Đây chính là cách Trung Quốc phát triển ngành chăn nuôi lợn của mình!
Cuối tháng 9/2022, những con lợn nái đầu tiên được đưa tới tòa nhà cao 26 tầng khổng lồ này. Đây sẽ là nơi chúng sống, từ lúc còn bé đến khi trưởng thành.
Thật kỳ lạ, đây chính là cách Trung Quốc phát triển ngành chăn nuôi lợn trong bối cảnh khan hiếm đất nông nghiệp, sản xuất lương thực tụt hậu còn nguồn cung thịt lợn trở thành mục tiêu thiết yếu.
Tại tòa nhà đặc biệt, lợn giống được giám sát bằng camera bởi các kỹ thuật viên làm việc bên trong một trung tâm chỉ huy giống hệt NASA. Mỗi tầng là một trang trại khép kín mô phỏng giai đoạn phát triển khác nhau của lợn con: khu dành cho lợn mang thai, phòng dành cho lợn sắp đẻ, khu chăm sóc và khu vỗ béo lợn. Mỗi ngày, hơn 453.000 kg thức ăn được đưa tới các tầng thông qua máng ăn công nghệ cao tự động có thể phân chia thức ăn dựa trên nhu cầu, cân nặng và sức khỏe của lợn.
“Chung cư” lợn, tại ngoại ô Ngạc Châu - một thành phố nằm ở bờ nam sông Dương Tử, được ca ngợi là trang trại lợn độc lập lớn nhất thế giới. Công suất xử lý dự kiến có thể đạt 1,2 triệu con lợn/năm.
Trung Quốc đặc biệt chú trọng chăn nuôi lợn. Trong nhiều thập kỷ, nhiều hộ gia đình ở nông thôn đã nuôi lợn thả vườn, vừa để cho thịt, vừa để lấy chất thải làm phân bón. Lợn còn mang một ý nghĩa văn hóa, biểu trưng cho sự thịnh vượng bởi trước đây, thịt của chúng chỉ được phục vụ vào những dịp đặc biệt.
Ngày nay, không một quốc gia nào tiêu thụ nhiều thịt lợn bằng Trung Quốc. Giá thịt lợn tại đây được theo dõi chặt chẽ như một thước đo lạm phát, thậm chí được quản lý cẩn thận thông qua kho dự trữ thịt chiến lược của đại lục. Tuy nhiên, do giá thịt lợn Trung Quốc khá cao, hàng chục trang trại công nghiệp khổng lồ những năm gần đây đã mọc lên như một cách giúp Bắc Kinh thu hẹp khoảng cách về giá với các nước.
Được xây dựng bởi công ty Chăn nuôi Hiện đại Hubei Zhongxin Kaiwei, “chung cư lợn” Ngạc Châu chẳng khác nào một tượng đài thể hiện tham vọng hiện đại hóa sản xuất của Trung Quốc.
“Chăn nuôi lợn Trung Quốc hiện vẫn còn chậm hơn các quốc gia tiên tiến hàng chục năm. Điều này trao cho chúng tôi cơ hội để cải thiện và bắt kịp”, Chủ tịch công ty Zhuge Wenda nói.
Theo The New York Times, vận hành tại “chung cư lợn” đạt độ chính xác cần thiết tương đương một dây chuyền sản xuất iPhone của Foxconn. Ngay cả phân lợn cũng được cân đo, tổng hợp và tái sử dụng.
“Một quốc gia phải củng cố nền nông nghiệp trước khi trở thành cường quốc. Chỉ một nền nông nghiệp mạnh mới có thể làm cho đất nước phát triển hơn”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói.
Tại Trung Quốc, không chất đạm nào quan trọng hơn thịt lợn. Chính phủ thậm chí còn ban hành nghị định vào năm 2019, yêu cầu tất cả các cơ quan hỗ trợ ngành thịt lợn, đặc biệt là các trang trại quy mô lớn. Cùng năm đó, Bắc Kinh cho biết sẽ phê duyệt mô hình chăn nuôi cao tầng để nuôi được nhiều lợn hơn, trên một diện tích nhỏ hơn.
“Đây là một cột mốc quan trọng không chỉ đối với Trung Quốc. Những trang trại nhiều tầng này sẽ tác động đến thế giới nữa”, Yu Ping, Giám đốc điều hành Yu's Design Institute, một công ty thiết kế trang trại lợn cho biết.
“So với phương pháp chăn nuôi truyền thống, các trang trại lợn cao tầng thông minh hơn, có mức độ tự động hóa và an toàn sinh học lớn hơn. Đồng thời, chúng cũng giúp tiết kiệm tài nguyên đất”, một giáo sư tại Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc nói.
Tuy nhiên, theo ông Brett Stuart, người sáng lập Global AgriTrends, một công ty nghiên cứu thị trường, “chung cư lợn” và các trang trại khổng lồ có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng lây nhiễm bệnh. Việc nuôi quá nhiều lợn cùng nhau trong một cơ sở duy nhất khiến việc ngăn ngừa trở nên vô cùng khó khăn.
“Câu hỏi quan trọng hơn là phương thức sản xuất này có phù hợp với nhu cầu cắt giảm tiêu thụ thịt hay không, trong câu chuyện rủi ro biến đổi khí hậu”, giáo sư Dirk Pfeiffer tại Đại học Thành thị Hong Kong nhận định.
Dẫu vậy, trong bối cảnh giá thịt lợn tăng giá sau nhiều năm, các trang trại lợn, dưới sự hỗ trợ của chính phủ Bắc Kinh, vẫn lợi nhiều hơn hại.
“Chính phủ hy vọng rằng việc hợp nhất sẽ giúp giá cả dễ dự đoán hơn và ít biến động hơn theo thời gian. Đó là mục tiêu cuối cùng”, Pan Chenjun, Giám đốc điều hành bộ phận nông nghiệp và thực phẩm của RaboResearch cho biết.
Quay trở lại khoảng thời gian 4 năm trước, khi lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng bắt đầu sa sút, Hubei Zhongxin Kaiwei quyết định đầu tư 600 triệu USD vào trang trại nuôi lợn cao tầng. 900 triệu USD cũng được rót vào một nhà máy chế biến thịt gần đó.
Với nguồn nhân lực sẵn có, công ty này xây một tòa nhà cao tầng để tiết kiệm đất, sau đó tận dụng nhiệt dư thừa để cung cấp nước nóng và nước uống ấm cho lợn. Theo Hubei Zhongxin Kaiwei, điều này sẽ giúp lợn lớn nhanh hơn và tiêu tốn ít thức ăn hơn.
Được biết, lợn con sẽ được đưa ra chuồng nuôi sau 23 ngày kể từ khi chào đời. Chúng được nuôi trong 6-8 đến tháng cho đến khi sẵn sàng để xuất bán ra thị trường. Hệ thống trang trại hiện đại đảm bảo lợn tắm hàng ngày và được cho ăn chính xác theo cân nặng, giống và nhu cầu cá nhân.
Theo: The New York Times, Guardian
Vũ Anh