Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Ông lớn địa ốc 'vung tiền' gom quỹ đất
Chuyên mục:

Bất động sản

Thời báo kinh doanh | 19:21
Google news

Bất chấp việc thị trường bất động sản mới chỉ vừa vực dậy từ đáy, không ít đại gia địa ốc đang vung tiền mở rộng quỹ đất, mua dự án, kéo theo cuộc đua mua bán và sáp nhập (M&A) ngày càng tăng nhiệt trong thời điểm cuối năm.

Sun Group vừa quyết định “chơi lớn” khi đề xuất cùng lúc 2 dự án khu đô thị mới, du lịch, sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí với tổng diện tích gần 500 ha, tổng mức đầu tư hơn 28.000 tỷ đồng tại Bắc Ninh. Kế hoạch trên thể hiện tham vọng “Bắc tiến” của Sun Group.

Chạy đua mở rộng quỹ đất

Trước đó, vào tháng 8, Sun Group cũng đã khởi công dự án đô thị thời đại - Sun Urban City với quy mô 420 ha, tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Cùng với đó là kế hoạch triển khai 3 dự án sinh thái ở Hòa Bình, tổng mức đầu tư hơn 14.500 tỷ đồng.

Nhắc đến cuộc đua mở rộng quỹ đất, phát triển dự án thì không thể không nhắc đến Vinhomes. Theo Chứng khoán Shinhan, Vinhomes hiện sở hữu quỹ đất hơn 18.000 ha, diện tích đủ để chủ đầu tư này triển khai dự án cho 30 năm tới.

Dẫu vậy, doanh nghiệp “họ Vin” vẫn liên tục đề xuất các dự án mới. Mới đây, Vingroup đã đề xuất làm dự án Khu đô thị mới phía Tây Bắc (Khu 1) tại TP Bắc Ninh, có diện tích gần 270 ha, vốn đầu tư ước tính hơn 44.500 tỷ đồng.

Nhiều ông lớn bất động sản đang tiếp tục đẩy mạnh gom quỹ đất nhằm giành lợi thế trong chu kỳ tăng trưởng mới.

Tương tự, những năm gần đây, T&T Group của “bầu” Hiển cũng liên tục có động thái mở rộng quỹ đất thông qua hoạt động nghiên cứu đầu tư tại nhiều tỉnh như Hòa Bình, Vũng Tàu, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, An Giang, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đồng Tháp...

Những ai quan tâm đến lĩnh vực bất động sản đều biết rằng đặc thù của doanh nghiệp trong ngành này là có quỹ đất lớn sẽ đồng nghĩa với lợi thế phát triển. Vì vậy, không chỉ những cái tên đã kể ở trên, loạt đại gia đầu ngành cũng đang gia nhập đường đua rót tiền gom đất, mua dự án.

Điển hình như Masterise Group với những thương vụ M&A loạt dự án nhà ở quy mô như Grand Maria (Quận 1, TPHCM), The Global City (Thủ Đức, TP.HCM) quy mô 171 ha, The Grand Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội)…và các dự án thành phần tại các đại đô thị của Vinhomes tại Hà Nội và TP.HCM.

Cùng với Masterise Group, Đất Xanh Group (DXG) cũng đang là một trong những tên tuổi hàng đầu đang đẩy mạnh gom đất. DXG cho biết đang tìm kiếm quỹ đất rộng 100 - 200 ha khắp cả nước, pháp lý đầy đủ để triển khai các dự án giai đoạn 2024 – 2025.

Sôi động đường đua M&A

Ngoài những ông lớn trên, thị trường cũng ghi nhận hàng loạt những tên tuổi nội đang đẩy mạnh thâu tóm quỹ đất, mua dự án, như DIC Holdings, Khang Điền, Hà Đô, Ecopark, Vinhomes, Phú Mỹ Hưng... tại các tỉnh Lâm Đồng, Long An, Hải Phòng, Bình Thuận để phục vụ hoạt động kinh doanh giai đoạn tới.

Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, cho biết doanh nghiệp hiện có quỹ đất sạch lên đến 685 ha, có thể phát triển sản phẩm trong vòng 5 năm.

Tuy nhiên, Nam Long vẫn tích cực thu mua thêm đất nông nghiệp thông qua tìm kiếm mua trực tiếp và M&A các dự án sạch. Ngoài thị trường chủ lực là TP.HCM và các tỉnh lân cận, Nam Long còn mở rộng quỹ đất phía Bắc, cụ thể lên kế hoạch tìm kiếm quỹ đất tại Hải Phòng trong năm 2024.

Tương tự, Tập đoàn An Gia cũng cho biết đang không ngừng tìm kiếm các cơ hội M&A dự án, mở rộng quỹ đất sạch. Danh Khôi Group mới đây cũng công bố kế hoạch huy động vốn để mua dự án trong ngắn hạn. Điển hình như mua lại một phần của dự án Khu dân cư Đại Nam (Bình Phước) của đại gia Huỳnh Uy Dũng, hay mua lại một dự án tại Hàm Thắng - Hàm Liêm (Bình Thuận).

Cũng không thể quên KITA Group, trong 2 năm trở lại đây, có lẽ là một trong những “tay chơi” gây ấn tượng nhất trong mảng M&A trên thị trường bất động sản, với hoạt động hợp tác phát triển hàng loạt quỹ đất tư nhân. Đơn cử, thông qua con đường M&A, dự án khu dân cư Ngân Thuận nay gọi là KITA Airport City đã được hồi sinh, với quy mô hơn 150ha tại trung tâm quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Tại khu vực phía Bắc, KITA cũng M&A thành công dự án KITA Capital nằm trong quần thể KĐT Nam Thăng Long – Ciputra. Ngay sau khi có được dự án, KITA đã hoàn thiện pháp lý, bàn giao sổ đỏ cho khách. Ngoài ra, còn có một số dự án khác cũng đã được KITA M&A thành công như dự án TAX Resort và phân khu đô thị Hòa Lạc (Hà Nội), hay dự án Sakura Golf cao cấp (Hải Phòng)…

Theo đánh giá của giới chuyên gia, từ cuối năm 2024 đến năm 2025, khi 3 bộ luật sửa đổi gồm Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản bắt đầu thẩm thấu sẽ đẩy làn sóng M&A tăng mạnh.

Luật mới quy định bảng giá đất mới được áp dụng sát với thị trường dự báo sẽ khiến chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng sau này tăng lên. Những doanh nghiệp địa ốc gom được quỹ đất lớn và đã tính xong tiền sử dụng đất ở thời điểm này sẽ nắm rất nhiều lợi thế.

"Việc Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 là một bước ngoặt lớn, mở ra nhiều cơ hội mới cho lĩnh vực bất động sản nói riêng và cả nền kinh tế nói chung", ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM nhìn nhận.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng nhận định trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi chậm, nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng quỹ đất để phát triển dự án. Theo đó, pháp lý, tính thanh khoản, tiền sử dụng đất… là những tiêu chí hàng đầu mà doanh nghiệp lựa chọn để đầu tư.

Bộ Xây dựng cũng ghi nhận dấu hiệu các doanh nghiệp bất động sản có những chiến lược phát triển quỹ đất để chuẩn bị cho thời điểm phục hồi của thị trường. Tuy nhiên, cảnh báo doanh nghiệp cần nghiêm túc và tính toán kỹ hơn về phương án, tìm hiểu thị trường để làm sao các dự án đất sạch hoàn chỉnh về mặt pháp lý, có thể đưa vào khai thác sớm trong các năm tới.

Hưng Nguyên

Link gốc

Thị trường đóng cửa
DXG
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục