Kinh doanh sa sút, hàng tồn kho của Phát Đạt phình to, hàng nghìn tỉ đồng tiền vốn bị "chôn chân".
Phát Đạt đang có lượng hàng tồn kho khá lớn. Ảnh: Bảo Bảo
Cả quý không ghi nhận doanh thu chuyển nhượng đất
Được xem là một "ông lớn" của lĩnh vực bất động sản, nhưng bức tranh kinh doanh của Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Công ty Phát Đạt) đang cho thấy sự sa sút lớn.
Trong quý III/2024, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty Phát Đạt chưa đến 3 tỉ đồng, giảm đến 352 tỉ đồng so với con số gần 355 tỉ đồng đã nhận về tại thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Với giá vốn bán hàng nhỉnh hơn 1 tỉ đồng, doanh nghiệp báo lãi gộp ở mức 1,3 tỉ đồng.
Thuyết minh báo cáo tài chính Công ty Phát Đạt cho biết, hơn 3 tỉ đồng doanh thu công ty có được trong quý đến từ hoạt động cho thuê bất động sản đầu tư. Trong khi đó, doanh thu chuyển nhượng đất và doanh thu cung cấp dịch vụ không được ghi nhận.
Trong kì, doanh thu hoạt động tài chính Công ty Phát Đạt đạt 194 tỉ đồng, đây là số tiền thu được nhờ doanh nghiệp chuyển nhượng cổ phần công ty liên kết. Nguồn thu này giúp công ty không thua lỗ trong quý vừa qua.
Trong quý này, Công ty Phát Đạt đã chi hơn 74 tỉ đồng để trả chi phí lãi vay; ghi nhận lỗ trong công ty liên doanh, liên kết hơn 17 tỉ đồng; chi 44 tỉ đồng cho quản lý doanh nghiệp; chi hơn 4 tỉ đồng cho chi phí bán hàng.
Giải trình cho kết quả kinh doanh quý III/2024 của công ty, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Phát Đạt thông tin, lợi nhuận giảm sâu do tình hình kinh tế nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, việc đầu tư và phát triển các dự án bất động sản của công ty chưa được thuận lợi.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Phát Đạt đưa về 173 tỉ đồng doanh thu và 154 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh so với số doanh thu 549 tỉ đồng và lãi ròng 401 tỉ đồng trong 3 quý đầu năm 2023. Với kết quả kinh doanh nói trên, kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, công ty mới chỉ hoàn thành được 17% chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm 2024 đã đặt ra trước đó.
Hàng tồn kho lớn, dòng tiền âm nặng
Báo cáo tài chính của Phát Đạt trong quý III/2024 cũng cho thấy, phần lớn tài sản đang bị “chôn chân” ở hàng tồn kho với 12.853 tỉ đồng (chiếm 56%) và nằm ngoài công ty khi các khoản phải thu được ghi nhận đến 7.083 tỉ đồng (chiếm 31%).
Đáng nói, có nhiều dự án ghi nhận giá trị hàng tồn kho hàng nghìn tỉ đồng, sau nhiều năm vẫn không có nhiều biến đổi. Đơn cử, danh mục hàng tồn kho năm 2020 của Phát Đạt ghi nhận giá trị hàng tồn kho tại Dự án EverRich2 là 3.603 tỉ đồng, Dự án Tropicana Bến Thành Long Hải là 1.911 tỉ đồng, Dự án EverRich3 hơn 876 tỉ đồng…
Gần 5 năm sau (tính đến tháng 9.2024), giá trị tồn kho ghi nhận ở những dự án này biến động không đáng kể khi lần lượt là Dự án EverRich2 hơn 3.597 tỉ đồng, Dự án Tropicana Bến Thành Long Hải gần 1.994 tỉ đồng, Dự án EverRich3 là 877 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc hàng nghìn tỉ đồng của Phát Đạt đã bị “đóng băng” trong thời gian khá dài.
Không chỉ vậy, riêng dự án EverRich 3 của Phát Đạt cũng đang dính lùm xùm với khách hàng về câu chuyện bán hàng khi chưa đủ điều kiện pháp lý. Như báo Lao Động đã có bài viết "Khách hàng sa lầy tại dự án The EverRich 3 của Phát ĐạtKhách hàng sa lầy tại dự án The EverRich 3 của Phát Đạt" với nội dung xuất phát từ khiếu nại của một khách hành mua 5 căn nhà tại dự án này từ năm 2018 và đã thanh toán từ 97% trở lên trên giá trị hợp đồng.
Tại thời điểm đó, Công ty Phát Đạt dù chưa hề triển khai xây dựng nhà ở, chưa có giấy phép dự án đủ điều kiện mở bán, không được phép chuyển nhượng đất nền nhưng vẫn tiến hành ký hợp đồng mua bán với khách hàng không đúng quy định hiện hành. Và cho tới nay khách hàng vẫn chưa được cấp sổ hồng.
Hàng tồn kho cùng với các khoản phải thu tăng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền công ty âm nặng. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ 9 tháng đầu năm 2024 cho thấy, Phát Đạt âm dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tới gần 1.200 tỉ đồng.
Trong bối cảnh hiện tại, áp lực tài chính của Phát Đạt tăng lên đáng kể. Nợ vay tài chính công ty có xu hướng tăng nhanh từ 3.104 tỉ đồng hồi đầu năm lên 4.414 tỉ đồng tại thời điểm kết thúc quý III/2024, tương ứng tăng thêm hơn 1.300 tỉ đồng chỉ sau 9 tháng. Trong khi công ty có xu hướng tăng nguồn tiền từ hoạt động đi vay. Nguồn tiền mặt từ hoạt động đi vay chiếm gần 300 tỉ đồng và cao gấp 2,4 lần cùng kỳ. Trong khi Phát Đạt chỉ trả nợ gốc 68 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm, đồng nghĩa công ty đang ở tình trạng nợ chồng thêm nợ.
Gia Miêu