Chỉ trong vài năm, Nông dược HAI từ một công ty tiềm năng trong ngành nông nghiệp đã rơi vào khủng hoảng với cổ phiếu lao dốc, kinh doanh bấp bênh, biến động nhân sự...
Hoạt động trong lĩnh vực cung cấp phân bón, hóa chất và các sản phẩm bảo vệ cây trồng, Công ty Cổ phần Nông dược HAI (Mã chứng khoán: HAI) từng được đánh giá là doanh nghiệp tiềm năng với triển vọng phát triển lớn.
Cột mốc quan trọng đến vào năm 2009 khi công ty chính thức niêm yết trên sàn HoSE, mở ra cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh nhờ đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm nông dược chất lượng cao.
Liên tiếp các năm sau đó, Nông dược HAI gặt hái được vô vàn thành công. Từ vốn sở hữu ban đầu sau khi cổ phần hóa là 114 tỷ đồng vào năm 2005, sau 10 năm, Nông dược HAI đã "phi mã" cán mức doanh thu hơn 1.800 tỷ đồng vào năm 2015.
Nông dược
Dẫu những tiềm năng ban đầu được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Nông dược HAI, nhưng thực tế lại khác, biến động bất ngờ đã khiến công ty gần như "gục ngã." Trong chỉ vài năm, Nông dược HAI phải đối mặt với hàng loạt thách thức, doanh thu giảm sút, nợ nần tăng cao, cùng với những biến cố trong quản lý đã làm cho triển vọng phát triển trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết.
Hiệu ứng "Domino" sau bê bối FLC
Một phần nguyên nhân khiến tình hình tài chính của Nông dược HAI xấu đi là do tác động kép từ dịch bệnh Covid-19 và những bê bối liên quan đến Tập đoàn FLC. Đặc biệt, sau khi Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt giữ vào tháng 3/2022 với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán, Nông dược HAI đã chịu nhiều hệ lụy tiêu cực.
Trước đó, FLC từng là cổ đông lớn và có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển của HAI trong nhiều năm. Tuy nhiên, khi FLC gặp rắc rối, những khó khăn về tài chính và quản lý cũng nhanh chóng lan sang Nông dược HAI, khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn.
HAI là một trong những cổ phiếu nằm trong "họ FLC" cùng với AMD, GAB, ROS, ART, KLF; những cổ phiếu này nằm trong hệ sinh thái doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn FLC và cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết.
Nhìn lại giai đoạn 2018-2019, dù doanh thu đạt mức 1.645 tỷ đồng, tăng 68% so với năm trước, nhưng lợi nhuận của công ty lại không khả quan, ghi nhận khoản lỗ 71 tỷ đồng vào năm 2018, chủ yếu do chi phí tăng cao và áp lực cạnh tranh gay gắt trong ngành.
Sau đó, năm 2019 và 2020 đều ghi nhận sự phục, công ty báo lãi trở lại. Nhưng dưới tác động của đại dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng khan hiếm nguyên liệu, chi phí vận tải tăng cao dẫn đến năm 2021, công ty lỗ nặng tới 664 tỷ đồng.
Bước sang năm 2023, Nông dược HAI ghi nhận doanh thu đạt 165 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, công ty ghi nhận lỗ ròng hơn 25 tỷ đồng- tức công ty không còn khả năng sinh lời từ hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, nhờ trích lập khoản thu nhập khác trị giá 99 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm trước mà sau thuế Nông dược HAI báo lãi 71,7 tỷ đồng, tăng 2,9 lần cùng kỳ năm 2022.
Trong nửa đầu năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu tăng 65% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 1,5 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với số lỗ cùng kỳ năm ngoái. Nhưng do không còn ghi nhận thêm khoản thu nhập khác nên trong kỳ công ty báo lãi 662 tỷ đồng, giảm tới 99%.
Những khủng hoảng liên tiếp
Bên cạnh đó, áp lực từ thị trường và loạt thông tin tiêu cực đã khiến cổ phiếu HAI rơi vào khủng hoảng. Cổ phiếu này không chỉ giảm giá mạnh mà còn mất thanh khoản và bị HoSE đưa vào diện cảnh báo và buộc phải rời khỏi sàn HoSE vào đầu tháng 4/2023.
Chỉ trong vài tháng, cổ phiếu HAI có thời điểm mất đến 50% giá trị. Điều này làm giá trị vốn hóa của công ty sụt giảm nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến tài sản của các cổ đông lớn và ảnh hưởng nặng nề đến khả năng tài chính của doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án, duy trì hoạt động sản xuất. Đến ngày 27/9, cổ phiếu HAI giao dịch trên sàn UPCoM với mức giá chỉ còn 1.500 đồng/cổ phiếu, giảm tới 99% so với mức đỉnh khoảng 10.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2022, nằm trong diện cảnh báo và hạn chế giao dịch.
Diễn biến thị giá cổ phiếu
Không chỉ cổ phiếu mà trong giai đoạn trên Nông dược HAI cũng chứng kiến nhiều biến động về nhân sự cấp cao, trong đó chức vụ Chủ tịch HĐQT đã liên tục thay người. Ông Nguyễn Chí Công hiện đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT từ năm 2023, thay thế ông Nguyễn Đức Công sau khi ông này từ nhiệm vào tháng 6/2023. Trước đó, bà Bùi Hải Huyền đã từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Nông dược HAI kể từ 17/10/2018 đến tháng 4/2021.
Ngoài ra, sự bất ổn còn thể hiện qua việc nhiều lần tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) nhưng không thành công. ĐHĐCĐ bất thường ngày 20/12/2021 không đạt đủ số cổ đông tham dự để tiến hành. Đến ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 25/4/2022, tình trạng tương tự tiếp diễn. Đến tháng 6/2024, công ty vẫn không thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên do chỉ có 27,9% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.
Có thể thấy, những bê bối liên quan đến Tập đoàn FLC đã tác động tiêu cực rõ rệt đến tình hình tài chính và niềm tin của nhà đầu tư đối với Nông dược HAI. Để vượt qua giai đoạn này, công ty chắc hẳn sẽ cần triển khai các biện pháp mạnh mẽ nhằm ổn định tài chính và cải thiện hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới.
Nguyễn Phương Anh