Gần 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2024, nhưng thông tin từ các đơn vị cho thấy, kim ngạch xuất khẩu (XK) của nhiều ngành hàng tiếp tục đạt kết quả tích cực, thậm chí dự kiến xác lập kỷ lục mới. Đây là những tiền đề tích cực để hoạt động XK năm 2025 tăng tốc mạnh mẽ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, vượt mục tiêu cả năm 2024. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều mặt hàng dự kiến lập kỷ lục
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, ước tính 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch XK rau quả đạt 6,6 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2023. “Với đà tăng trưởng này, ước tính kim ngạch XK rau quả năm nay đạt 7,1 - 7,2 tỷ USD, tăng 1,6 tỷ USD so với năm 2023, lập kỷ lục mới”, ông Nguyên dự tính.
Theo đại diện Hiệp hội này, 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch XK rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn tăng trưởng khả quan, trong đó khai thác tốt nhiều thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, UAE. Đóng góp phần lớn vào kim ngạch XK rau quả là sản phẩm sầu riêng với thị trường chủ lực là Trung Quốc.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho thấy, XK thủy sản của Việt Nam năm nay đang tiến gần mốc 10 tỷ USD với lũy kế đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch XK đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước.
Với đà tăng trưởng hiện nay, VASEP dự báo, kim ngạch XK ngành thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD, tăng trưởng 11,5% so với năm 2023, trong đó, XK tôm dự báo đạt 4 tỷ USD và cá tra có thể cán mốc 2 tỷ USD, tiếp tục là hai trụ cột chính đóng góp vào thành công này.
Chia sẻ với báo chí ngày 4/12/204, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, dù đối mặt khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp vẫn có nhiều điểm sáng trong sản xuất, đặc biệt là XK đã đạt cột mốc quan trọng. Tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2024 đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả đạt được, kim ngạch XK đã vượt mục tiêu đề ra 54 - 55 tỷ USD cho cả năm 2024 và đang tự tin để hướng tới kỷ lục mới.
Theo ông Tiến, 11 tháng đầu năm nay, XK một số mặt hàng nông sản chính như gạo, cà phê, rau quả đều thu về số tiền kỷ lục. “Nếu XK nông lâm thủy sản tháng 12 tiếp tục đạt trên 5 tỷ USD, thì cả năm nay chúng ta thu về trên 60 tỷ USD”, ông Tiến nói.
Với ngành dệt may, da giầy - túi xách… các thông tin công bố gần đây cũng cho thấy những tín hiệu rất khả quan. Trong đó, kim ngạch XK dệt may ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023; XK da giầy - túi xách nhiều khả năng sẽ về đích với 27 tỷ USD…
Theo những thông tin tích cực đó, báo cáo mới nhất của Ngân hàng UOB vừa công bố dự báo năm 2024, XK của Việt Nam sẽ tăng 18%, là năm tăng trưởng mạnh nhất kể từ 2021.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023. Ảnh: Nhã Chi
Tiền đề tăng tốc mạnh mẽ
Năm 2025, ông Đặng Phúc Nguyên không giấu kỳ vọng ngành hàng rau quả sẽ tiếp tục bứt phá, với kim ngạch XK ước tính 8 tỷ USD. Về cơ sở của nhận định này, theo ông Nguyên là thị trường XK hàng hóa của Việt Nam ngày càng mở rộng; diện tích trồng cây ăn quả cũng tăng lên…
“Việc Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư về xuất khẩu một số mặt hàng nông sản sẽ tiếp tục tạo đà cho ngành rau quả Việt Nam phát triển vì sang năm sẽ có thêm những mặt hàng mới như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, bưởi, chanh dây… được XK. Những yếu tố này sẽ làm cho kim ngạch XK năm tới chắc chắn tăng”, ông Nguyên lạc quan.
Với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song đơn hàng vẫn tiếp tục dồi dào, trong đó, nhiều DN đang có những chuyển động mạnh mẽ để thích ứng với bối cảnh mới. Theo ông Giang, khách hàng ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về các tiêu chuẩn, trách nhiệm xã hội cũng như thời gian giao hàng, nhưng nhìn chung các DN đã có sự chuẩn bị, sẵn sàng thích ứng. Bên cạnh đó, thị trường XK của các DN cũng đang tiếp tục mở rộng… “Năm 2025 toàn ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch XK đạt khoảng 47 - 48 tỷ USD. Đây là con số đã được tính toán và nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên xu thế đơn hàng”, lãnh đạo VITAS cho hay.
Dù chờ đợi kết quả khả quan, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn, thách thức ở phía trước là rất lớn do tình hình thị trường vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, chi phí logistics cao, biến đổi khí hậu; căng thẳng quân sự. Đặc biệt, nhiều quốc gia nhập khẩu đưa ra những “yêu cầu xanh” với hàng hóa… Vì thế, để thúc đẩy XK, nhất là trong bối cảnh xu hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững đang bao trùm, việc chuẩn bị nguồn hàng XK đáp ứng những tiêu chuẩn bền vững là yếu tố sống còn đối với nền kinh tế. Theo đó, các DN cần chủ động thích ứng, triển khai các sáng kiến xúc tiến XK xanh đáp ứng yêu cầu mới.
Chủ động nắm bắt xu hướng này, thời gian qua, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, một trong những DN dệt may hàng đầu Việt Nam đã tập trung vào chuyển đổi số thông qua đầu tư công nghệ, nâng cao hoạt động đầu tư kinh doanh; từng bước chuyển đổi xanh thông qua đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển kinh doanh để nắm bắt xu hướng thời trang xanh thế giới, mở rộng thị trường XK và đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Cùng với đó, hàng loạt các DN khác như Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát… cũng có những chuẩn bị rất tích cực để nắm bắt xu hướng thị trường, hướng tới XK bền vững.
Việt Anh