Ấn Độ là thị trường đông dân, người dân có nhu cầu về nhiều loại nông sản. Vậy nhưng để các HTX, doanh nghiệp nhỏ có thể tăng tỷ trọng xuất khẩu sang đất nước được mệnh danh là “thị trường của tương lai” này, việc tính toán để bảo đảm hàng hóa khi xuất khẩu xa cũng là một trong những vấn đề được quan tâm.
Ông Trần Đình Trung, Chủ tịch HĐQT HTX thành long Thuận Tiến (Bình Thuận), cho biết người dân Ấn Độ chủ yếu ăn chay, nhu cầu tiêu thụ rau củ quả lớn không chỉ để phục vụ ăn uống mà còn để phục vụ các lễ nghi tôn giáo. Những điều này chính là cơ hội cho HTX tiếp cận thị trường này.
Nắm cơ hội
Đặc biệt, dù hiện nay, nhiều nước cũng đã trồng được thanh long như Trung Quốc, Campuchia… nhưng thanh long Việt Nam vẫn được khách hàng Ấn Độ đánh giá cao về chất lượng. Thời gian qua, đã có nhiều đoàn khách Ấn Độ biết đến thông tin của HTX Thuận Tiến qua các hội chợ quốc gia, hội chợ ở nước ngoài từ đó đến thăm và trực tiếp tìm hiểu vùng trồng, đóng gói của HTX Thuận Tiến và ký kết các hợp đồng xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Trung, theo tính toán, dân số Ấn Độ là khoảng 1,4 tỷ người. Nhu cầu tiêu thụ quả thanh long của Ấn Độ là gần 50 triệu tấn/năm. Vậy nhưng thực tế lượng thanh long HTX và các doanh nghiệp xuất sang Ấn Độ vẫn còn khiêm tốn vì một phần vị trí địa lý xa.
Khách hàng Ấn Độ sang thăm vùng trồng và cơ sở xử lý thanh long của HTX Thuận Tiến.
Chia sẻ tại tọa đàm “Hàng nông sản Việt Nam tại thị trường Ấn Độ”, ông Chí Anh, nhà sáng lập kiêm CEO của Công ty TNHH XNK Ago, cho biết trong quá trình xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, doanh nghiệp cũng từng gặp một số yếu tố khách quan khiến các container hàng bị 'delay'. Trong khi thanh long là một loại quả mềm nên dễ bị giảm “sức khỏe” khi đến tay khách hàng.
Có thể thấy một trong những vấn đề mà các HTX, doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi xuất khẩu nông sản sang Ấn Độ chính là vấn đề khoảng cách địa lý giữa hai nước khá xa. Điều này khiến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao hơn so với xuất khẩu sang một số nước trong khu vực. Đặc biệt vào những thời điểm tình trạng thiếu container diễn ra sẽ đẩy giá thành, làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt.
Một trong những số liệu được Bộ NN&PTNT đưa ra đó chính là Việt Nam và Ấn Độ đều có thế mạnh về nông nghiệp, xuất khẩu nông lâm thủy sản của hai nước tương đương nhau, trên 53 tỷ USD/năm. Vậy nhưng xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước vẫn còn chưa lớn.
Cụ thể là năm 2023, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Ấn Độ vẫn ở mức khiêm tốn là 507 triệu USD, chiếm khoảng 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của Ấn Độ.
Điều này được đánh giá là chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam và chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản, hàng hóa của đất nước có dân số đông như Ấn Độ.
Hiện ngoài thanh long, Ấn Độ cũng có nhu cầu lớn về nhập khẩu các mặt hàng nông sản khác như hạt tiêu, cà phê, trái cây tươi, hạt điều, trà, dầu thực vật, nước ép, khoai lang, chanh dây…
Trong đó, nhiều HTX, doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận khách hàng, đối tác Ấn Độ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn vì không biết tìm kiếm, gặp gỡ, đặt mối quan hệ như thế nào. Bên cạnh đó, việc nắm bắt về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường này cũng chưa thực sự thuận lợi và phổ biến với HTX.
Chủ động thích ứng linh hoạt
Thực chất, tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu nông sản sang Ấn Độ được giới chuyên gia cho rằng không yêu cầu quá khắt khe như thị trường châu Âu hay Trung Quốc hiện nay.
Nhưng ông Chí Anh cho rằng, thị trường nào cũng có những đối tượng khách hàng khác nhau. Chẳng hạn như nếu cung cấp vào khách sạn, nhà hàng 5 sao tại Ấn Độ thì đòi hỏi chất lượng nông sản gần như tuyệt đối với những quy trình chứng nhận rõ ràng. Còn khi nông sản Việt cung cấp cho khách hàng thông thường, cụ thể là phục vụ những tầng lớp người dân phổ thông thì chất lượng có thể thấp hơn, đi liền với nguồn thu thấp hơn.
Bên cạnh đó, dù nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng như nghệ, quế hồi, hạt tiêu, thanh long, rau củ… của Ấn Độ lớn nhưng các HTX, doanh nghiệp cần phải xác định một khi xuất khẩu sản phẩm hàng hóa phải có sức cạnh tranh với nông sản của nước khác. Tức là cùng là thanh long những phải lựa chọn thanh long có thời gian thu hoạch khác hoặc những nông sản có mùi vị, chất lượng cao hơn so với nông sản cùng loại.
Đặc biệt hiện nay, để tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp HTX có thể tham gia các hội chợ trực tuyến hoặc gửi thông tin HTX, sản phẩm của mình tại các hội chợ nông sản, hội nghị xúc tiến thương mại hoặc tiếp cận khách hàng Ấn Độ bằng các mạng xã hội.
Ngay như HTX Thuận Tiến và công ty Ago cũng tiếp cận được với khách hàng Ấn Độ và có những hợp đồng hợp tác lâu dài là nhờ để thông tin đơn vị sản xuất và sản phẩm tại hội chợ quốc tế, sau đó khách hàng chủ động liên hệ và sang trực tiếp Việt Nam tìm hiểu, ký kết hợp đồng.
‘Người Ấn Độ cũng sử dụng mạng xã hội để làm việc và kết nối giao thương khá nhiều. Quan trọng là cách tiếp cận khách hàng của HTX như thế nào? Giá trị cốt lõi của HTX ra sao, có hướng đến sản xuất bền vững hay không mà thôi”, nhà sáng lập kiêm CEO của Công ty TNHH XNK Ago cho biết.
Còn bàn về việc làm sao để tiết kiệm chi phí xuất khẩu sang Ấn Độ, ông Rocky Ngọc Thạch, CEO của Smart Link Logistics, cho biết Ấn Độ đang được coi là miếng bánh mà rất nhiều doanh nghiệp quốc tế đang “dòm ngó” và muốn tìm hiểu, đầu tư để sinh lời. Ấn Độ cũng được mệnh danh là thị trường của tương lai vì số lượng doanh nghiệp lớn, nhu cầu hợp tác kinh doanh cao nên hiện nay rất nhiều hãng tàu đang khai thác chuyến đi sang đây. Trung bình hàng tuần có khoảng 47 chuyến tàu trực tiếp từ Việt Nam sang Ấn Độ.
Vị CEO này cũng cho rằng, ngoài việc bảo đảm chất lượng nông sản thì các đơn vị xuất khẩu cũng cần quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu. Điều này sẽ giúp đơn vị xuất khẩu không phải chạy theo khách hàng mà còn thu hút được những nguồn khách mới, từ đó nâng cao nguồn thu.
Đặc biệt, Ấn Độ là thị trường rộng lớn, có rất nhiều doanh nghiệp nên thách thức đặt ra là đơn vị xuất khẩu phải chọn lọc khách hàng một cách phù hợp với nhu cầu của mình. Đặc biệt, cần lường trước được những khó khăn trong vận chuyển để có những kế hoạch xử lý, bảo quản phù hợp nhất, an toàn nhất.