Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực từ các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp trở thành nhiệm vụ tiên quyết cho mọi doanh nghiệp. Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân Bón Cà Mau), một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành phân bón Việt Nam đang bước đi trên hành trình này với cam kết mạnh mẽ, hành động thiết thực.
Nhiều năm qua, công ty đã tặng hàng trăm căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho bà con. Ảnh: Phân Bón Cà Mau
Với nhiều nỗ lực kiến tạo những giá trị bền vững và thịnh vượng, Phân Bón Cà Mau không chỉ đồng hành cùng Quốc gia hướng đến mục tiêu trung hoà carbon mà còn xây dựng mô hình phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội.
Cam kết phát triển bền vững
Sau khi công bố định hướng phát triển bền vững, Phân Bón Cà Mau trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã nhanh chóng công bố Báo cáo Phát triển Bền vững 2023, khẳng định rõ cam kết đồng hành cùng quốc gia hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Trên hành trình này, công ty đã triển khai hàng loạt kế hoạch và giải pháp trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn, với các bước đi cụ thể và rõ ràng.
Phân Bón Cà Mau đặt mục tiếu đến năm 2030 giảm phát thải 7%, tương ứng với 60.000 tấn CO2 mỗi năm. Để đạt được mục tiêu này, công ty đang áp dụng các công nghệ sản xuất phân bón tiên tiến, giảm tiêu hao năng lượng và nghiên cứu chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Từ năm 2023, thương hiệu này đã triển khai trồng 300.000 cây xanh trong chiến dịch “Vì một Việt Nam xanh” góp phần vào chương trình 1 tỉ cây xanh của chính phủ, thể hiện nỗ lực chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm, tiết giảm tiêu hao
Ngay từ khi thành lập, ban lãnh đạo công ty đã xác định rõ việc tiết giảm năng lượng là một trong những yếu tố cốt lõi của phát triển bền vững. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2023, công ty đã tiết giảm tương đương 12% tổng tiêu hao năng lượng trong sản xuất phân bón, trong khi nâng cao công suất vận hành của Nhà máy Đạm Cà Mau lên mức 115-116%.
Năm 2022, Phân Bón Cà Mau vinh dự đạt "Top 10% nhà máy tiêu hao năng lượng thấp nhất thế giới" của nhà bản quyền Haldor Topsoe. Năm 2023, công ty thành công đưa lượng khí permeate đã thu hồi hoàn toàn lượng CO2 và lượng khí còn lại sau xử lý đáp ứng điều kiện công nghệ vào làm nguyên liệu sản xuất. Ngoài ra, Phân Bón Cà Mau còn thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhằm tiết giảm tiêu hao năng lượng sản xuất phân bón, qua đó gián tiếp giảm phát thải CO2, kết quả là lượng khí tiêu hao giảm 0,44%, cường độ phát thải/tấn sản phẩm sản xuất giảm 0,56% so với năm 2022.
Giai đoạn 2023-2030, công ty đặt mục tiêu giảm phát thải tương đương 7% vào năm 2030, với kế hoạch cụ thể nhằm giảm thiểu 60.000 tấn CO2 mỗi năm. Đây cũng là mục tiêu quan trọng mà Phân Bón Cà Mau được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giao phó nhằm giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình sản xuất công nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, công ty đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến như công nghệ thu hồi nhiệt thải đang xả bỏ để phát điện (ORC), cùng với nghiên cứu thu hồi CO2 từ dòng nhiên liệu tự nhiên và khói lò đốt trong các cụm công nghệ.
Định hướng chuyển dịch năng lượng xanh
Một trong những trọng tâm chiến lược của Phân Bón Cà Mau là chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo. Bước chuyển này không chỉ giúp công ty giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà còn giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống.
Với công suất sản xuất hơn 1.500 tấn NH3 mỗi ngày, Nhà máy Đạm Cà Mau hiện cần khoảng 260 tấn hydro/ngày, nguồn năng lượng hiện nay được lấy hoàn toàn từ khí tự nhiên. Tuy nhiên, công ty đang nghiên cứu và từng bước tiến hành chuyển đổi sang sử dụng hydro xanh, sản xuất từ điện phân sử dụng năng lượng tái tạo. Dự án này không chỉ giúp hạn chế lượng khí carbon phát thải mà còn mở ra hướng đi mới trong việc phát triển công nghệ sản xuất phân bón thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, Phân Bón Cà Mau đang hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước để nghiên cứu các công nghệ tiên tiến, nhằm thu hồi và tái sử dụng CO2 trong quá trình sản xuất. Điều này không chỉ hỗ trợ việc tối ưu hóa quy trình sản xuất mà còn tạo ra những lợi ích kinh tế đáng kể, với tiềm năng tiết kiệm hàng tỉ đồng mỗi năm. Cụ thể, công ty đã tận dụng tối đa, thu hồi nguồn CO2 dư thừa để gia tăng sản lượng urea và sản xuất CO2 thực phẩm cho các lĩnh vực như sản xuất nước giải khát, chế biến thịt và cấp đông. Dự án này có khả năng cung cấp 100 tấn CO2 thực phẩm mỗi ngày, dự kiến mang lại giá trị kinh tế từ 3-4 triệu USD mỗi năm.
Trong lộ trình chuyển đổi năng lượng, Phân Bón Cà Mau đã nghiên cứu và triển khai các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió. Một trong những dự án trọng điểm là hệ thống điện mặt trời áp mái tại Nhà máy Đạm Cà Mau. Với diện tích mái lên đến 74.000 m², dự án có tiềm năng lắp đặt công suất từ 10-15 MW, giúp thay thế một phần năng lượng hóa thạch và giảm 5.800 tấn CO2 mỗi năm.
Quản trị bền vững theo khung ESG
Nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của quản trị bền vững, Phân Bón Cà Mau đã chủ động thành lập Ủy ban ESG (Environmental, Social, Governance) với mục tiêu đánh giá và thúc đẩy các hoạt động của công ty theo chuẩn mực quốc tế. Ủy ban này chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện cam kết giảm phát thải, chuyển đổi sang năng lượng xanh và đảm bảo sự minh bạch, trách nhiệm trong quản trị bền vững doanh nghiệp.
Việc ra mắt Ủy ban ESG không chỉ giúp Phân Bón Cà Mau nâng cao uy tín, tạo dựng niềm tin với cổ đông và cộng đồng mà còn là một bước đi chiến lược để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững. Điều này góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty trên thị trường toàn cầu.
Đồng hành cùng khách hàng và cộng đồng phát triển bền vững, thịnh vượng
Phân Bón Cà Mau đã khẳng định vai trò tiên phong kiến tạo giá trị cho khách hàng không chỉ trong việc cung cấp sản phẩm chất lượng cao mà còn luôn sát cánh cùng bà con nông dân và các đại lý. Công ty đã triển khai nhiều chương trình hội thảo, mô hình canh tác tiên tiến và hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp, các hoạt động chia sẻ tư vấn trên nền tảng trực tuyến nhằm giúp nông dân nâng cao năng suất và bền vững hóa sản xuất. Các chương trình tiêu biểu như Bí kíp vàng, Thức giấc với Mùa Vàng hay các buổi livetream hướng dẫn trực tiếp từ các chuyên gia không chỉ nâng cao nhận thức của người nông dân về công nghệ canh tác hiện đại mà còn tăng cường mối quan hệ giữa công ty và khách hàng. Đồng thời, các đại lý cũng được hỗ trợ toàn diện về mặt chính sách và đào tạo nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và lâu dài.
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ khách hàng, Phân Bón Cà Mau còn thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng thông qua các chương trình an sinh xã hội toàn diện, với ngân sách hàng năm dành cho lĩnh vực này lên đến gần 100 tỉ đồng. Công ty đã và đang thực hiện các hoạt động xã hội trên nhiều mặt, từ hỗ trợ bà con nông dân tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu giao thông nông thôn, nhà đại đoàn kết, bệnh viện, các công trình trường học và chương trình khuyến học cho trẻ em ở các vùng khó khăn. Mới đây nhất, Phân Bón Cà Mau đã tặng hàng nghìn bồn chứa nước sạch cho các vùng hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ bà con miền Bắc ổn định cuộc sống và tái thiết sản xuất sau bão Yagi.
Phân Bón Cà Mau tài trợ 2 tỉ đồng xây dựng cầu giao thông nông thôn cho tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Phân Bón Cà Mau
Trong suốt hành trình phát triển, Phân Bón Cà Mau đã xây dựng hàng trăm căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho người nghèo và các gia đình chính sách. Đặc biệt, hàng triệu suất học bổng “Hạt Ngọc Mùa Vàng” của công ty đã đồng hành cùng các em học sinh, sinh viên trên con đường học tập. Ngoài ra, công ty còn tham gia hỗ trợ xây dựng hạ tầng y tế giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế cơ bản, đặc biệt là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa. Những hoạt động này không chỉ giải quyết khó khăn trước mắt mà còn hướng tới sự phát triển bền vững của cả cộng đồng. Việc Phân Bón Cà Mau liên tục duy trì và mở rộng các chương trình an sinh xã hội thể hiện rõ cam kết dài hạn trong việc đóng góp cho xã hội, không chỉ trong phạm vi ngành nông nghiệp mà còn trong các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, và hỗ trợ các đối tượng yếu thế.
Với tầm nhìn chiến lược và cam kết phát triển bền vững, Phân Bón Cà Mau không chỉ đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng mà còn biến chúng thành hành động cụ thể để đồng hành cùng quốc gia trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Hành trình hướng đến trung hòa carbon vào năm 2050 không chỉ thể hiện sự tiên phong của công ty trong ngành phân bón, mà còn khẳng định quyết tâm chung tay với cộng đồng, khách hàng và cả thế giới trong việc kiến tạo một tương lai bền vững hơn, thịnh vượng hơn. Thông qua những kế hoạch dài hạn, áp dụng công nghệ hiện đại, và cam kết xã hội vững chắc, Phân Bón Cà Mau đang xây dựng một hình mẫu doanh nghiệp không chỉ thành công về kinh tế, mà còn đi đầu trong đồng hành nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Sứ mệnh này không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của một thương hiệu Việt Nam.