Điểm sáng là khi các đối thủ bị ảnh hưởng nặng nề bởi khó khăn trong việc thu mua vàng nguyên liệu và đóng cửa hàng, PNJ đã giành thêm thị phần.
Tại cuộc gặp mặt Nhà đầu tư diễn ra vào tuần qua, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ) tiết lộ về thách thức trong việc thu mua vàng nguyên liệu. Đây cũng khó khăn chung của toàn ngành trang sức trong bối cảnh giá vàng nói chung tăng mạnh.
Tái chế trang sức cũ, chuyển hướng sản phẩm “ít” vàng
Giảm thiểu tác động của việc này, PNJ thực hiện tái chế các sản phẩm trang sức chậm bán thành các mặt hàng mới, đồng thời tái cơ cấu danh mục sản phẩm hướng tới các sản phẩm có hàm lượng vàng thấp hơn (ví dụ trang sức thời trang đính đá).
Công ty cũng khuyến khích khách hàng bán lại trang sức của họ. Theo báo cáo của Vietcap, tỷ lệ mua lại/tổng doanh thu của PNJ hiện ở mức xấp xỉ 10%, cao hơn mức 5% trong giai đoạn 2022-2023.
Ban lãnh đạo cho biết, mặc dù gặp khó khăn trong việc thu mua vàng nguyên liệu, PNJ vẫn có thể duy trì lượng hàng tồn kho ở mức an toàn đáp ứng cho mùa cao điểm vào quý 4/2024 - quý 1/2025.
Thậm chí, công ty đã giành thêm thị phần, với doanh thu bán lẻ tăng mạnh 16% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2024, vượt trội so với các đối thủ bị ảnh hưởng nặng nề bởi khó khăn trong việc thu mua vàng nguyên liệu và đóng cửa hàng.
Thử nghiệm trang sức và phụ kiện cho nam giới
PNJ đang thử nghiệm dòng sản phẩm mới gồm trang sức và phụ kiện cho nam giới, dự kiến bán theo hình thức shop-in-shop tại một số cửa hàng bắt đầu từ quý 4/2024 và sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trong năm 2025.
Dựa trên kết quả thử nghiệm và tỷ lệ thâm nhập sử dụng trang sức của nam giới Việt Nam còn thấp, PNJ tin rằng đây là một cơ hội tiềm năng mà công ty có thể khai thác.
Trên online, PNJ đã bán các sản phẩm trang sức và phụ kiện cho các "quý ông" từ lâu.
Một số trang sức nam bán online của
PNJ ghi nhận sự phục hồi trong chi tiêu của người tiêu dùng trong quý 3/2024 và dự kiến đà phục hồi này sẽ tiếp tục trong quý 4/2024. Bên cạnh tiềm năng có danh mục sản phẩm tốt hơn với tỷ trọng trang sức thời trang cao hơn, ban lãnh đạo kỳ vọng biên lợi nhuận gộp mảng bán lẻ sẽ cải thiện so với quý trước trong quý 4/2024.
Lý giải con số thuế thu nhập cao bất thường
Liên quan đến hàng tồn kho và tái chế sản phẩm mua lại, một con số đáng chú ý trong Kết quả kinh doanh của PNJ quý 3/2024 là thuế thu nhập doanh nghiệp cao bất thường.
Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất cho biết, PNJ đạt 318 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - tăng 1,6% so với năm ngoái nhưng số thuế công ty phải nộp tăng gần 70% (từ 60 tỷ lên 102 tỷ) khiến lợi nhuận sau thuế giảm 15% còn 215 tỷ đồng, thấp nhất 3 năm qua.
PNJ giải thích sự chênh lệch giữa thu nhập tính thuế và lợi nhuận kế toán chủ yếu do các khoản chi phí dự phòng cho hàng tồn kho, vì công ty đang thực hiện thanh lý hàng tồn kho và tái chế các sản phẩm mua lại.
Điều này thể hiện rõ hơn trong BCTC Riêng lẻ khi lợi nhuận trước thuế của PNJ (mẹ) là 293 tỷ đồng, nhưng có 136 tỷ đồng chi phí không được khấu trừ khỏi thu nhập chịu thuế, khiến cho thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất 20%) tăng vọt.
Cuối tháng 9, công ty vẫn chưa hoàn tất các hoạt động này và đã tiếp tục thực hiện vào tháng 10/2024. Theo chia sẻ, thuế thu nhập hiện hành của PNJ có thể sẽ trở lại mức bình thường vào quý 4/2024.