Nhiều doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM cho biết những ngày qua họ đang gặp khó hơn bao giờ hết vì giao thông thường thường xuyên ùn tắc, trong khi tài xế không được chạy liên tục quá 4 giờ nhưng thiếu bãi dừng, đỗ nghỉ ngơi 15 phút theo quy định.
Doanh nghiệp vận tải cùng nhiều tài xế ở TP.HCM chịu áp lực với nghị định mới, trong khi hạ tầng giao thông đã cũ, khiến họ gặp nhiều khó khăn, thiệt hại về kinh tế. Clip: C.H
Gần nửa tháng áp dụng Nghị định 168/2024/NĐ-CP, nhiều tài xế, doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM than gặp khó khi vận chuyển hàng. Họ cho biết theo nghị định 168, tài xế không được lái xe liên tục quá 4 giờ, một ngày không được lái xe quá 10 giờ và không quá 48 giờ/tuần.
Những ngày gần đây, TP.HCM bùng phát kẹt xe trầm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải và thu nhập của tài xế. Nhiều tài xế bày tỏ: "Khả năng nghỉ việc giữa chừng rất cao...". Ảnh: Diệu Bình
Trong khi các trục đường ngõ ở TP.HCM và cao tốc vào những ngày cuối năm xảy ra ùn tắc nghiêm trọng, tài xế khi hết thời gian lái liên tục 4 giờ không tìm được chỗ dừng, đỗ 15 phút theo quy định.
Tài xế áp lực mỗi ngày
Trao đổi với phóng viên Dân việt, anh Phan Quang Huy (36 tuổi, quê Quảng Ngãi), tài xế xe đầu kéo chuyên chở hàng cảng Cát Lái (TP.Thủ Đức) cho biết gần Tết, hàng hóa cần chuyên chở rất nhiều nhưng đường luôn xảy ra ùn tắc.
Nhiều xe container thường xuyên xếp hàng dài ở Cát Lái trong những ngày qua. Ảnh: Chinh Hoàng
Mỗi chuyến hàng, anh mất rất nhiều thời gian vì tắc đường từ trong cảng Cát Lái đến các tuyến đường cửa ngõ. Thời gian làm việc của tài xế cũng giới hạn khiến thu nhập giảm mạnh. Trước đây, mỗi ngày anh chở được 2 chuyến hàng nhưng hiện tại, anh vận chuyển một chuyến cũng không xong.
Những ngày qua, anh Huy chở hàng trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương thường xuyên chịu cảnh kẹt xe. Thiết bị định vị báo hết 4 giờ lái liên tục nhưng anh không biết phải xử lý tình huống thế nào.
"Dừng xe lại trên cao tốc thì vi phạm, tiếp tục chạy cũng vi phạm, trong khi các bãi dừng, đỗ xe cho tài xế nghỉ ngơi 15 phút không có, thật sự rất oái ăm", anh Huy nói.
Cùng cảnh ngộ, tài xế Nguyễn Duy Linh (SN 1979, quê Quảng Bình) có thâm niên 10 năm trong nghề. Với ông, chưa có giai đoạn nào khó khăn như hiện nay, từ khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực.
Ông Linh cho biết mình chuyên lái xe đầu kéo container chở hàng từ cảng Cát Lái đi các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ. Từ đầu năm đến nay, ông luôn lái xe trong tâm trạng áp lực vì sợ chạy quá 4 giờ quy định.
Ông thường xuyên gặp cảnh tài xế khác dừng xe trên đường vì chạy quá giờ quy định nhưng không tìm được bãi đậu. Họ dừng xe khiến các phương tiện lưu thông phía sau không qua được dẫn đến ùn tắc.
"Sợ bị phạt, các tài xế mở nắp capo xe giống như phương tiện đang hư hỏng. Khi đủ 15 phút dừng, họ tiếp tục hành trình. Trong khi các xe phía sau chịu cảnh kẹt xe, hết giờ chạy theo quy định, phải tiếp tục đậu lại trên đường. Xe này đậu nối tiếp xe kia khiến giao thông ùn tắc không lối thoát", ông Linh nói.
Ông Linh và ông Huy cho hay, với tình hình giao thông và quy định như hiện nay, các tài xế luôn lái xe trong tâm trạng thấp thỏm. Nếu một tháng bị CSGT thông báo phạt nguội 2-3 lỗi với hàng chục triệu đồng, các tài xế có khả năng phải bỏ nghề vì không đủ tiền đóng.
Doanh nghiệp vận tải thiệt hại nặng
Ông Hoàng Minh (40 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức), chủ một doanh nghiệp vận tải có 12 xe đầu kéo container cho biết, doanh nghiệp ông chuyên chở container từ cảng Cát Lái đi các kho ở khu vực Đông Nam bộ, bán kính di chuyển khoảng 100km.
Với tình hình giao thông hiện nay, các tài xế ở doanh nghiệp của ông cầm thẻ quẹt thiết bị định vị, bắt đầu lái xe vào cảng Cát Lái lấy container mất thời gian 2 giờ.
Từ cổng Cát Lái, tài xế lái xe ra trục đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống hướng về cầu Phú Mỹ thường xuyên chịu cảnh kẹt xe thêm 5-6 giờ. Xe chưa chạy ra khỏi khu vực TP.HCM, tài xế đã hết 4 giờ lái xe liên tục.
Tuy nhiên, đoạn đường này không có điểm dừng, đỗ để tài xế nghỉ ngơi 15 phút theo quy định. Tài xế phải nhích xe từng chút chứ không thể tắt máy đậu trên đoạn đường này được vì có lắp biển báo cấm dừng, cấm đỗ.
Theo quy định, nếu một ngày chạy 10 giờ và không quá 48 giờ/tuần, tài xế chỉ làm việc đến thứ 6 là xong, phải để xe ở bãi và qua đầu tuần mới được lái chở hàng trở lại.
"Hạ tầng giao thông ở TP.HCM chưa đảm bảo, đường quá nhỏ. Kẹt xe nghiêm trọng nhưng Nhà nước quy định chạy xe 4 giờ liên tục phải nghỉ ngơi 15 phút, anh em tài xế không có chỗ đậu phương tiện để nghỉ ngơi. Xe dừng lại thì vi phạm lỗi đậu không đúng nơi quy định, đi tiếp thì bị dính lỗi chạy quá giờ quy định, cách nào cũng bị phạt", ông Minh nói.
Theo ông Minh, trước đây, mỗi xe đầu kéo của ông chở hàng mỗi ngày được 2 chuyến trong bán kính 100km, doanh thu 6 triệu đồng. Từ khi áp dụng Nghị định 168, mỗi xe chạy trung bình một ngày chưa được một chuyến hàng, doanh thu giảm hơn một nửa.
Tình hình kinh tế nhiều doanh nghiệp vận tải, tài xế ở TP.HCM ra sao khi ùn tắc giao thông liên tục? - Ảnh 6.
CSGT TP.HCM phạt hơn 3.200 trường hợp vi phạm trong 2 ngày theo nghị định mới
Bên cạnh đó, ông Thiên (42 tuổi), chủ doanh nghiệp vận tải với 9 xe đầu kéo container, chuyên chở hàng cảng xuất nhập khẩu cho biết, khi Nghị định 168 có hiệu lực với mức phạt quá cao, anh em tài xế làm việc luôn áp lực vì không kiếm được chỗ dừng đỗ sau khi lái xe liên tục 4 giờ, nhưng gặp cảnh ùn tắc giao thông.
Tình trạng trên khiến hàng hóa không cung cấp kịp cho nhà máy để đảm bảo hoạt động sản xuất. Doanh nghiệp vận tải của ông cũng bị ảnh hưởng, không giao hàng đúng tiến độ.
"Tôi mong muốn Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng tốt hơn để tài xế chở hàng không bị ùn tắc. Hiện 90% tài xế vô tình vi phạm do hạ tầng giao thông không đảm bảo. Với quy định mới, tài xế làm không đủ sản lượng, ảnh hưởng đến thu nhập. Tài xế có nhu cầu được tăng ca lái xe thêm giờ theo luật lao động như những ngành khác thì có được hay không?", ông Thiên đặt câu hỏi.
Liên quan đến vụ việc trên, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (C08) cho biết, Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ quy định người lái ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ không được phép lái xe liên tục quá 4 giờ, thời gian làm việc trong ngày tối đa 10 giờ. Cùng với đó, trong một tuần, nhóm tài xế này cũng được quy định không được lái xe quá 48 giờ.
Quy định nêu trên được kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ trước đây và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật lao động. Đại diện Cục CSGT cho biết sau 4 tiếng lái xe liên tục, người lái xe có thể nghỉ ngơi. Sau khoảng 15 phút, họ được phép lái xe tiếp tục hành trình.
Đây là biện pháp bảo an toàn sức khỏe cho người lái xe, góp phần giảm thiểu rủi ro tai nạn khi tham gia giao thông. Việc thực hiện hiệu quả các quy định này cũng đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa ý thức cá nhân và trách nhiệm của các tổ chức vận tải.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, từ dữ liệu quan trắc cho thấy ùn tắc ở các tuyến đường tại trung tâm thành phố tăng khoảng 17%, một số khu vực cửa ngõ cũng tăng 10%. Điều này dẫn đến năng lực lưu thông qua các nút giao chậm hơn, chu kỳ đèn xanh không thể giải tỏa hết xe, ảnh hưởng dây chuyền tới các giao lộ liền kề.
Lý giải cho việc tình trạng kẹt xe nghiêm trọng những ngày qua, Sở GTVT TP.HCM cho biết có nhiều lý do như: Thành phố mới diễn tập phòng cháy chữa cháy quy mô lớn, một số tuyến đường phải hạn chế xe, nhu cầu đi lại tăng đột biến, nhiều sự kiện tổ chức cuối năm. Đồng thời, do quá e dè bị xử phạt sau khi Nghị định 168 có hiệu lực nên có hiện tượng dù đèn xanh vẫn còn khoảng 5 giây nhưng nhiều người đã dừng lại, nhất là ô tô. Các xe chiếm dụng mặt đường lớn, làm xe phía sau bị dồn lại, nhất là giờ cao điểm.
Để hạn chế ùn tắc, lãnh đạo sở cho biết đang phối với CSGT điều chỉnh linh hoạt đèn tín hiệu giao thông, theo từng thời điểm trong ngày. Đồng thời, hơn 130 nút giao trên địa bàn mới được lắp đèn tín hiệu mũi tên màu xanh cho xe máy rẽ phải khi đèn đỏ, thuận lợi hơn cho người dân đi lại.
Theo Công an TP.HCM, sau khi áp dụng Nghị định 168, tình hình tai nạn giao thông ở thành phố giảm 24% so với cùng kỳ, các vi phạm cũng giảm rất nhiều.
Chinh Hoàng