Dù vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn nhưng nông dân và các nhà quản lý Mỹ cho rằng, những chính sách mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể mang lại lợi ích cho người lao động, mặc dù có một số tổn thương tạm thời.
Nông dân thu hoạch đậu nành tại trang trại Hodgen ở Roachdale, Indiana, Mỹ.
Chính sách đảo ngược?
Đảng Cộng hòa của Tổng thống đắc cử Donald Trump nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên khắp vành đai nông nghiệp Mỹ, nơi ông đã giành chiến thắng ở hầu hết các tiểu bang trong cuộc bầu cử hôm 5/11. Nông dân thường ủng hộ ông mặc dù ngành nông nghiệp Mỹ là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong “cuộc chiến thương mại” Mỹ - Trung Quốc mà ông Trump đã tiến hành trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Trong nhiệm kỳ đầu, sau khi ông Trump áp đặt thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa từ Trung Quốc, nước này đã đáp lại bằng các mức thuế đối với hàng nhập khẩu nông sản của Mỹ. Trên thực tế, xuất khẩu đậu nành của Mỹ sang Trung Quốc chưa bao giờ phục hồi và Trung Quốc đã cắt giảm sự phụ thuộc vào hàng nông sản của Mỹ kể từ “cuộc chiến thương mại” năm 2018.
Hai ứng cử viên tiềm năng cho vị trí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump là ông Sid Miller - Bộ trưởng Nông nghiệp Texas và ông Kip Tom - cựu đại sứ tại cơ quan lương thực của Liên hợp quốc (LHQ) - cho biết, họ muốn chính quyền Trump tập trung vào việc thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ và xây dựng các thỏa thuận thương mại để giúp phục hồi ngành này.
"Chúng ta thực sự cần phải ra ngoài đó để đại diện cho các sản phẩm của Mỹ và đảm bảo rằng, chúng ta có được doanh số bán hàng trên sổ sách" - cựu đại sứ Kip Tom cho biết.
Nhưng ông Trump đang đe dọa áp mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Trung Quốc có khả năng sẽ đáp trả. Điều đó sẽ dẫn đến việc tiếp cận ít hơn, chứ không phải nhiều hơn vào thị trường nhập khẩu nông sản của Trung Quốc. Ông Trump cũng có khả năng sẽ áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác mà nông dân muốn bán sang.
Ông Donald Trump - người đã đánh bại Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 - đã tuyên bố sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và ít nhất 10% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu khác trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.
"Thật ngây thơ khi bất kỳ ai nghĩ rằng, việc ông Trump và đảng Cộng hòa sẽ có tác động tích cực đến ngành nông nghiệp" – ông Jay O'Neil, một cố vấn ngành ngũ cốc và cựu chuyên gia kinh tế tại Đại học bang Kansas, cho biết.
Ông Jay O'Neil cho rằng, một vòng chiến tranh thương mại mới sẽ diễn ra vào thời điểm khó khăn. Giá ngô và đậu nành của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay do áp lực từ vụ thu hoạch lớn và sự cạnh tranh gay gắt để giành doanh số xuất khẩu toàn cầu từ nhà cung cấp đối thủ Brazil. Điều đó đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế nông nghiệp của Mỹ và làm giảm nhu cầu về máy kéo, máy gặt đập liên hợp và các thiết bị nông nghiệp khác từ các công ty như Deere & Co.
Tổn thương tạm thời
USDA cho biết, Mỹ dự kiến sẽ phải đối mặt với thâm hụt thương mại nông nghiệp kỷ lục 42,5 tỷ USD vào năm 2025. Cơ quan này cho biết, xuất khẩu đậu nành của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm xuống còn khoảng 26,4 triệu tấn vào năm ngoái từ 36,1 triệu tấn vào năm 2016 và 31,7 triệu tấn vào năm 2017, trước “cuộc chiến thương mại” gần đây nhất.
Theo Cục Thống kê Mỹ, Bắc Kinh đã không thực hiện việc mua nông sản của Mỹ theo thỏa thuận thương mại năm 2020 đã ký để chấm dứt “cuộc chiến thương mại”. Tuy nhiên, người nông dân cho biết, họ nghĩ một cuộc tranh chấp mới với Bắc Kinh sẽ không kéo dài và ít đau đớn về mặt kinh tế hơn. "Nó sẽ không kéo dài như lần đầu tiên vì họ biết ông ấy (ông Trump) nghiêm túc" – ông Sid Miller, cho biết.
Chính quyền đầu tiên của ông Trump đã giữ chân nông dân bằng các khoản trợ cấp hào phóng để bù đắp cho doanh số bán hàng bị mất do chiến tranh thương mại của Mỹ. Một nghiên cứu của Đại học California-Davis cho thấy, những người nông dân trồng đậu nành đã nhận được thêm 5,4 tỷ USD tiền viện trợ so với số tiền họ mất do tác động giá cả.
Theo một nghiên cứu vào tháng 10 của Hiệp hội trồng ngô quốc gia và Hiệp hội đậu nành Mỹ, một cuộc chiến thương mại khác có thể khiến những người nông dân trồng đậu nành mất từ 3,6 tỷ USD đến 5,9 tỷ USD giá trị sản xuất hàng năm, tùy thuộc vào diễn biến của tranh chấp.
Đối với ngô, Brazil đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà cung cấp hàng đầu của Trung Quốc vào năm 2023, chỉ một năm sau khi Bắc Kinh chấp thuận mua hàng từ cường quốc nông nghiệp Nam Mỹ này. "Chúng ta đã để Brazil, Argentina, Australia, New Zealand và mọi quốc gia khác đánh bại. Chúng ta cần phải đảo ngược xu hướng đó" – ông Miller nói.
Theo dữ liệu của USDA, xuất khẩu đậu nành của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái tính đến tháng 9 và xuất khẩu ngô giảm 71%. Sự sụt giảm này khiến ông Dave Kestel - một người trồng ngô và đậu nành ở Manhattan, Illinois - lo lắng nhưng lạc quan rằng, một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc cuối cùng có thể mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ, mặc dù có một số tổn thương tạm thời.