Ông Nguyễn Văn Hương, người có hơn 21 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, vừa được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc PGBank từ ngày 7/12/2024.
Ông Nguyễn Văn Hương - Tổng Giám đốc PGBank
HĐQT Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, Mã: PGB) ngày 7/12 thông báo nghị quyết về việc thông qua bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hương - quyền tổng giám đốc ngân hàng giữ chức vụ tổng giám đốc nhiệm kỳ 2024 - 2027.
Ông Nguyễn Văn Hương, sinh năm 1980, ông có hơn 21 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính và ngân hàng. Ông tốt nghiệp cử nhân Kinh tế Đầu tư và thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Trước khi gia nhập PGBank, ông đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo tại các tổ chức tài chính lớn. Ông từng là phó giám đốc khối khách hàng cá nhân, giám đốc miền Bắc kênh chi nhánh, giám đốc vùng và giám đốc chi nhánh tại VPBank; phó phòng tín dụng tổng hợp tại Vietcombank; và phó tổng giám đốc phụ trách khối bán lẻ tại OCB.
Vào ngày 14/8/2024, ông Hương nộp đơn từ nhiệm vị trí này vì lý do cá nhân và vừa được OCB miễn nhiệm vào ngày 19/9 vừa qua. Tới ngày 23/9/2024, ông được bổ nhiệm làm quyền tổng giám đốc PGBank.
Vị trí tổng giám đốc của PGBank được để trống từ tháng 4/2024, sau khi bà Đinh Thị Huyền Thanh nộp đơn từ nhiệm và được thông qua sau ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.
Với quyết định bổ nhiệm trên, ban điều hành PGBank hiện tại có ông Hương là tổng giám đốc và 3 phó tổng giám đốc là ông Trần Văn Luân, ông Nguyễn Trọng Chiến và ông Lê Văn Phú.
Về tình hình kinh doanh tại PGBank, quý 3/2024 ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 76,9 tỷ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng đạt 344,4 tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý 3 được hỗ trợ chủ yếu bởi thu nhập lãi thuần tăng gần 50%, đạt 416 tỷ đồng, đóng vai trò động lực chính. Thu nhập ngoài lãi cũng tăng 34,7%, mang về gần 32 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của PGBank đạt 61.804 tỷ đồng, tăng 11,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,4%, đạt 36.894 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu tăng 16,6% lên mức 1.175 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu từ 2,85% lên 3,19%.