Nhằm tận dụng tối đa giá trị nhựa hết hạn sử dụng, Công ty Environment Energy (EE) của Nhật Bản vừa phát triển một công nghệ xử lý biến rác thải nhựa thành dầu thô với hiệu quả và độ linh hoạt cao.
Nhật Bản biến rác thải nhựa thành dầu thô
Theo EE, trung bình mỗi người dân Nhật Bản hiện nay tạo ra gần 40 kg rác thải nhựa dùng một lần mỗi năm. Vì vậy, công nghệ của EE được xem là "mũi tên trúng nhiều đích".
Phương pháp của EE phát triển có tên HICOP (High-efficiency Oil Production), hay sản xuất dầu hiệu suất cao, công suất xử lý 20.000 tấn rác thải nhựa/năm.
Trang tin công nghệ Mỹ Interesting Engineering trích dẫn lời Suji Noda, Giám đốc điều hành EE, cho hay, HICOP là một quá trình cracking xúc tác, giống như áp dụng trong ngành dầu khí, để phân hủy nhựa ở nhiệt độ lên tới 450 độ C.
Lợi thế của công nghệ này là an toàn, tạo ra dầu chất lượng cao, gồm 50% gasoline và 50% diesel, công suất xử lý khoảng 120 tấn rác mỗi tháng.
HICOP khác với tái chế cơ học là không cần nhiều công đoạn, thay vào đó, xúc tác cracking giúp phân hủy, biến rác thải nhựa thành khí hydrocarbon trước khi cô đặc thành dầu thô.
Vì vậy, nó linh hoạt hơn so với công nghệ truyền thống. Đặc biệt là xử lý được nhiều loại nhựa, không cần phân loại và có độ ô nhiễm cực thấp.
Mai Nguyễn (Tổng hợp)