đầy đủ các quyết định của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và đã tự nguyện, chủ động khắc phục các thiếu sót và hậu quả.
Trước đó, tháng 5/2024, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo và đề xuất thành lập đoàn thanh tra liên ngành với thành phần tham gia của Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính.
Đến ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước đã công bố thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng.
Theo đó, 4 công ty vàng nằm trong danh sách thanh tra là SJC, PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu, cùng hai ngân hàng là Tiên Phong và Eximbank.
Nội dung thanh tra tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng, về phòng, chống rửa tiền, thanh tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế, các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ.
PNJ đang kinh doanh ra sao?
Báo cáo kết quả kinh doanh 8 tháng năm 2024 của PNJ cho thấy chỉ riêng tháng 8, công ty ghi nhận doanh thu thuần 2.245 tỷ đồng và lãi sau thuế 63 tỷ đồng, lần lượt giảm 3% và 17% so với tháng 8/2023.
Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm đến nay, PNJ có doanh thu thuần đạt 26.866 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận mức tăng 2,8%, đạt 1.281 tỷ đồng.
Dù vậy biên lợi nhuận gộp trung bình trong 8 tháng cũng chỉ đạt 16,6%, giảm so với mức 18,6% cùng kỳ năm 2023.
Doanh thu từ vàng 24K của PNJ đã bật tăng do thị trường vàng sôi động trong nửa đầu năm. Ảnh: PNJ.
Đến cuối tháng 8, PNJ hoàn thành 72,3% kế hoạch doanh thu thuần cả năm. Trong khi đó, chỉ tiêu lợi nhuận đã thực hiện được 61,3%. Xét theo tháng, lợi nhuận PNJ giảm đáng kể trong 2 tháng gần đây xuống dưới 100 tỷ đồng và giảm trên 2 chữ số so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu doanh thu 8 tháng năm nay, doanh thu từ hoạt động bán lẻ của PNJ chiếm 53%, tăng 15,1% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, doanh thu từ trang sức bán sỉ trong 8 tháng năm 2024 tăng 28,2% so với cùng kỳ, nhờ sự chuyển dịch nhu cầu của khách hàng sỉ về các nhà sản xuất.
Đáng chú ý, doanh thu từ vàng 24K của PNJ đã bật tăng 52,8% so với cùng kỳ, phần lớn được hưởng lợi do thị trường vàng sôi động trong nửa đầu năm.
Tính đến cuối tháng 8, PNJ sở hữu 414 cửa hàng trên toàn quốc, tăng thêm 5 cửa hàng so với cuối tháng 7 và 14 cửa hàng so với đầu năm. Trong đó, công ty có 405 cửa hàng PNJ, 5 cửa hàng Style by PNJ, 3 cửa hàng CAO Fine Jewellery và 1 trung tâm kinh doanh sỉ.
Ngày 2/10/2024, quỹ Dragon Capital đã mua thêm 1,12 triệu cp của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, tăng tỷ lệ sở hữu tại đây lên trên ngưỡng 6%.
Chiếu theo giá PNJ đóng cửa phiên 02/10 là 98.000 đồng/cp, giảm 9% so với mức đỉnh 107.700 đồng/cp (phiên 22/08), ước tính quỹ ngoại Dragon Capital phải chi gần 110 tỷ đồng để tăng sở hữu PNJ lên gần 21 triệu cp (tỷ lệ 6,21%).
Dragon Capital quyết định chi hơn trăm tỷ đồng để tăng thêm sở hữu tại PNJ khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được kỳ vọng khả quan vào cuối năm nay.
Thanh Thắng