Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Nhật Bản thiếu gạo, hàng Việt vượt qua 624 tiêu chí để được chọn
Chuyên mục:

Hàng hóa

Vietnam Finance | 18/4 19:27
Google news

Giữa khủng hoảng thiếu gạo, người tiêu dùng Nhật đang dần chuyển sang dùng gạo ngoại, mở ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Nhật Bản thiếu gạo: Chuyển sang dùng gạo ngoại

Năm ngoái, khi Nhật Bản thiếu gạo nghiêm trọng khiến giá gạo leo thang, ông Arata Hirano – chủ một nhà hàng ở Tokyo – đã làm điều từng bị coi là khó tin: chuyển sang sử dụng gạo Mỹ.

Kể từ đó đến giờ, loại gạo Calrose từ California mà ông mua đã tăng giá gấp đôi, nhưng dù vậy, nó vẫn rẻ hơn đáng kể so với gạo trồng trong nước.

“Nếu giá gạo trong nước không giảm xuống thấp hơn gạo Calrose, tôi không có ý định quay lại dùng gạo nội địa”, ông Hirano chia sẻ.

Arata Hirano, chủ nhà hàng Shokudou Arata, sử dụng gạo Calrose của Mỹ tại nhà hàng của mình ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters. 

Việc ông Hirano sẵn sàng sử dụng gạo ngoại có thể báo hiệu một sự chuyển biến lớn trong tư duy của doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản.

Giá gạo bán buôn nội địa ở Nhật Bản đã tăng khoảng 70% trong năm 2024, đạt mức cao nhất kể từ khi dữ liệu thống kê bắt đầu vào năm 2006. Các mùa vụ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng cực đoan, trong khi lượng khách du lịch tăng mạnh cũng khiến nhu cầu tiêu thụ tăng cao.

Nhiều chuyên gia lo ngại tình hình năm nay cũng sẽ không khá hơn. Tính đến ngày 6/4, giá gạo tại siêu thị Nhật Bản đạt trung bình 4.214 yên (tương đương 29,65 USD) cho mỗi 5 kg – tăng liên tiếp 14 tuần và cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này diễn ra bất chấp việc chính phủ Nhật Bản bán đấu giá các kho gạo dự trữ khẩn cấp nhằm hạ nhiệt giá lương thực.

Trong bối cảnh lạm phát khiến chi phí sinh hoạt leo thang, người dân Nhật vốn nổi tiếng với khẩu vị tinh tế và niềm tự hào về hạt gạo của mình – đã sẵn sàng đón nhận sự thay đổi.

Tập đoàn bán lẻ Aeon tuần trước đã bắt đầu bán loại gạo trộn 80% Mỹ - 20% Nhật với giá rẻ hơn khoảng 10% so với gạo nội địa, sau khi một đợt bán thử nghiệm thu hút sự quan tâm lớn. Chuỗi thức ăn nhanh Matsuya và tập đoàn ẩm thực Colowide cũng bắt đầu phục vụ gạo Mỹ 100% trong năm nay. Tại hệ thống siêu thị Seiyu, gạo Đài Loan đã liên tục "cháy hàng" từ năm ngoái.

Giá gạo Nhật Bản đang tăng giá kỉ lục. Ảnh: Simlyoishii. 

Ngoại trừ những đợt thiếu hụt hiếm hoi, trong suốt 6 thập kỷ qua, gần như toàn bộ gạo tiêu dùng chính của Nhật đều là gạo nội địa. Do đó, Nhật Bản không có nhiều nhu cầu nhập khẩu. Chính phủ cũng đánh thuế gạo nhập khẩu ở mức cao để bảo vệ nông dân và đảm bảo tự cung tự cấp.

Nhật Bản có hạn ngạch gạo nhập khẩu được miễn thuế ở mức 100.000 tấn mỗi năm – tương đương khoảng 1% tổng mức tiêu thụ. Năm 2024, Mỹ chiếm khoảng 60% lượng này, theo sau là Thái Lan và Đài Loan. Nếu nhập vượt hạn mức 100.000 tấn, mức thuế áp dụng là 341 yên/kg.

Đầu tháng 4 khi T.T Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng, ông chỉ trích Nhật Bản vì mức thuế “700%” áp lên gạo Mỹ. Phía Nhật Bản bác bỏ con số, cho rằng đó là cách tính dựa trên giá gạo quốc tế lỗi thời.

Tuần này, Thủ tướng Nhật Bản sẽ có buổi đàm phán thuế trực tiếp với TT. Trump. Hiện chưa rõ gạo có trở thành vấn đề trọng tâm trong cuộc đàm phán hay không, và liệu Nhật Bản sẽ sẵn sàng nhượng bộ đến đâu trong việc mở cửa thị trường gạo.

Tuy vậy, một tín hiệu cho thấy khả năng thay đổi là hội đồng cố vấn Bộ Tài chính Nhật vào ngày 15/4 đã đề xuất mở rộng nhập khẩu gạo tiêu dùng, cho rằng việc dỡ bỏ hạn ngạch miễn thuế 100.000 tấn có thể giúp ổn định nguồn cung.

Đầu năm nay, công ty nhập khẩu gạo Kanematsu đã tiến hành lô hàng nhập khẩu quy mô lớn đầu tiên gồm 10.000 tấn gạo tiêu dùng Mỹ.

Gạo Việt Nam chinh phục thị trường Nhật Bản

Gạo là mặt hàng nhạy cảm mà Nhật Bản luôn muốn bảo hộ và loại khỏi danh sách đàm phán cắt giảm thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, trong các FTA mà Việt Nam và Nhật Bản là thành viên, Nhật Bản không có cam kết ưu đãi đặc biệt nào cho gạo nhập khẩu từ Việt Nam.

Hiện nay, Nhật Bản cũng không phải là thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam. Gạo Việt vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại đến từ Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc hay Australia. Gạo muốn nhập khẩu vào Nhật Bản phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí khắt khe, đặc biệt là các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Năm 2012, Việt Nam từng trúng thầu xuất khẩu số lượng lớn gạo sang Nhật. Tuy nhiên, sau đó gạo Việt bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép nên không được các công ty Nhật Bản tiếp tục đưa vào danh sách đấu thầu. Kể từ đó, gạo Việt Nam vào Nhật chủ yếu theo đường phi mậu dịch, số lượng không đáng kể và thường chỉ dùng trong chế biến thực phẩm như bánh, tương miso…

Ngày 1/7/2022 lần đầu tiên gạo ST25 Việt Nam được giới thiệu chính thức tại Nhật Bản. Ảnh: Bộ Công thương. 

Tuy nhiên, các năm gần đây, đã có những tín hiệu tích cực. Năm 2022, lô gạo đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu trở lại thị trường Nhật Bản với số lượng 100 tấn. Đến năm 2024, lô xuất khẩu thứ 2 đã tăng lên đến 6.000 tấn, gấp 60 lần so với lần đầu. Dự kiến vào tháng 3 năm nay, thương hiệu gạo thứ 3 của Việt Nam sẽ chính thức ra mắt tại Nhật Bản, sau ST25 và Japonica.

Ông Yoshino Takeshi – Giám đốc điều hành Ngân hàng Kiraboshi cho biết: “Thủ tục nhập khẩu gạo vào Nhật khá phức tạp, thông thường phải mất tới một năm rưỡi để xin được giấy phép. Tuy nhiên, chúng tôi đã hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện điều này chỉ trong vòng nửa năm”.

Gạo Việt Nam khi nhập vào Nhật phải vượt qua 624 tiêu chí kiểm định liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, qua 3 vòng kiểm tra nghiêm ngặt. Tuy nhiên, với 2 đợt xuất khẩu thành công, con đường vào thị trường Nhật Bản đang ngày càng mở rộng, và thời gian xử lý thủ tục cũng dần được rút ngắn.

Theo Reuters

Link gốc

THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
https://stockbiz.vn/tin-tuc/nhat-ban-thieu-gao-hang-viet-vuot-qua-624-tieu-chi-de-duoc-chon/31976382
Cùng chuyên mục