Báo cáo "Cuộc sống số của người Việt Nam" của Q&Me cho thấy, có đến 51% người trẻ trong độ tuổi 18 - 29 tuổi dành trên 3 giờ mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội.
Báo cáo chỉ ra rằng, thời gian người Việt dành cho các nền tảng mạng xã hội. Trong đó, nhóm người trẻ trong độ tuổi 18 - 29 chiếm tỷ lệ cao nhất khi có 51% cho biết họ dành hơn 3 giờ mỗi ngày để lướt mạng xã hội.
Đặc biệt, 31% dành từ 2 - 3 giờ mỗi ngày cho các nền tảng xã hội, trong khi 20% dành từ 3 - 4 giờ và 19% cho biết, họ sử dụng mạng xã hội hơn 5 giờ mỗi ngày.
Biểu đồ thời gian người dùng sử dụng mỗi ngày trên mạng xã hội. Ảnh: Q&Me.
Ở nhóm tuổi 30 - 39, mặc dù không quá nhiều người dành hơn 3 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội, nhưng vẫn có một bộ phận đáng kể (33%) dành từ 1 - 2 giờ mỗi ngày cho việc kết nối trực tuyến, và 27% dành từ 2 - 3 giờ cho các nền tảng này. Thời gian sử dụng mạng xã hội của nhóm tuổi này tuy không bằng người trẻ, nhưng vẫn phản ánh một thói quen giao tiếp, làm việc và giải trí ngày càng gắn liền với công nghệ.
Một trong những chỉ số đáng chú ý trong báo cáo là Facebook vẫn giữ được sức hút mạnh mẽ đối với giới trẻ từ 18 - 29 tuổi, khi có tới 34% trong số họ xem đây là “ứng dụng không thể thiếu”. Tuy nhiên, sự phân chia trong thói quen sử dụng mạng xã hội giữa các nhóm tuổi cũng thể hiện rõ nét.
Biểu đồ bình chọn nền tảng không thể thiếu năm 2024. Ảnh: Q&Me.
Cụ thể, với nhóm người từ 30 - 49 tuổi, Zalo chiếm ưu thế vượt trội, khi có đến 51% người trong độ tuổi này ưu tiên Zalo hơn Facebook. Nhìn chung, tỷ lệ người lựa chọn Zalo cao hơn so với Facebook trên toàn quốc, với tỷ lệ lần lượt là 36% và 29%.
Không chỉ cạnh tranh trên nền tảng mạng xã hội, Zalo và Facebook còn có sự phân chia rõ rệt trong việc sử dụng các ứng dụng nhắn tin. Trong khi nhóm người từ 30 - 39 tuổi có xu hướng sử dụng Zalo thường xuyên, giới trẻ lại ưa chuộng Messenger hơn, coi đây là công cụ giao tiếp không thể thiếu trong đời sống hằng ngày.
Điều này tạo ra một sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm tuổi, khi Zalo và Messenger trở thành lựa chọn giao tiếp riêng biệt đối với từng thế hệ. Một điểm chung giữa hai nhóm là sự ưa chuộng đối với YouTube, nền tảng video này dường như là điểm gặp gỡ duy nhất giữa thế hệ trẻ và các thế hệ lớn tuổi hơn.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của TikTok không thể không nhắc đến. Người trẻ, đặc biệt là trong độ tuổi 18 - 29, thể hiện sự gắn bó sâu sắc với nền tảng video ngắn này, với lượng người dùng ngày càng tăng. Tuy nhiên, những người ngoài 30 tuổi lại không đánh giá cao TikTok trong đời sống thường nhật.
Thú vị hơn, Zalo chiếm lĩnh vị trí số 1 trong lòng các doanh nghiệp, chiếm 92% bình chọn là công cụ trò chuyện phổ biến trong công việc. Ảnh: Q&Me.
Các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook và TikTok sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống người Việt trong năm 2024. Mỗi ứng dụng đều có đặc thù riêng, phù hợp với thói quen và nhu cầu của từng nhóm tuổi.
Sự khác biệt trong thời gian sử dụng mạng xã hội và các công cụ giao tiếp cũng phản ánh rõ rệt sự phân hóa giữa các thế hệ, đồng thời tạo ra cơ hội cho các nhà phát triển ứng dụng hiểu rõ hơn về nhu cầu người dùng và tối ưu hóa các sản phẩm của mình.
Ngọc Hiền