Đều được bổ sung vào rổ chỉ số của thị trường cận biên là MSCI Frontier Markets Index trong kỳ cơ cấu sắp tới, “sức khỏe” cũng như biến động giá 2 mã cổ phiếu DBC (Dabaco) và VPB (VPBank) ra sao?
MSCI vừa công bố kết quả cơ cấu (review) định kỳ quý IV. Trong đó, bộ chỉ số của thị trường cận biên là MSCI Frontier Markets Index được bổ sung tổng cộng 4 cổ phiếu và loại ra 5 mã.
Đều kinh doanh khởi sắc
Riêng thị trường Việt Nam, MSCI thêm mới cổ phiếu DBC và VPB, đồng thời không loại bất kỳ mã nào.
Dữ liệu từ MSCI cho thấy, tại cuối tháng 10, Việt Nam vẫn là quốc gia chiếm tỷ trọng cao nhất trong MSCI Frontier Market Index với tỷ lệ 25%.
Cổ phiếu
Về VPBank, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý III/2024 đạt 5.187 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 13.861 tỷ đồng, tăng 67%. Trong đó, ngân hàng mẹ đóng góp hơn 13.000 tỷ đồng, các công ty con cũng tiếp nối đà tăng từ các quý trước.
Cuối quý III/2024, tổng tài sản VPBank đạt 858.884 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,19% lên 635.344 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng tăng 7,55%, đạt 475.782 tỷ đồng.
Giá trị thương hiệu của VPBank năm 2024, theo đánh giá mới nhất của Brand Finance, đã tăng gần 6% so với năm 2023, đạt 1,35 tỷ USD, lọt Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2024.
Tương tự, Dabaco cũng ghi nhận một quý kinh doanh đầy khởi sắc khi ghi nhận doanh thu thuần quý III/2024 đạt 3.525 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp khoảng 624 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 18%. Lợi nhuận trước và sau thuế đều tăng mạnh so với cùng kỳ, lần lượt gấp 14 lần lên 331 tỷ đồng và 25 lần lên 312 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần 9.962 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giai đoạn này khoảng 1.403 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp hơn 14%.
Sau khi trừ đi các khoản phí, Dabaco báo lãi trước thuế 588 tỷ đồng và lãi sau thuế 530 tỷ đồng, lần lượt gấp 7 lần và 3 lần cùng kỳ.
Năm nay, Dabaco dự kiến doanh thu đạt 25.380 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 730 tỷ đồng. Sau 3 quý, công ty đã hoàn thành 41% kế hoạch doanh thu và 73% mục tiêu lợi nhuận.
Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của Dabaco đạt khoảng 14.070 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho chiếm nhiều nhất trong cơ cấu tài sản của công ty, tương ứng 5.453 tỷ đồng. Nợ phải trả giảm đáng kể so với đầu kỳ, từ 8.345 tỷ đồng xuống 7.542 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu tăng 1.861 tỷ đồng so với đầu năm, lên 6.527 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gấp 19 lần đầu kỳ, đạt 533 tỷ đồng.
Cổ phiếu được khuyến nghị khả quan
Trên thị trường, cổ phiếu DBC đã tăng đột biến từ tháng 2/2023 đến tháng 7/2024. Tuy nhiên, sau khi đạt mức giá 36.500 đồng/cp trong phiên 9/7, cổ phiếu này quay đầu điều chỉnh giảm. Đây cũng là giai đoạn Dabaco báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2024 giảm sút. Hiện, cổ phiếu DBC đang giao dịch quanh vùng giá 28.000 đồng/cp; vốn hóa đạt hơn 9.200 tỷ đồng.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán DSC đã đưa ra mức giá mục tiêu năm 2024 cho cổ phiếu DBC là 37.900 đồng/cp (vượt đỉnh lịch sử) dựa trên triển vọng tăng trưởng của ngành chăn nuôi heo và lợi thế dẫn đầu của doanh nghiệp.
Cụ thể, giá heo hơi đã quay đầu tăng trở lại kể từ cuối năm 2023 và hiện đang duy trì quanh mức 65.000 đồng/kg do nguồn cung heo giảm. Bên cạnh đó, mặt bằng giá heo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến hết năm 2024.
Với sự chủ động về con giống và mô hình hoạt động khép kín, Dabaco không chỉ tái đàn trước các doanh nghiệp khác mà còn hạn chế được dịch bệnh. DSC đánh giá doanh nghiệp sẽ có lợi thế rất lớn trong đợt sóng giá heo này.
Mặt khác, giá các loại ngũ cốc làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã hạ nhiệt đáng kể từ vùng đỉnh năm 2022, mặc dù diễn biến thời tiết tại các quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn không quá thuận lợi.
Trong khi đó, cơ cấu nguồn cung heo đang dịch chuyển từ các nông hộ nhỏ lẻ sang doanh nghiệp lớn khi các quy định mới của Luật Chăn nuôi sắp đến thời điểm có hiệu lực (từ ngày 1/1/2025). Dabaco có thể chiếm lĩnh thị phần nhờ lợi thế quy mô lớn, trang trại hiện đại, khép kín và nguồn giống chất lượng có khả năng tái đàn nhanh.
Với dự án vaccine dịch tả heo châu Phi (ASF), Dabaco cho biết đang gấp rút hoàn thiện công đoạn kiểm nghiệm và tiến hành đánh giá GMP để sớm tiến hành thương mại hóa vaccine ASF. Doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị cho 2 đợt phát hành cổ phiếu nhằm bổ sung vốn cho dự án nhà máy dầu đậu nành. Đây là 2 dự án lớn và quan trọng có tiềm năng trở thành động lực tăng trưởng cho Dabaco trong trung và dài hạn.
Về cổ phiếu VPB, trong vòng 3 tháng qua, cổ phiếu này diễn biến khá tích cực với mức tăng 9% cùng thanh khoản luôn nằm top giao dịch sôi động nhất thị trường.
Hiện, cổ phiếu VPB đang giao dịch với P/B và P/E dự phóng năm 2024 lần lượt là 1,11 lần và 10 lần, trong khi bình quân nhóm ngân hàng thương mại tư nhân lần lượt ở mức 1,23 lần và 7,6 lần.
Đưa ra khuyến nghị về cổ phiếu VPB, SSI Research cho biết việc lãi suất huy động của ngân hàng đã tăng nhẹ từ tháng 5/2024 dự kiến sẽ chỉ tác động nhỏ đến chi phí vốn. Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ khó tăng do các ngân hàng phải cạnh tranh lãi suất với nhau để tăng trưởng tín dụng. Do đó, NIM có khả năng sẽ chịu áp lực trong nửa cuối năm 2024 nhưng nhìn chung vẫn sẽ cải thiện so với năm 2023.
Về chất lượng tài sản, nợ xấu chủ yếu do phân khúc bán lẻ, đặc biệt là các khoản cho vay mua nhà. Trong quý III/2024, tổng nợ tái cơ cấu đạt 12 nghìn tỷ đồng, chủ yếu từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp.
Đối với VPBank, cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và điều chỉnh các sản phẩm của nhà băng nhằm thu hút các doanh nghiệp FDI, các khoản tín dụng xanh và khách hàng bán lẻ có thu nhập cao.
Riêng về FE Credit, các nhà đầu tư tập trung vào danh mục cho vay và chất lượng tài sản của công ty. Danh mục cho vay hiện nay bao gồm 50% cho vay tiền mặt, 20% thẻ tín dụng, còn lại là các khoản cho vay đồ điện tử và xe máy. Trong giai đoạn 2019-2021, FE Credit đã tích cực gia tăng thị phần bằng cách đẩy mạnh các khoản vay tiền mặt cho phân khúc phổ thông và thu nhập thấp.
Tuy nhiên, nợ xấu cũng từ đó mà gia tăng, đặc biệt trong đại dịch Covid-19, không chỉ làm giảm chất lượng tài sản mà còn giảm thị phần công ty trong những lĩnh vực khác. Đối với chất lượng tài sản, công ty cho rằng nợ xấu đã đạt đỉnh trong quý III/2023 và kỳ vọng sẽ cải thiện cùng với nhu cầu tiêu dùng phục hồi.
Trong giai đoạn sắp tới, FE Credit dự kiến sẽ ưu tiên các khoản vay tiêu dùng mua các mặt hàng điện tử và xe máy, trong khi hạn chế cho vay những phân khúc rủi ro cao, như cho vay tiền mặt.
SSI hiện khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VPB, với giá mục tiêu 1 năm là 21.700 đồng/cp (tiềm năng tăng giá là +6%).