Điện khí có vai trò đặc biệt quan trọng trong an ninh năng lượng và ổn định hệ thống điện của Việt Nam. Chuỗi dự án điện sử dụng nguồn khí trong nước còn có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế và là động lực phát triển của nhiều vùng miền.
1. Đặc thù an ninh năng lượng Việt Nam
An ninh năng lượng, nói một cách đơn giản, là khả năng tiếp cận năng lượng một cách dễ dàng, với giá cả chấp nhận được. Để tiếp cận năng lượng được dễ dàng, các nước thường ưu tiên, tập trung phát triển nguồn năng lượng nội địa. Nếu thiếu và bắt buộc phải nhập khẩu năng lượng thì các nước thường lựa chọn loại hình dễ mua bán, đa dạng hóa nguồn cung, hạn chế phụ thuộc vào một vài khu vực, quốc gia nhất định.
Việt Nam là một nước nhiệt đới gió mùa, nhiều sông nước, nhiều nắng, nhiều gió, nên cùng với nguồn tài nguyên hóa thạch đã được xác định, còn có nguồn thủy điện, điện gió, điện mặt trời… rất phong phú. Nguồn năng lượng hóa thạch của Việt Nam có than, dầu và khí, tuy nhiên do quá trình chuyển dịch năng lượng đang diễn ra và cam kết của Việt Nam, cùng với trữ lượng còn lại chủ yếu là khí, than và dầu sẽ giảm dần vai trò. Thủy điện, điện khí và năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện mặt trời, điện gió) sẽ trở thành 3 trụ cột quan trọng của an ninh năng lượng quốc gia.
Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ có duy nhất kho cảng trung tâm LNG Thị Vải 1 triệu tấn/năm của PV GAS đã đưa vào vận hành từ tháng 7/2023 và đang triển khai nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm vào năm 2026 phục vụ cho toàn bộ khu vực Đông Nam Bộ.
Từ 2015, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ khai thác khí đá phiến, Mỹ trở thành nước xuất khẩu LNG hàng đầu, cùng với các Trung Đông, Nga, Australia… tạo điều kiện cho Việt Nam có nhiều nguồn nhập khẩu khí. Đó là chưa kể khả năng nhập khẩu cả bằng đường ống và LNG từ Malaysia và Myanmar, những nước xuất khẩu khí ở ngay Đông Nam Á. Những yếu tố địa chính trị này càng cho thấy việc lựa chọn khí như một nguồn năng lượng chiến lược là lựa chọn đúng đắn trong điều kiện Việt Nam.
Quy hoạch Điện VIII vừa được phê duyệt cũng cho thấy các nhà quản lý đã lựa chọn điện khí là nguồn năng lượng chiến lược. Theo quy hoạch này, đến năm 2030, công suất điện khí sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng với 24,8%, nhiệt điện than chiếm 20%, thủy điện chiếm 19,5%, điện gió trên bờ và ngoài khơi chiếm 18,5% trong tổng công suất nguồn điện. Như vậy, công suất lắp đặt điện khí chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện.
2. Vai trò nhiệt điện khí ở Việt Nam
a. Một trong 3 trụ cột an ninh năng lượng
Như trên đã phân tích, điện khí là 1 trong 3 trụ cột an ninh năng lượng, từ góc độ sản xuất trong nước, cũng như nhập khẩu.
Trong nước hiện đang triển khai 2 chuỗi dự án quan trọng, cung cấp nguồn khí cho 9 nhà máy điện khí: Ô Môn I, II, III, IV; Miền Trung I, II; Dung Quất I, II, III với tổng công suất 7.240 MW. Ngoài ra, có mỏ Báo Vàng cũng có trữ lượng đủ để cung cấp cho nhà máy điện khí Quảng Trị. Chưa kể tiềm năng thu hồi còn lại được đánh giá khoảng 2,6 tỷ m3 quy dầu, nhưng thiên về khí.
Trung tâm Điện lực Ô Môn – Cần Thơ
Thị trường LNG thế giới phát triển mạnh mẽ, nên nguồn nhập khẩu khí khá phong phú và dễ dàng. Nếu nhập khẩu từ Mỹ còn giúp cân bằng cán cân thương mại hai nước, từ đó thúc đẩy việc xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh vào thị trường lớn này.
b. Thành tố quan trọng trong ổn định hệ thống điện Việt Nam
Trong 3 trụ cột năng lượng, năng lượng tái tạo thất thường theo ngày và mùa, thủy điện thường bị hạn chế vào mùa khô. Giai đoạn thiếu điện vào tháng 5-6/2023 vừa qua đã cho thấy rõ rủi ro của thủy điện. Trong bối cảnh đó, điện khí là thành tố quan trọng vừa bảo đảm an ninh năng lượng nói chung, vừa giúp ổn định hệ thống điện khi cả 2 thành tố kia gặp điều kiện không thuận lợi.
Ưu điểm vượt trội của nguồn điện LNG có khả năng chạy phủ đỉnh, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống khi các nguồn điện năng lượng khác bị giảm phát.
c. Giải pháp hiệu quả trong chuyển dịch năng lượng
Bảng trên cho thấy, lượng phát thải của điện khí bằng cỡ 60% của điện than. Cũng vì lẽ đó, nhiều quốc gia coi điện khí như là một giải pháp trung gian của giai đoạn đầu chuyển dịch năng lượng. Việt Nam cũng cần theo đuổi chiến lược này vì chúng ta đã cam kết không đầu tư mới điện than sau 2030.
d. Phát triển chuỗi giá trị khí trong nước mang lại giá trị cao cho nền kinh tế
Các dự án điện khí trong nước (là khâu sau) góp phần thúc đẩy khâu đầu (thăm dò khai thác) phát triển. Vì vậy, chúng góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản của đất nước, mang lại giá trị cao, đóng góp đáng kể vào GDP, thu nhập quốc dân, nộp ngân sách… cũng như là động lực phát triển kinh tế của nhiều vùng miền.
Lấy ví dụ, khi chuỗi dự án Lô B đi vào vận hành, ngoài việc đóng góp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 22 tỷ kWh/năm, còn mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo tính toán, chỉ riêng khâu thượng nguồn (khai thác khí) của chuỗi dự án có thể mang lại cho ngân sách nhà nước khoảng 1 tỷ USD/năm
3. Nhiệt điện khí trong một số nước Đông Nam Á và hàm ý cho Việt Nam
Các nước Đông Nam Á cũng vậy. Với điều kiện có nhiều mặt giống Việt Nam, như trữ lượng khí tự nhiên trong nước, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu điện cao, định hướng chuyển dịch năng lượng, nhiều nước duy trì tỷ trọng điện khí ở mức cao trong tổng thể hệ thống phát điện quốc gia. Ví dụ, tại Thái Lan hiện nay khoảng 60% lượng điện sản xuất là điện khí. Malaysia có tỷ lệ này là 45% và tại Indonesia là hơn 22%.
Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4, nhà máy điện khí sử dụng LNG đầu tiên tại Việt Nam
Trong khi đó, trong năm 2022 tỷ lệ lượng điện sản xuất từ khí thiên nhiên trên tổng lượng điện sản xuất của Việt Nam mới khoảng 11%. Mặc dù Quy hoạch Điện VIII như trên đã nêu, tỷ lệ này đang có xu hướng giảm trong năm 2023. Số liệu từ EVN cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2023, trong tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống 24,28 tỷ kWh, trong đó sản lượng điện từ nguồn điện tua bin khí mới chỉ 22,9 tỷ kWh, chiếm 9,8%.
Tiến độ triển khai nhiệt điện khí hiện cũng chậm. Trong tổng số 23 dự án điện khí theo Quy hoạch, mới có 1 đi vào vận hành, 1 đang xây dựng, còn 21 đang chuẩn bị hay lựa chọn nhà đầu tư. Đặc biệt, hai chuỗi dự án khí trong nước là lô B và Cá Voi Xanh đều lùi tiến độ nhiều lần. Điều này cho thấy khoảng cách giữa quy hoạch và thực tế còn khá xa.
4. Kết luận
Điện khí có vai trò đặc biệt quan trọng trong an ninh năng lượng và ổn định hệ thống điện của Việt Nam. Chuỗi dự án điện sử dụng nguồn khí trong nước còn có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế và là động lực phát triển của nhiều vùng miền.
Tuy nhiên, thực tế triển khai các dự án điện khí còn chậm và đang phải đối diện với nhiều vướng mắc. Nút thắt cơ bản của quá trình triển khai các dự án nêu trên là do thể chế phát triển thị trường năng lượng Việt Nam còn nhiều điểm cần hoàn thiện.
Một là, giá khí khai thác trong nước hiện đang được nhà nước quản lý chặt chẽ, cùng với chế độ bao tiêu cho nhà đầu tư, trong khi cấu thành mới của thị trường khí là LNG nhập khẩu thì giá và sản lượng bao tiêu lại đàm phán theo quy luật của thị trường. Bài toán đặt ra là ứng xử với 2 loại khí này như thế nào để bảo đảm công bằng trên thị trường, tức là quyền lợi và rủi ro như nhau cho tất cả các nhà đầu tư?
Hai là, sự thiếu liên thông trên thị trường năng lượng. Hiện nay, giá điện do nhà nước quản lý, trong khi giá LNG với vai trò là nhiên liệu đầu vào cho điện khí thì lại tự do theo thị trường thế giới. Điều này dẫn đến nhu cầu khách quan là giá điện cần tiếp cận gần hơn với quy luật thị trường và có cơ chế phân bổ quyền lợi, rủi ro hợp lý giữa các doanh nghiệp tham gia chuỗi điện khi LNG, từ đầu tư kho cảng, nhập khẩu, xây dựng vận hành nhà máy, đến mua điện, phát lên hệ thống, phân phối và bán lẻ đến người dùng cuối cùng.
Giải quyết các bài toán trên chính là thực hiện chủ trương “xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh”, đã được nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ chính trị, cũng như bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Nguyễn Hồng Minh