Cổ phiếu ORS lao dốc bốc hơi 50% giá trị sau 2 tháng. Bên cạnh ảnh hưởng chung về thuế quan thì TPS đang phải chịu hệ lụy từ khoản đầu tư và tư vấn trái phiếu liên quan nhóm Bamboo Capital.
Công ty có quý thua lỗ đầu tiên sau hơn 2 năm. Nguồn: TPS
Chỉ trong 2 tháng giao dịch, cổ phiếu ORS của Chứng khoán Tiên Phong từ chỗ cổ phiếu có tiềm năng chớm bứt phá từ vùng 13.000 đồng/cp lên 15.000 đồng/cp đã quay xe lao dốc xuống vùng 7.700 đồng/cp, bốc hơi gần 50% giá trị.
Bên cạnh yếu tố khách quan như sự kiện thuế quan thì Chứng khoán Tiên Phong bị ảnh hưởng bởi thông tin tiêu cực liên quan đến các lô trái phiếu của nhóm Bamboo Capital (mã: BCG) và kết quả kinh doanh quý I kém khả quan.
Nguồn: https://finance.vietstock.vn/
Kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ, cổ phiếu vào diện cảnh báo
Theo BCTC kiểm toán năm 2024 phát hành ngày 4/4 vừa qua, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đã nêu ý kiến ngoại trừ liên quan đến các lô trái phiếu mà công ty đã tư vấn. Cụ thể, vào ngày 25/2 và 20/3, các lô trái phiếu BVLCH2124001, CKCCH2124001, GKCCH2124002, HISCH2124001 và TCDH2227002 phát hành bởi Công ty cổ phần BCG Land, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Gia Khang, Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Helios, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Tracodi với tổng giá trị 8.990 tỷ đồng đã bị tạm ngừng giao dịch theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Đây là các lô trái phiếu do TPS là đơn vị tư vấn, đại lý phát hành, đại lý đăng ký lưu ký, thanh toán và quản lý chuyển nhượng, đại diện người sở hữu trái phiếu. Tại ngày 31/12/2024, công ty có khoản phí dịch vụ phải thu liên quan tới các trái phiếu này là 28 tỷ đồng. Dựa trên thông tin hiện tại, Ernst & Young Việt Nam cho biết không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về khả năng thu hồi của các khoản phải thu nói trên.
Chính vì ý kiến ngoại trừ mà cổ phiếu ORS bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 16/4. Chứng khoán Tiên Phong cho biết đang tích cực làm việc với doanh nghiệp để thu hồi khoản công nợ phí dịch vụ phải thu nói trên trong thời gian sớm nhất.
Lần đầu báo lỗ sau 2 năm
Công ty vừa công bố kết quả kinh doanh quý I khá bi quan. Tổng doanh thu hoạt động ghi nhận giảm 7% so với cùng kỳ năm trước nhưng lỗ sau thuế 7,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 75 tỷ đồng. Quý gần nhất doanh nghiệp lỗ là quý IV/2022 – thời điểm bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng thị trường trái phiếu.
Doanh nghiệp lý giải doanh thu giảm và chi phí tăng chủ yếu của nghiệp vụ lưu ký chứng khoán, ghi nhận từ lãi lỗ của hoạt động đầu tư tài sản tài chính. Công ty phát sinh khoản chi phí dịch vụ khác 20 tỷ đồng mà cùng kỳ không có, chi phí lãi vay tăng từ 116 tỷ lên 153 tỷ đồng.
Hoạt động đầu tư của Chứng khoán Tiên Phong ghi nhận lỗ gần 23 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 183,3 tỷ đồng. Trong đó, lãi bán tài sản tài chính chỉ 50 tỷ đồng nhưng lỗ thì 170,5 tỷ đồng, tức lỗ 120 tỷ đồng; chênh lệch về đánh giá lại tài sản tài chính FVTPL tăng 127 tỷ và giảm 81 tỷ, tức lãi 46 tỷ đồng; cổ tức và tiền lãi phát sinh đạt 51,5 tỷ đồng. Theo thuyết minh, công ty không phát sinh lãi bán cổ phiếu niêm yết trong kỳ nhưng lỗ 91 tỷ đồng; lỗ ròng trái phiếu chưa niêm yết 24 tỷ đồng.
Sau thông tin trái phiếu nhóm Bamboo Capital tạm ngừng giao dịch, cổ phiếu các công ty liên quan đã sụt giảm mạnh. Trong danh mục đầu tư của TPS tại cuối 2024 có các khoản đầu tư vào trái phiếu và cổ phiếu các doanh nghiệp kể trên với tổng giá trị lần lượt 182 tỷ và 32,6 tỷ đồng. Tính đến ngày 4/4, công ty đã bán toàn bộ cổ phiếu của Tập đoàn Bamboo Capital (mã: BCG) thu về 20 tỷ đồng, trong khi giá gốc đầu tư 93,4 tỷ đồng, tức lỗ 73,4 tỷ đồng. Công ty cũng đã bán hết cổ phiếu Tracodi (mã: TCD) thu về 2,2 tỷ đồng, giá gốc đầu tư không được tiết lộ.
Còn khoản đầu tư vào trái phiếu trị giá 182 tỷ đồng, công ty không thể ước tính mức độ ảnh hưởng do trái phiếu đang bị tạm ngưng giao dịch và không có giá tham chiếu.
Danh mục đầu tư tại cuối quý I có giá gốc 3.146 tỷ đồng nhưng giá trị hợp lý 3.117,7 tỷ, tức tạm lỗ 29 tỷ. Trong đó, trái phiếu chưa niêm yết chiếm chủ yếu giá gốc 1.548 tỷ đồng và giá trị hợp lý 1.530 tỷ đồng, lỗ 18 tỷ; cổ phiếu niêm yết 452 tỷ đồng giá gốc, tạm lỗ 14,6 tỷ; trái phiếu niêm yết giá gốc 549 tỷ, tạm lãi 10 tỷ.
Chứng khoán TPS đã giảm phân nửa khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) xuống còn 1.173,5 tỷ đồng. Quy mô cho vay margin cũng giảm mạnh từ 2.880 tỷ xuống 1.881 tỷ đồng.
Thay Chủ tịch và CEO, liên tục lùi họp ĐHĐCĐ thường niên
Chứng khoán Tiên Phong là một trong những doanh nghiệp tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên sớm. Năm nay, công ty cũng dự tính tổ chức vào ngày 9/4, song biến cố ập đến, công ty dời sang ngày 26/4. Mới đây, doanh nghiệp thông báo thay đổi ngày chốt danh sách cổ đông dự họp sang 23/5 và thời gian tổ chức họp trong tháng 6 (dự kiến ngày 27/6).
Về cơ cấu nhân sự, ông Đỗ Anh Tú đã có đơn từ nhiệm Chủ tịch HĐQT từ ngày 18/3. Doanh nghiệp chưa công bố người thay thế.
Đến ngày 10/4, HĐQT ra quyết định miễn nhiệm bà Bùi Thị Thanh Trà thôi đảm nhận chức danh Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty. Lý do điều động nhân dự do thay đổi cơ cấu tổ chức. Người thay thế là bà Đặng Sĩ Thùy Tâm.
Tại báo cáo thường niên, Chứng khoán Tiên Phong cho biết kế hoạch phát triển năm nay gồm tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận một cách bền vững; tập trung phát triển hoạt động môi giới chứng khoán, cho vay ký quý và hoạt động tự doanh; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; tăng cường nhận diện thương hiệu; chú trọng kiểm soát nội bộ…