Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, một trong những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của Việt Nam, hứa hẹn mang lại tác động lớn đến phát triển kinh tế và xã hội trong những năm tới.
Ngành thép Việt Nam tự tin tham gia vào Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Ảnh: Minh Đức
Trong bối cảnh này, ngành thép đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp nguyên vật liệu chính cho các hạng mục xây dựng của dự án. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp thép trong nước khẳng định vị thế và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành thép Việt Nam hiện có sự tham gia của các thành phần kinh tế đa dạng: Nhà nước, FDI và tư nhân. Trong đó, khu vực tư nhân và FDI chiếm tỉ trọng lớn và là lực lượng dẫn dắt, quyết định thị trường.
Các dự án lớn về sản xuất thép chủ yếu tập trung tại miền Trung, nơi có nhiều ưu thế để phát triển sản xuất thép như cảng nước sâu, diện tích đất rộng, chi phí đền bù và xây dựng thấp. Các liên hợp có quy mô lớn như Liên hợp luyện thép tại KKT Vũng Áng, Liên hợp gang thép Nghi Sơn, Liên hợp luyện thép Quảng Ngãi, Nhà máy thép Posco, Nhà máy luyện thép Shengli, Nhà máy thép Việt...
Ngành thép đã có sự tiến bộ đáng kể với các dự án lớn như Formosa Hà Tĩnh, Hòa Phát, Dung Quất đều sử dụng công nghệ lò cao - lò thổi truyền thống với thiết kế và trang bị kỹ thuật hiện đại, dung tích lò lớn; quy trình sản xuất khép kín, tối ưu hóa sử dụng năng lượng; các dây chuyền cán thép được lựa chọn kỹ thuật công nghệ tiên tiến và tự động hóa cao.
Các nhà máy của POSCO Việt Nam, Công ty Cổ phần China Steel & Nippon Steel Việt Nam, hoặc một số nhà máy sản xuất thuộc khu vực tư nhân như Tôn Đông Á, cán nguội Hòa Phát… được đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại. Ngành thép đã chú trọng đầu tư vào các dự án quy mô lớn, sản xuất các sản phẩm trước đây chưa có như thép tấm cán nóng, thép lá cán nguội...
Theo các chuyên gia, dự án đường sắt Bắc-Nam không chỉ thúc đẩy tiêu thụ thép trong ngắn hạn mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng dài hạn cho ngành thép trong nước. Với tổng chiều dài tuyến đường lên đến hàng ngàn km, khối lượng thép sử dụng sẽ rất lớn, tạo ra nguồn cầu ổn định và liên tục trong nhiều năm.
Tại hội nghị của Chính phủ với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước diễn ra cuối tháng 9 vừa qua, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát, nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với tổng mức đầu tư 70 tỉ USD, đánh giá đây sẽ là công trình hạ tầng chiến lược của quốc gia trong trung và dài hạn.
Ông Trần Đình Long cũng khẳng định, Tập đoàn Hòa Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao và sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án này. Ở góc độ doanh nghiệp, dự án có giá trị trên 70 tỉ USD, trong đó, riêng phương tiện, thiết bị lên tới 34,1 tỉ USD sẽ là thị trường rất lớn và vô cùng hấp dẫn cho các doanh nghiệp có thế mạnh về sản xuất đầu máy, toa xe.
Tuy nhiên, vấn đề của ngành thép Việt Nam hiện nay chính là sự cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu. Đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong tương lai gần, ngành thép sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn để cạnh tranh với thép nhập khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn chỉ có khả năng sản xuất các sản phẩm thép cơ bản, phục vụ ngành bất động sản và chưa có khả năng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao phục vụ ngành cơ khí chế tạo như: Thép làm vỏ ôtô, thép làm vỏ tàu.
Bên cạnh đó, tình trạng "cung vượt cầu" của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả trở nên khốc liệt hơn. Thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tải quốc tế tăng… cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép.
Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình lên Chính phủ. Nếu được thông qua, ngành thép Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế đối với dự án quan trọng của quốc gia.
Huyền Anh